Thursday, April 18, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhững xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc...

Những xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông (Kỳ 3)

Từ năm 1945, vì các nguồn của luật pháp có thể không nhất thiết phải là các văn bản thỏa thuận, nên vấn đề được xem xét là các nguyên tắc pháp lý nào sẽ được thừa nhận để giải quyết các tình huống ở những khu vực biển có khả năng chồng lấn lên nhau của hai hay nhiều nước và ở những nơi cần hoạch định. Các nguyên tắc này cần có đủ để áp dụng, bao gồm cả những phán quyết khác nhau của Tòa án để có thể dự đoán tòa án sẽ tiếp cận một vấn đề hoạch định mới như thế nào và trong phần lớn các trường hợp với độ tin cậy nhất định, có thể dự đoán một ranh giới gần đúng, mà tòa sẽ lựa chọn hoặc ít nhất có hai hay nhiều đường để tòa có thể lựa chọn trong số đó.

II – CÁC NGUYÊN TẮC CỦA LUẬT PHÁP QUỐC TẾ CÓ THỂ ÁP DỤNG

1.Hoạch định ranh giới biển

Hầu hết vấn đề pháp lý liên quan đến việc sở hữu các tài nguyên ở đáy biển và ở dưới lòng đất của đáy biển nằm ngoài lãnh hải truyền thống, đã thật sự nổi lên từ năm 1945. Mặc dù tất cả các nguồn tài liệu cho rằng, biện pháp thích hợp để giải quyết các tranh chấp trên beiẻn là thông qua đàm phán và bằng thỏa thuận giữa các bên liên quan, còn có hai nguồn luật chủ yếu đáp ứng cho những trường hợp không đạt được thỏa thuận thông qua đàm phán: (1) hiệp ước đa phương, Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (“Công ước luật biển”), và (2) các phán quyết của các tòa án quốc tế. Mặc dù, những tài liệu học thuật nổi tiếng về một số vụ việc đã cung cấp một vài lời giải thích, và đôi khi một khối lượng lớn các thực tiễn của các quốc gia cũng được dùng để tham khảo, thì trên phần lớn các vấn đề, nó cũng quá khác nhau để đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo.

Từ năm 1945, vì các nguồn của luật pháp có thể không nhất thiết phải là các văn bản thỏa thuận, nên vấn đề được xem xét là các nguyên tắc pháp lý nào sẽ được thừa nhận để giải quyết các tình huống ở những khu vực biển có khả năng chồng lấn lên nhau của hai hay nhiều nước và ở những nơi cần hoạch định. Các nguyên tắc này cần có đủ để áp dụng, bao gồm cả những phán quyết khác nhau của Tòa án để có thể dự đoán tòa án sẽ tiếp cận một vấn đề hoạch định mới như thế nào và trong phần lớn các trường hợp với độ tin cậy nhất định, có thể dự đoán một ranh giới gần đúng, mà tòa sẽ lựa chọn hoặc ít nhất có hai hay nhiều đường để tòa có thể lựa chọn trong số đó.

Nhìn chung, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế có thể được áp dụng liên quan tới đặc quyền tài phán đối với các tài nguyên ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển đều được pháp điển hóa trong Công ước Luật biển. các quy định này đã được dự thảo và đàm phán trong một thời gian dài mà gần như tất cả các nước trên thế giới (bao gồm cả Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines đều tham gia. Các quy định liên quan tới vấn đề của chúng ta đã được các nước nhất trí thông qua không có một dấu hiệu bất đồng to lớn nào. Các tòa án quốc tế sẵn sàng chấp nhận các quy định cơ bản của Công ước để giải thích, hay phối hợp với luật tập quán quốc tế.

Ngược lại, các quy định này cũng chịu ảnh hưởng và hoàn toàn phù hợp với hai phán quyết mà tòa án đã đưa ra trước khi Công ước được thông qua. Cùng với việc Công ước có hiệu lực trong năm vừa rồi và cùng với quyết định gần đây của một số cường quốc công nghiệp và biển để tham gia vào Công ước, hy vọng rằng các quy định này của Công ước sẽ dần dần được chấp nhận như một luật có hiệu lực pháp lý ràng buộc cả các quốc gia không phải là thành viên của nó. Các quy định của Công ước được xem là quan trọng nhất đối với các mục tiêu của tài liệu này là Điều 13; Bãi cạn lúc chìm lúc nổi; Điều 76; Định nghĩa thềm lục địa; Điều 77; Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa; Điều 83; Hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau; Điều 21; Chế độ các đảo; các Điều 122 và 123; Biển kín và nửa kín.

