Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngPhải chặn TQ biến “đường 9 đoạn” thành “bức tường Berlin trên...

Phải chặn TQ biến “đường 9 đoạn” thành “bức tường Berlin trên biển”!

Philippines đã kêu gọi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) không trao cho Trung Quốc chiếc “chìa khóa vàng”, cho phép Bắc Kinh biến yêu sách “đường 9 đoạn” của họ ở Biển Đông thành một “bức tường Berlin” và một “hàng rào khổng lồ” của riêng họ và ngăn cản các nước khác thực thi quyền lợi hợp pháp của họ.

“Chủ quyền lịch sử” là vô giá trị

Tờ Inquirer (Philippines) hôm qua (3/12) đã đăng tải chi tiết những lập luận của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong vòng điều trần thứ 2 vụ kiện Trung Quốc tại Tòa PCA vừa kết thúc ngày 30/11 vừa qua.

“Chúng tôi phó thác số phận của chúng tôi, số phận của khu vực và số phận của các quy ước (cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển hay UNCLOS) cho quý tòa”, Ngoại trưởng Philippines khẳng khái nói với các thẩm phán của tòa hôm 30/11.

Viện dẫn những lý lẽ đã được các thành viên đội ngũ luật sư bảo vệ cho quyền lợi của Philipines trình bày tại tòa PCA trước đó, ông del Rosario khẳng định rằng: “các chế độ của thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo UNCLOS và thậm chí, theo cả luật pháp quốc tế nói chung, rõ ràng loại trừ yêu sách dựa trên cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn”.

“Khi Công ước UNCLOS nói rằng, các quyền của Philippines trong thềm lục địa của mình tồn tại và không phụ thuộc vào sự chiếm đóng, điều đó có nghĩa là Trung Quốc không có lý do gì để mà yêu sách”.

“Khi Công ước mô tả về vùng đặc quyền kinh tế, tôi nhấn mạnh chữ đặc quyền có nghĩa là của chúng tôi và cái gì của chúng tôi là của chúng tôi, không phải của Trung Quốc” – ông del Rosario nói.

Ngoại trưởng Philippines cũng khẳng định rằng, ông không đồng ý với việc Trung Quốc cáo buộc việc Manila đưa tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông ra phân xử tại Tòa án Trọng tài Thường trực là một “hành động không thiện chí”.

“Chúng tôi coi Trung Quốc là một người bạn có giá trị. Chính vì để giữ gìn tình bạn đó, chúng tôi mới khởi xướng vụ kiện trọng tài này” – ông del Rosario nhấn mạnh.

“Trung Quốc thất bại trong cả 2 cáo buộc”

“Trung Quốc đang thất bại trong cả 2 cáo buộc. Họ không tôn trọng các nghĩa vụ phát sinh từ điều ước, cụ thể là UNCLOS. Họ đã can thiệp vào bổn phận chủ quyền của Philipines là thúc đẩy tiến bộ xã hội của nhân dân Philippines và những nỗ lực của chúng tôi để đạt được một tiêu chuẩn sống tốt hơn cho tất cả người dân.

Không chỉ can thiệp vào sự tiến bộ của người dân Philippines, hành động đơn phương của Trung Quốc (ở Biển Đông) và không khí đe dọa họ tạo ra đang chà đạp lên các quyền và lợi ích của các dân tộc ở Đông Nam Á và xa hơn nữa” – Ngoại trưởng Philippines luận tội Trung Quốc.

Ông chỉ ra rằng, việc Bắc Kinh tiến hành chiến dịch xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã “cho thấy họ hoàn toàn coi thường quyền của các quốc gia khác và luật pháp quốc tế”.

“Trung Quốc bắt đầu việc này (xây đảo nhân tạo) một năm sau khi Philippines khởi xướng vụ kiện trọng tài. Đó là việc làm hòng đơn phương thay đổi hiện trạng ở khu vực, áp đặt bất hợp pháp yêu sách “đường 9 đoạn” và khiến cho mọi việc trở thành “sự đã rồi”.

Việc xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh “không chỉ làm suy yếu sự ổn định trong khu vực mà còn làm suy yếu cả những quy tắc của pháp luật. Hơn nữa, việc này gây thiệt hại môi trường lớn đối với môi trường biển đa dạng nhất trên thế giới… Trung Quốc đã cố tình tạo ra một trong những thảm họa môi trường mới lớn nhất thế giới”.

“Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – bản Hiến pháp của đại dương đang bị đe dọa. Bất kỳ nước nào, dù lớn mạnh đến đâu, cũng không thể được phép đòi hỏi chủ quyền với toàn bộ một vùng biển như là tài sản riêng của họ và sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định yêu sách của mình. Không nước nào được phép viết và viết lại các quy tắc để biện minh cho chương trình nghị sự bành trướng của họ. Nếu những việc này được cho phép, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng sẽ bị coi là vô dụng. Các quy định của pháp luật cũng sẽ bị sức mạnh làm cho vô nghĩa”, Ngoại trưởng Philippines tuyên bố.

 “Lợi ích cho tất cả mọi người”

Trước tòa PCA, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã lưu ý năm nay là “kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc” và quá trình trọng tài “có lợi cho tất cả mọi người”.

Theo ông, “đối với Trung Quốc, (phán quyết của tòa PCA) sẽ xác định và làm rõ các quyền lợi trên biển của họ. Đối với Philipines, (phán quyết của tòa PCA) sẽ làm rõ những gì là của Philippines, cụ thể là các quyền đánh cá, quyền với các nguồn lực và quyền thực thi pháp luật của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Phán quyết của Tòa PCA cũng có lợi ích cho cộng đồng quốc tế, nó sẽ giúp đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”.

“Tất cả những điều đó nằm trong khả năng của quý tòa”, Ngoại trưởng Philippines kết luận.

Ông đồng thời cảnh báo rằng, một phán quyết có lợi cho Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông “sẽ đặt Philipines và các nước láng giềng ở Đông Nam Á ven Biển Đông vào tình trạng tồi tệ hơn cả khi Philipines bắt tay vào hành trình trọng tài này”.

Tổng kết vòng điều trần thứ 2 vụ kiện Biển Đông

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã tổ chức các phiên điều trần kín để nghe các lập luận của Philippines trong vụ kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 24/11 tại Cung điện Hòa bình, trụ sở chính của PCA, ở La Haye (Hà Lan). Nhật Bản, Australia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được phép tham gia vòng điều trần này với vai trò quan sát viên.

Trong một bản thông cáo, định chế này đã tóm lược các luận cứ đã được phái đoàn Philippines trình bày trong vòng điều trần lần này, đồng thời xác định rằng Manila có thể tiếp tục bổ sung tài liệu và trả lời các câu hỏi của Tòa trong phiên điều trần dự trù vào ngày 18/12 tới đây.

Riêng đối với Trung Quốc, dù nước này tẩy chay toàn bộ vụ kiện, PCA vẫn quyết định dành cho Bắc Kinh cơ hội viết phản biện và gửi đến tòa án này trước ngày 1/1/2016.

Trong bản thông cáo báo chí, Tòa án Trọng tài Thường trực ghi nhận lập luận của Philippines theo đó tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhân danh chủ quyền lịch sử hoàn toàn trái ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tòa án cũng nhắc đến việc Philippines tố Trung Quốc không làm tròn bổn phận “ngăn chặn công dân của mình khai thác nguồn tài nguyên mà Philippines có chủ quyền, cũng như không tôn trọng quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough”.

Bắc Kinh cũng bị Philippines tố cáo không bảo vệ môi trường biển khi sử dụng các phương pháp đánh bắt hủy diệt như dùng chất độc xyanua và chất nổ, trong khi tàu Trung Quốc trở thành mối hiểm họa trên biển.

Cũng theo tuyên bố của tòa PCA, Mỹ đã yêu cầu tòa cho phép làm quan sát viên vụ kiện trọng tài, nhưng đã bị từ chối vì Mỹ không phải là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới