Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ càng hung hăng Mỹ càng... “nhường nhịn”

TQ càng hung hăng Mỹ càng… “nhường nhịn”

Chuyến thăm Lầu Năm Góc của Ngoại trưởng Trung Quốc bị hủy và theo dự kiến ban đầu, ông Vương Nghị sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Và việc này diễn ra sau khi Bắc Kinh lên giọng với Washington trước khi Ngoại trưởng Vương Nghị có chuyến công du 3 ngày tới Mỹ (từ 23 đến 25/2). 

Ngày 24/2, tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng John Kerry, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố, không có bất kỳ vấn đề nào về tự do hàng hải ở Biển Đông, tình hình ở Biển Đông nhìn chung ổn định, và phi quân sự hóa trong khu vực cần nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Đồng thời ngang nhiên tuyên bố, các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại và Bắc Kinh có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình!? Nhưng ông John Kerry lập tức tái khẳng định, Mỹ có quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Cũng tại cuộc họp này, ông Vương Nghị đã nhắc khéo Ngoại trưởng Mỹ rằng, Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Washington, đồng thời tuyên bố: Trung Quốc không hy vọng nhìn thấy bất kỳ tàu do thám quân sự nào, hoặc các tàu khu trục mang tên lửa, hoặc máy bay ném bom chiến lược lại gần khu vực Biển Đông.

Viện Điều tra thăm dò ý kiến Gallup (Mỹ) vừa công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy, người dân Mỹ tiếp tục coi Trung Quốc là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Gallup cho biết, trong năm 2000, khi nền kinh tế Mỹ bùng nổ, gần 2/3 người dân Mỹ coi nước họ là cường quốc số 1 về kinh tế, Nhật Bản là nền kinh tế thứ hai và Trung Quốc ở vị trí thứ 3. Nhưng tới năm 2011, đa số người trưởng thành ở Mỹ cho rằng, Trung Quốc là nền kinh tế số 1 thế giới.

Ngày 23/2, kênh truyền hình Channel NewsAsia phát sóng bài trả lời phỏng vấn độc quyền với Tổng thống Barack Obama và ông chủ Nhà Trắng khẳng định, hiện có những khu vực căng thẳng thực sự giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời đề cập đến tranh chấp ở Biển Đông với đánh giá: Bắc Kinh đang dùng đến cách làm cũ để khẳng định vị thế của mình, bất chấp luật pháp và quy định quốc tế trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Và khẳng định, cách hành xử của Trung Quốc đã dẫn đến “nguy cơ xung đột đáng kể” giữa các bên tranh chấp.

Ông Barack Obama cũng cho biết, Mỹ không muốn đưa ra giả thuyết về việc gây chiến với Trung Quốc trên Biển Đông, song nhấn mạnh Bắc Kinh nên dừng hành động đơn phương. Tổng thống Mỹ còn nhắc lại cam kết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình – không quân sự hóa quần đảo Trường Sa sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Mỹ hồi năm ngoái. Tổng thống Barack Obama cũng bày tỏ tin tưởng, Washington sẽ tiếp tục quan tâm tới châu Á bất chấp người kế nhiệm là ai.

Trước đó (20/2), báo chí Singapore cũng dẫn lời Tổng thống Barack Obama cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng thủ đoạn “cường quyền là công lý”, chứ không phải thông qua luật pháp quốc tế và các nguyên tắc quốc tế để xác lập quyền sở hữu và giải quyết tranh chấp. Đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẽ xem xét cam kết không quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, và giữa các nước đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông “vẫn tồn tại khả năng xung đột rất lớn”.

Ngày 24/2, tờ The Washington Post cho rằng, quan hệ Trung – Mỹ đã được thể hiện khá đầy đủ sau tuyên bố hôm 23/2 của Đô đốc Hải quân Harry Harris – Bắc Kinh đang quân sự hóa rõ rệt tại Biển Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định, Washington chỉ có một chính sách đối ngoại trong khu vực, đó là tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán. Và công việc của Lầu Năm Góc là sẽ hành động nếu ngoại giao thất bại – họ phải được chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào, ông John Kerry tuyên bố.

Trước đó (22/2), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) vẫn lớn tiếng nói không biết về việc Trung Quốc lắp đặt hệ thống radar cao tần trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời cho rằng, Mỹ đang gieo rắc những lo sợ vô căn cứ về tự do hàng hải để tiến hành các cuộc tuần tra và đó chính là sự bá quyền hàng hải! Nhưng theo các bức ảnh chụp vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và toàn cầu (CSIS), Trung Quốc có thể đang triển khai trái phép một loạt hệ thống radar trên bãi đá Châu Viên, đá Gaven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra, bà Hoa Xuân Oánh (Doanh) còn so sánh việc Trung Quốc triển khai HQ-9 tới đảo Phú Lâm không khác gì việc Mỹ triển khai quân sự ở Hawaii. Đồng thời cảnh báo, Mỹ không nên tham gia vào tranh chấp Biển Đông, và điều này không phải và không nên trở thành vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã bác bỏ tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh (Doanh) bởi không nước nào có yêu sách chủ quyền đối với Hawaii ngoài Mỹ, trong khi đó nhiều quốc gia tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông. Đồng thời nhấn mạnh, Washington hy vọng căng thẳng ở Biển Đông sẽ giảm bớt nếu các bên tranh chấp đưa ra những cam kết giống như cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN ở California vừa qua.

Ngày 19/2, tờ Sydney Morning Herald đã dẫn lời ông Peter Jennings, Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia đã bày tỏ mối lo ngại về kịch bản tương tự thảm họa MH17 do tên lửa Trung Quốc đặt trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Do đó, các hãng hàng không chở khách cần đánh giá mối đe dọa của tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông và cân nhắc đổi hướng bay quanh các đảo. Ông Peter Jennings còn cho rằng, việc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm xuất phát từ việc Bắc Kinh muốn tăng cường kiểm soát tại khu vực này, bất chấp sự phản ứng của dư luận.

Cũng trong ngày 19/2, tờ Defense News bình luận, Trung Quốc nếu tiếp tục mở rộng mức độ triển khai vũ khí tiên tiến ở Biển Đông, sẽ tạo ra mối đe dọa to lớn đối với Mỹ. Bởi trong dự thảo ngân sách năm tài khóa 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhấn mạnh, Bắc Kinh là một trong những “đối thủ quan trọng nhất”, và Washington đang tập trung các nguồn lực để đối phó với sức mạnh quân sự không ngừng phát triển của Trung Quốc. Trong năm tài khóa 2017, quân đội Mỹ yêu cầu chi khoảng 3 tỉ USD nghiên cứu công nghệ chống can dự/chống tiếp cận…

RELATED ARTICLES

Tin mới