Trong khi Điều 83 của Công ước nêu ra các nguyên tắc hoạch định ranh giới biển giữa các thềm lục địa có khả năng chồng lấn lên nhau thì nó lại bị diễn đạt bằng các điều khoản rất mơ hồ và chung chung. Ở chừng mực nhất định, nội dung chủ yếu của các điều khoản đó còn được hỗ trợ bởi một khối lượng các tiền lệ pháp – cho đến nay đã có hơn một tá các phán quyết của tòa án và trọng tài – trong các vụ tranh chấp ranh giới biển. Trường hợp đầu tiên là vụ Thềm lục địa biển Bắc năm 1969 và gần đây nhất là vụ Jan Mayen năm 1993. Các phán quyết này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc nêu trong Điều 83 của Công ước, và cả hai phán quyết trước và sau khi Công ước được thông qua đều có thể được xem như những trường hợp áp dụng có căn cứ xác đáng các nguyên tắc được pháp điển hóa trong Điều 83.

Nếu một ai đó có đọc, nhưng phải có đọc một cách cẩn thận, Công ước và tiền lệ pháp một cách có chọn lọc, tổng hợp và có bổ sung cho nhau, thì các quy tắc tổng quát sau đây sẽ nổi lên và họ có thể dự đoán chắc chắn rằng, các tòa án sẽ áp dụng chúng khi giải quyết các vụ việc về ranh giới biển trong tương lai, ngay cả khi, nếu một hay cả hai bên của vụ tranh chấp không phải là thành viên của Công ước.

2. Sự kéo dài tự nhiên

Về học thuật, nhân tố cơ bản mang tính học thuyết này cho rằng, các quốc gia ven biển có đặc quyền đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của các khu vực biển nằm tiếp giáp với bờ biển của họ, vì rằng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển này là “sự kéo dài tự nhiên” của đất liền ra biển. Khối lục địa chìm dưới đáy biển, bao gồm cả sự kéo dài tự nhiên này, được mô tả đại thể như “thềm lục địa” hay “rìa lục địa”. Tuy nhiên, hiện có một vài nhầm lẫn trong việc sử dụng thuật ngữ này vì thuật ngữ “thềm lục địa” cũng được sử dụng trong nhiều nghĩa hạn hẹp để thể hiện một phần của một thềm rộng lớn hơn nằm ngay sát bờ biển, và rằng nó tương đối nông, và rằng nó dần dần tụt xuống cho tới dốc lục địa. Điều 76 của Công ước Luật biển đã nhẹ nhàng đóng góp vào sự nhầm lẫn nói trên khi sử dụng thuật ngữ này trong cả hai nghĩa hạn hẹp của nó.

Trong cái được coi là cảnh huống “đặc trưng”, và được gộp vào định nghĩa của “thềm lục địa” trong Điều 76 của Công ước Luật biển, một đường bờ biển nằm tiếp giáp với một khu vực được bao phủ bởi một khối nước nông và ngày càng sâu dần dần (“thềm lục địa” theo nghĩa hẹp), và ra ngoài vùng nước này là một khu vực có độ sâu tăng rất đột ngột (“dốc lục địa”). Phía ngoài là một khu vực mà độ sâu lại một lần nữa chỉ tăng một cách dần dần (“bờ lục địa”), và được đặc trưng bởi một lớp đá trầm tích tương đối dày, khác với đáy đại dương sâu thẳm ở phía ngoài bờ lục địa. Gộp chung lại, tất cả những khu vực này được gọi là “rìa lục địa”, và cũng được gọi là “thềm lục địa” theo nghĩa rộng. Trong khi tính lưỡng dụng của thuật ngữ “thềm” còn thỉnh thoảng cho phép sự nhầm lẫn, thì kết cấu nhận thức cơ bản này là hoàn toàn rõ ràng. Như đã được sử dụng trong Công ước, theo nghĩa rộng, “thềm” là một thuật ngữ pháp lý hơn là hình thái học: nó định rõ toàn bộ khu vực nằm ngoài lãnh hải ở đó một quốc gia được thừa nhận có các đặc quyền khai thác các tài nguyên ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển.

Tuy nhiên, tại nhiều nơi trên thế giới, thực tế diễn ra rất phức tạp hơn là các cảnh huống “đặc trưng”. Nhiều khu vực ngoài khơi có nhiều đặc tính không đồng nhất, chẳng hạn như máng sâu, rãnh sâu, đồi và núi ngầm, đá, đảo hay các chuỗi đảo, và các đặc điểm khác có thể gây ra tranh luận kéo dài về vị trí kết thúc “sự kéo dài tự nhiên” của một lãnh thổ lục địa cụ thể.

3. Tối thiểu 200 hải lý

Trong thời gian diễn ra Hội nghị Luật biển lần thứ III (Các cuộc đàm phán kéo dài đã đưa đến việc hoàn thiện và ký kết Công ước Luật biển năm 1982), nhiều quốc gia lo ngại học thuyết về “sự kéo dài tự nhiên” sẽ tạo tình thế bất lợi cho họ vì thềm lục địa của họ tương đối hẹp (theo nghĩa hẹp) hoặc vì những vấn đề vừa nói ở trên. Để giải quyết những vấn đề này, Công ước đã cụ thể hóa nguyên tắc “sự kéo dài tự nhiên” bằng cách quy định, trong Điều 76, rằng tất cả các quốc gia có các đặc quyền trên một “thềm lục địa” rộng tối thiểu 200 hải lý, bất luận độ sâu hay địa chất của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển như thế nào. Như vậy, trong vòng 200 hải lý, dựa trên cơ sở “sự kéo dài tự nhiên” quyền pháp lý đã trở thành nhu cầu mặc nhiên và không được vượt ra xa hơn. Trong vụ Libi/Manta, Tòa án quốc tế (TAQT) thừa nhận quy tắc này như một bộ phận của luật tập quán quốc tế. Hơn nữa, Tòa còn kết luận rằng, trong những trường hợp khi thềm lục địa của hai hay nhiều nước bị coi là chồng lấn lên nhau và đòi hỏi phải hoạch định, thì quy định 200 hải lý mới này có nghĩa rằng, trong phạm vi giới hạn đó, việc xem xét độ sâu và địa chất là không quan hệ tới việc hoạch định này, nó cần phải được giải quyết trên cơ sở những xem xét hoàn toàn khác.

4. Quyền vượt ra ngoài 200 hải lý

Công ước Luật biển không loại trừ học thuyết về “sự kéo dài tự nhiên”, cũng không thu hẹp các đặc quyền trên đáy biển và trong lòng đất đáy biển cho tới giới hạn 200 hải lý. Điều 76 cho phép các đặc quyền vượt ra ngoài cho tới tận 350 hải lý (hoặc 100 hải lý phía ngoài đường đẳng sâu 2.500m) nếu sự kéo dài tự nhiên của lục địa còn kéo ra xa hơn, và có các quy định cụ thể chi tiết về hai phương pháp có thể lựa chọn, để hoạch định ranh giới ngoài cùng mà các đặc quyền có thể được được kéo tới đó một cách hợp pháp. Các quy định này, không giống như chế độ trong phạm vi 200 hải lý, cần xem xét đến các đặc điểm về độ sâu và địa chất của khu vực. Cụ thể, cả hai phương pháp dùng để lựa chọn đều yêu cầu xác định chân dốc lục địa được định nghĩa là “điểm biến đổi độ dốc rõ nét nhất ở nền dốc”.

Tiền lệ pháp chưa giải quyết vấn đề một quốc gia có thể mở rộng đặc quyền của họ ra đến khoảng cách bao xa nằm ngoài 200 hải lý. Liệu vấn đề còn chưa giải quyết này có được các tòa án đề cập hay không, nếu và một khi nó xuất hiện, và liệu các quy định chính xác và chi tiết trong mục (4) đến mục (7) của Điều 76 có được hội nhập vào luật tập quán quốc tế hay không, để ràng buộc các quốc gia không phải thành viên của Công ước?

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới