Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiGiấc mơ ôtô Việt Nam: Hy vọng vào Nga, thắng TQ

Giấc mơ ôtô Việt Nam: Hy vọng vào Nga, thắng TQ

Theo GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nếu Nga-Belarurs tập trung sản xuất xe tải, giá rẻ thì chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam



.

Tổ Công tác liên ngành đàm phán Hiệp định hợp tác sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam với Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus vừa công bố đã hoàn tất đàm phán.

Theo đó, các trưởng đoàn đàm phán các bên vừa hoàn tất việc ký tắt Nghị định thư về ô tô giữa Việt Nam và Nga và Nghị định thư về ô tô giữa Việt Nam và Belarus. Dự kiến các Nghị định thư này sẽ được ký kết vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3/2016.

Nội dung cơ bản của các Nghị định về ô tô bao gồm việc các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ…) và Belarus (MAZ) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải (KAMAZ, GAZ, UAZ, MAZ), xe từ 10 chỗ trở lên (KAMAZ, MAZ), xe địa hình (UAZ) và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.

Dự kiến, liên doanh với Nga sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2020 là 25% đối với xe chuyên dụng, 30% đối với xe tải và xe địa hình và 35% đối với xe từ 10 chỗ trở lên và đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2025 là 40% đối với xe chuyên dụng và xe địa hình, 45% đối với xe tải và 45% đối với xe từ 10 chỗ trở lên.

Riêng Belarus cam kết tỷ lệ nội địa hóa cao hơn: Đến năm 2020 là 40% và đến năm 2026 là 60%.

Thông tin trên làm dấy lên hy vọng Nga và Belarus có thể giúp Việt Nam thay đổi “cuộc chơi” khi trong suốt 20 năm qua, dù nhiều doanh nghiệp FDI của Nhật, Hàn, châu Âu vào Việt Nam đầu tư sản xuất ô tô nhưng công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chỉ là lắp ráp, tỷ lệ sản xuất nội địa của các doanh nghiệp ô tô trong nước rất thấp.

Trao đổi với Đất Việt về việc Việt Nam bắt tay Nga, Belarus lập liên doanh sản xuất ô tô, GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng vấn đề nội địa hóa phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước có kiên định hay không và các doanh nghiệp Việt Nam có mặn mà với việc đó hay không, điều này đòi hỏi nỗ lực của cả hai phía.

“Trước đây, chính sách của Nhà nước Việt Nam không ổn định nên các doanh nghiệp ô tô FDI không thích thú gì, mặt khác phía doanh nghiệp chưa đủ lực. Bây giờ nếu cải thiện được hai khâu: cả chính sách và năng lực của doanh nghiệp có liên quan đến ô tô thì Việt Nam sẽ làm được.

Cho đến nay người ta vẫn tranh cãi về chuyện kêu gọi nội địa hóa trong công nghiệp ô tô mà 100% vốn nước ngoài thì có được gọi là nội địa hay không? Những khái niệm này Việt Nam phải đặt ra từ sớm, nếu không, vì thành tích mà chúng ta cứ vơ vào, nhận là của mình”, GS.TS Trai lưu ý.

Về triển vọng Nga giúp Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô, GS.TS Nguyễn Khắc Trai, cho rằng Nga có nền công nghiệp tương đối thân thiện với Việt Nam nên khả năng họ có thể làm được, nhất là khi họ không lựa chọn phát triển chủng loại xe con bởi xe con rất khó tiếp cận do yêu cầu kỹ thuật và đòi hỏi của các tiêu chuẩn quốc tế rất cao. Nếu Nga chọn xe tải hoặc xe buýt để phát triển thì Việt Nam có thể tiếp cận được.

“Nếu Belarus và Nga giúp Việt Nam chọn dòng xe tải thì tôi cho rằng hoàn toàn có thể thành công. Thực tế thời gian qua, một số nơi ở Việt Nam đã thử nghiệm làm xe tải, xe buýt nhưng chưa mang tính thương mại lớn để xứng đáng là một ngành công nghiệp, họ thử nghiệm xong rồi bỏ đấy vì không có địa chỉ ứng dụng. Nếu cả một hệ thống vào và phát triển công nghiệp phụ trợ thì Nga, Belarus có thể thực hiện được, còn mức độ bao nhiêu thì tùy theo sức khỏe kinh tế Việt nam. 

Nếu chọn xe con thì khó cạnh tranh được với hàng loạt hãng khác đã có mặt tại Việt Nam. Riêng đối với xe tải, nhiều năm trước tôi đã ngồi nhiều hội đồng xét duyệt và nghiệm thu các phần liên quan tới xe tải, thực ra Việt Nam đã chuẩn bị rồi chứ không phải chưa làm. Nhưng như nói ở trên, do cơ chế công ty nhà nước nên nó không nảy nở được, không chuyển giao công nghệ được vì không có doanh nghiệp đủ mạnh để lăn xả vào lĩnh vực đó, thay vào đó họ đi làm việc khác lợi hơn.

Với sự tham gia của Nga, Belarus vào thị trường ô tô Việt Nam, vấn đề còn lại là Nhà nước cứ để cho tư nhân làm, bên cạnh đó có một số chính sách khuyến khích, động viên họ thì Việt Nam có thể làm được xe tải”, GS.TS Nguyễn Khắc Trai lạc quan.

RELATED ARTICLES

Tin mới