Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngHoàn tất COC - thời gian không chờ đợi

Hoàn tất COC – thời gian không chờ đợi

Tình hình Biển Đông nóng lên trong những năm gần đây, đặc biệt trong hai năm 2014 – 2015 với việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 xâm phạm vùng biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 và việc Trung Quốc đẩy nhanh chưa từng có quy mô xây dựng đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng trái phép ở Biển Đông năm 2015 đã đẩy tình hình khu vực trong trạng thái căng thẳng. Một trong những lý do khiến cho Trung Quốc tự tung tự tác hành động là khu vực chưa có được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý.

Trung Quốc trì hoãn

Xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là vấn đề đã được giới chính khách, học giả và những người quan tâm đến tình hình khu vực thảo luận nhiều. Mong muốn xây dựng một bộ quy tắc như vậy đã có từ lâu, tuy nhiên, qua quá trình thảo luận, đấu tranh, đến năm 2002, tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 8 tổ chức ở Phnôm Pênh (Cam – pu – chia), các nước ASEAN và Trung Quốc mới ký được Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuy nhiên, DOC mới chỉ được coi là giải pháp ban đầu bởi nội dung của nó mang tính cam kết chính trị là chính, có những điểm không rõ ràng và quan trọng nhất là không mang tính ràng buộc. Vì vậy, đích đến vẫn là phải đàm phán xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử COC rõ ràng hơn và mang tính ràng buộc pháp lý, có tác dụng hiệu quả hơn trong việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định ở Biển Đông và góp phần vào việc giải quyết tranh chấp, xung đột.

Thế nhưng, đến nay, điều đáng tiếc là COC vẫn chưa bước vào giai đoạn đàm phán mang tính thực chất giữa ASEAN và Trung Quốc. Mới chỉ có các tuyên bố chính trị về việc quyết tâm thúc đẩy đàm phán xây dựng COC, trong khi không có bước tiến triển cụ thể nào.

Lý do cho sự chậm trễ đó thì có nhiều, nhưng một trong những lý do chính là do sự trì hoãn, kéo dài thời gian của nước đối tác quan trọng của đàm phán COC, đó là Trung Quốc. Rõ ràng nếu COC được xây dựng với mục tiêu chính là một văn kiện pháp lý có tính ràng buộc điều chỉnh xử sự của các bên, trong đó có Trung Quốc, qua đó góp phần ngăn chặn các hành vi làm căng thẳng tình hình Biển Đông, thì nước bị bất lợi nhất chính là Trung Quốc, bởi họ chính là nước có các hành động làm bất ổn tình hình Biển Đông và phớt lờ các quy tắc, luật lệ quốc tế. Trung Quốc không muốn tự lấy đá buộc vào chân mình. Họ cũng muốn hoàn thành các công việc cần thiết như việc xây dựng các đảo nhân tạo, củng cố vững chắc thế đứng ở Biển Đông trước khi COC được hoàn tất.

Thời gian không chờ đợi

Bước sang năm 2016, như chúng ta đã thấy, ngay từ đầu năm, Trung Quốc lại tiếp tục có hàng loạt hành động làm phức tạp, gây căng thẳng cho khu vực, bất chấp luật pháp, quy định của cộng đồng quốc tế, làm mất an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, điển hình là việc bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập, điều tàu chiến ra các đảo nhân tạo, đưa giàn khoan 981 trở lại hoạt động trong vùng biển nhạy cảm… Nếu cứ đà này, năm 2016 sẽ tiếp tục là năm đầy căng thẳng, sóng gió đối với Biển Đông. Chính vì lẽ đó, ASEAN cũng như quốc tế cũng cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa trước các hành vi tương tự của Trung Quốc, kể cả việc vạch rõ ý đồ trì hoãn COC của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, việc nhanh chóng đàm phán và hoàn tất COC với các quy định rõ ràng, có sự ràng buộc pháp lý nhằm ngăn chặn các hành vi làm phức tạp, gây căng thẳng, làm mất an ninh, ổn định của khu vực đặt ra ngày càng cấp thiết đối với khu vực. ASEAN, hiệp hội vừa trở thành cộng đồng, cần đi đầu, tích cực, chủ động, đoàn kết trong vấn đề đàm phán hoàn tất COC, coi đây là một trong những trọng tâm, cũng như là một trong những đích đến, điểm nhấn mà khối này cần thực hiện để ghi dấu ấn đầu tiên khi đã trở thành cộng đồng. Điểm thuận lợi là các nước lớn như Mỹ, Úc, Nhật, Nga và EU đều có chung nhận thức việc xây dựng COC là cấp thiết, đem lại lợi ích không chỉ cho ASEAN mà cho tất cả các nước ở trong và ngoài khu vực. Đây chính là sự ủng hộ về mặt chính trị quốc tế cho ASEAN trong việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC với Trung Quốc.

Mới đây, liên quan đến COC, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, nội dung của Bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ được soạn thảo trong tháng 2 tới. “Chúng tôi đang tiến về phía trước và sẽ tạo thêm nhiều sức ép hơn nữa đối với Trung Quốc. Tất cả chúng ta cần phải ngồi lại để lập ra một quy tắc ứng xử rõ ràng”, Tổng thống Philippines nhấn mạnh.

Đó là những nỗ lực và quan điểm hết sức tích cực của phía Philippines đối với việc xây dựng COC. Tuy nhiên, nỗ lực này nếu chỉ có Philippines, Việt Nam và một số nước khác thúc đẩy thì sẽ khó thành công, nó cần có sự ủng hộ của cả khối ASEAN cũng như các nước lớn có lợi ích liên quan khác. Thời gian không chờ đợi, đẩy nhanh xây dựng và hoàn tất COC cần là trọng tâm của ASEAN trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới