Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ gây sức ép với Trung Quốc, quyết thống nhất ASEAN

Mỹ gây sức ép với Trung Quốc, quyết thống nhất ASEAN

Các quan chức Mỹ đang tìm kiếm sự đồng thuận trong ASEAN đối với việc giữ gìn trật tự an ninh trên Biển Đông.

Thông tin trên được Bloomberg ngày 12/2 đưa tin. Theo tờ báo này, phản ứng của Mỹ đặt ra trong bối cảnh Trung Quốc đang cố tìm cách chia rẽ các nước ASEAN, tăng cường ảnh hưởng trên Biển Đông.

Giải pháp của Mỹ là tranh thủ, tìm kiếm sự đồng thuận của các nước trong ASEAN. Theo đó, ngày 15, 16 tháng này Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN tại Sunnylands, California. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tồn tại lo ngại ở Washington rằng, một Trung Quốc trỗi dậy cuối cùng sẽ buộc Mỹ phải nhượng bộ.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) dự báo, đến năm 2030 Biển Đông gần như sẽ trở thành ao nhà của Trung Quốc. Đó là hệ quả của sự hiện diện gần như liên tục của Trung Quốc. Điều này sẽ bẻ gẫy trật tự an ninh khu vực sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

Vì thế, Obama đang tìm tiếng nói thống nhất trong ASEAN đối với yêu sách “chủ quyền” mà Trung Quốc đưa ra với 80% diện tích Biển Đông.

Cùng với động thái trên, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cũng cho biết, ông Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) mà khi đó Lào là nước làm chủ tịch. Đây được xem là chuyến đi Lào đầu tiên của ông Obama trong năm 2016.

Giới phân tích nhận định chuyến thăm Lào của ông Obama năm tới, cũng như chuyến thăm Malaysia trước đó nằm trong chiến dịch khẳng định lại chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ Mỹ và Lào đã được cải thiện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Quan hệ Mỹ – Việt Nam và Mỹ – Myanmar cũng được tăng cường.

Hồi năm 2012, bà Hillary Clinton – hiện là ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Lào trong hơn 50 năm qua.

Trung Quốc tìm cách hạn chế vai trò trung tâm của ASEAN

Tại Hội thảo do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức hồi cuối năm 2015, đã đưa ra nhiều nhận định như vậy.

Theo tiến sĩ William Choong (Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Singapore), do tiềm năng kinh tế đang phát triển và đóng vai trò quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ASEAN đã được nhiều nước lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc tìm cách tranh thủ.

Song song với việc tăng cường thắt chặt quan hệ kinh tế với ASEAN, trong những gần đây Trung Quốc đã cố gắng tăng cường sự tương tác với ASEAN trong lĩnh vực an ninh. Cụ thể, bằng việc đưa ra khái niệm “châu Á của người châu Á” để các nước châu Á quyết định tương lai an ninh khu vực cho mình. Phát biểu tại hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) hồi 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho rằng chỉ có một trật tự an ninh “châu Á của người châu Á” như vậy mới mang lại “an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững” cho khu vực.

Theo tiến sĩ Choong, điều này được giới nghiên cứu coi là một cách Trung Quốc gián tiếp nhằm giữ Mỹ, cường quốc đảm bảo an ninh khu vực trong suốt 7 thập kỷ qua ở bên ngoài khu vực châu Á. Chiến lược của Trung Quốc là làm suy yếu các liên minh của Mỹ, làm giảm vai trò chủ chốt của Mỹ trong các nước láng giềng của Trung Quốc và cuối cùng tạo ra một trật tự an ninh mới với châu Á là hạt nhân.

Theo tiến sĩ Choong, việc Trung Quốc xây dựng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là để đối trọng với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản lãnh đạo và Ngân hàng thế giới (WB) do Mỹ đứng đầu. Bên cạnh đó, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực mà Trung Quốc xúc tiến cũng được coi như bàn đạp để tiến tới một Khu vực mậu dịch tự do của châu Á – Thái Bình Dương, được xem là đối thủ của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ lãnh đạo.

“Việc Trung Quốc cố gắng phát triển quan hệ với các nước láng giềng cũng có một mục tiêu sâu xa hơn đó là không để một nước láng giềng nào có thể thách thức một Trung Quốc mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự”, tiến sĩ Choong nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới