Chính phủ Australia sẽ tăng chi tiêu cho quốc phòng lên 21,5 tỷ USD trong 10 năm nữa trong bối cảnh lo ngại về việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.
Máy bay E/A-18G Growler của Ausralia. Ảnh: AAP
Ngày 24/2, tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull giới thiệu sách trắng quốc phòng năm 2016 của nước này, Bloomberg đưa tin. Tài liệu đánh giá các mối đe dọa toàn cầu đối với Australia và vạch ra kế hoạch phòng thủ riêng.
Sách trắng nêu rõ, Australia sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ nay đến năm 2023. Theo một chuyên gia phân tích hàng đầu, mức tăng này có nghĩa là Australia sẽ cam kết chi hơn 1 nghìn tỷ USD để bảo vệ quốc gia trong 20 năm tới.
Sách trắng viết rõ, chi tiêu cho quốc phòng sẽ tăng từ 32,4 tỷ USD năm 2016-2017 tới 58,7 tỷ USD giai đoạn 2025-2026.
Australia cam kết dành 25% chi tiêu quốc phòng cho việc tăng cường năng lực hải quân nước này. Điều này được mô tả là “sự cải tổ toàn diện nhất” của Hải quân Australia kể từ Thế chiến II. Ngoài việc tăng thêm 12 tàu ngầm mới, một phần của Chương trình Hạm đội Tương lai, chính phủ Australia sẽ bổ sung 9 khu trục hạm chống tàu ngầm và 12 tàu tuần tra ven biển mới, 7 máy bay giám sát hàng hải P-8A Poseidon, 72 tiêm kích tấn công đa năng F-35A Lightning II và 12 máy bay tác chiến điện tử E/A- 18G Growler.
“Dù cuộc xung đột lớn giữa Mỹ và Trung Quốc không xảy ra, một số điểm bất đồng trong khu vực, gồm sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể khiến căng thẳng gia tăng”, sách trắng quốc phòng Australia viết. Theo đó, Washington và Bắc Kinh không đồng nhất ở một số vấn đề như biển Hoa Đông, Biển Đông và không phận của các vùng biển đó; quy tắc chi phối hành vi quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực không gian mạng.
Cũng trong tài liệu quốc phòng mới được công bố, Australia khẳng định Mỹ sẽ duy trì sức mạnh quân sự ưu việt trên toàn cầu trong 20 năm tới và vẫn là đối tác chiến lược lớn nhất của Australia. Sách trắng kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về chính sách quốc phòng của nước này.
Andrew Davies, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho rằng, ngân sách quốc phòng lần này được tập trung cho việc nâng cao năng lực hàng hải.
“Thậm chí nếu sách trắng không nêu rõ mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi là hành vi của Trung Quốc, khi nhìn vào số lượng vũ khí chúng tôi sắp có, bạn sẽ biết chúng tôi đang phải đối phó với vấn đề gì”, ông Andrew Davies nói.
Căng thẳng ở Tây Thái Bình Dương gia tăng khi Bắc Kinh đang quân sự hóa các đảo nhân tạo trên tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới, bằng cách xây đường băng trái phép, điều máy bay chiến đấu và triển khai hệ thống tên lửa tới Biển Đông. Điều này khiến Australia “đau đầu” bởi nước này vừa duy trì các cuộc tập trận với Mỹ, vừa cần thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ.