Thủ tướng Lào hôm qua (25/1) đã bất ngờ lên tiếng đảm bảo với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry rằng, quốc gia Đông Nam Á này sẽ giúp siêu cường số 1 thế giới chống lại sự nổi lên ngày một đáng lo ngại của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lào năm nay sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nguyên thủ của 10 nước thành viên ASEAN dự kiến sẽ có cuộc họp đặc biệt vào tháng tới ở Sunnylands, California, theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Sự kiện này là một phần trong chính sách đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng nhằm vươn rộng cánh tay của Mỹ đến khu vực với mục đích để làm đối trọng với một Trung Quốc đang ngày càng trở nên táo bạo trong tham vọng tìm kiếm vị trí thống trị ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry đến đất nước Lào, một đất nước chưa đầy 7 triệu dân là nhằm để mở đường cho hội nghị sắp tới và để đảm bảo sự tham gia tích cực của Lào và ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Ông Kerry đã đặt chân đến thủ đô Lào hôm Chủ nhật (24/1).
Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong “đã thể hiện rất rõ rằng ông muốn một ASEAN đoàn kết, thống nhất và ông muốn các quyền hàng hải được bảo đảm. Ông ấy cũng muốn tránh tình trạng phi quân sự hóa cũng như xung đột ở Biển Đông”, Ngoại trưởng Kerry cho các phóng viên biết. “Và những điều đó sẽ được chúng tôi phát triển khi chúng tôi đến Sunnylands. Chúng tôi sẽ có một sự đoàn kết lớn hơn, tôi chắc chắn là như vậy”.
Trước thềm chuyến thăm đến Lào, giới chức Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Kerry sẽ đem đến thông điệp với giới lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN về sự cần thiết phải thể hiện một lập trường thống nhất, đoàn kết trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
Cuối năm nay, Tổng thống Obama sẽ trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Lào để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Ngoại trưởng Kerry cho biết, mối quan hệ giữa Mỹ và Lào đang tiến triển sau một thời kỳ diễn ra chiến tranh và hoài nghi lẫn nhau. Ngoài gặp gỡ Thủ tướng Lào Thammavong và Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thongloun Sisoulith, Ngoại trưởng Mỹ Kerry còn đến thăm That Luang – biểu tượng của Phật giáo và nền chủ quyền của Lào. Đây là công trình kiến trúc đặc biệt và quan trọng nhất ở Lào.
Tình hình Biển Đông đang căng như dây đàn khi Bắc Kinh ngày càng lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc đang tìm cách Biển Đông giàu có và chiến lược thành “ao nhà” của họ.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trước thực tế này, ASEAN ngày càng thể hiện một lập trường đoàn kết và quyết tâm hơn trong vấn đề Biển Đông. Trong các cuộc họp của ASEAN trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông luôn được đặt lên hàng đầu. Năm nay, với việc Lào nắm vị trí Chủ tịch ASEAN và những phát biểu mạnh mẽ mới nhất vừa được Thủ tướng Lào đưa ra, người ta kỳ vọng Hiệp hội này sẽ có bước đột phá trong tiến trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.