Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông tuần thứ 7

Bản tin Biển Đông tuần thứ 7

Thế giới tuần vừa qua lại chứng kiến tình hình Biển Đông sôi sục bắt nguồn từ những hành động của Trung Quốc. Liên tiếp trong những ngày gần đây, các hãng thông tấn tiếp tục có các bài viết liên quan đến việc Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó. Khi những trang báo kia còn chưa ráo mực thì Trung Quốc lại tiến hành các hoạt động mới gây căng thẳng trên Biển Đông, khiến cho cộng đồng quốc tế phải lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình ở khu vực.

Ngày 21/2, trên Reuters có bài viết “Xây dựng quân sự ở Hoàng Sa cho thấy tham vọng Biển Đông ngày càng tăng của Trung Quốc”, sau đó được đăng lại vào ngày hôm sau trên các báo và trang thông tin như Euronews, The Star (Myanmar), The Nation (Thái Lan), NISCS (National Institute for South China Sea Studies của Trung Quốc), Cambodia Daily (Campuchia)… Nội dung bài viết cho rằng các cơ sở đang mở rộng của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa là dấu hiệu của kế hoạch dài hạn nhằm tăng cường quân sự trên Biển Đông. Theo dự đoán của các chuyên gia, động thái này của Trung Quốc có thể sẽ được nhân rộng trên các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa, khoảng 500 km về phía Nam. Wu Shicun, người đứng đầu Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốctuy không phủ nhận khả năng này, nhưng cũng không quên biện hộ mục tiêu của hoạt động này là “để quản lý nguồn nước và rác thải”.

Kế hoạch trên nếu được triển khai sẽ đảm bảo sự hiện diện quân sự thường trực đầu tiên của Trung Quốc nằm sâu trong trái tim hàng hải của khu vực Đông Nam Á, từ đó, Bắc Kinh sẽ dễ dàng thiết lập và kiểm soát một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông tương tự như vùng đã thiết lập ở biển Hoa Đông cuối năm 2013.

Bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9, báo Bangkok Post ngày 22/2 đăng bài viết “ASEAN phải giải quyết Trung Quốc”, trong đó nhận định Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện ở Biển Đông theo những cách khiêu khích không cần thiết.

Tiếp theo việc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc lại điều gần 10 chiếc máy bay chiến đấu ra hòn đảo này và đặt hệ thống ra-đa tại một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa. Thông tin này được Trang AMTI thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Mỹ tiết lộ và được Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận ngày 22/2. Theo đó, 4 bức ảnh vệ tinh cho thấy dường như cả 4 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép trong quần đảo Trường Sađều được trang bị hệ thống ra-đa. Một bức ảnh chụp bãi đá Châu Viên đề ngày 24/1 cho thấy trong một khu đất hình chữ nhật có hai cơ sở được cho là đài ra-đa và nhiều cọc cao 20 m. Theo một quan chức của Lầu Năm Góc, sự phát giác mới nhất này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục có những hành động đơn phương gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Thông tin về việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông ngay lập tức được lan truyền trên khắp các trang báo, hãng thông tấn trên thế giới (Washington Post, Reuters, Huffington Post, The Economic Times, The Straits Times, Kyodo,…), tạo ra làn sóng đầy bức xúc, quan ngại của cộng đồng quốc tế. Bài viết “Quân sự hóa tại Biển Đông” của phóng viên Frederic Lelievre thường trú tại Hồng Kông đăng trên báo Le Temps ngày 25/2 đã điểm qua các phát biểu của các quan chức và học giả của Mỹ, Việt Nam, Pháp, Singapore, tất cả đều bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông.

Trước hành động này của Trung Quốc, ngày 25/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã bày tỏ thái độ mạnh mẽ hơn trước đây khi chỉ đích danh Trung Quốc đang phớt lờ sự phản đối và quan ngại của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông.

Các quan chức Mỹ cũng có những phản ứng gay gắt đối với sự việc này. Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái BìnhDương Đô đốc Harry Harris, trong các bài phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ và trước thềm cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Washington ngày 23/2 đều khẳng định Trung Quốc đang quân sự hóa, leo thang tình hình, thay đổi toàn cảnh hoạt động ở Biển Đông bằng việc triển khai các tên lửa và ra-đa nhằm “tìm cách trở thành bá chủ ở Đông Nam Á”. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố hành xử của Trung Quốc không khác gì “một kẻ bắt nạt” ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Tiếp theo đó, ngày 26/2, tại hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Obama, ông Dan Kritenbrink đã kêu gọi Trung Quốc cần mở rộng phạm vi cam kết phi quân sự hóa đối với toàn bộ Biển Đông, đồng thời tôn trọng phán quyết dự kiến được Tòa Trọng tài đưa ra trong năm nay. Tuy nhiên, có vẻ như Washington cũng không kỳ vọng lắm vào việc Trung Quốc sẽ đáp ứng lời kêu gọi này, bởi cho đến nay, Bắc Kinh không hề có động thái gì thể hiện việc sẽ thực hiện cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra từ tháng 9/2015. Thay vào đó, giới chức Mỹ đã sớm nhận thấy các ý định quân sự của Bắc Kinh trong việc xây dựng các đường băng và bố trí hệ thống ra-đa tại khu vực này.

Các quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ trích kịch liệt các hành động vừa qua của Trung Quốc. Cùng với đó, phía Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động “tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi hải quân các quốc gia khác cùng tham gia. Lời kêu gọi này đã được Philippines ủng hộ. Theo thông tin Lầu Năm Góc cung cấp cho trang mạng Scout, Mỹ có thể sẽ tìm cách triển khai thêm các vũ khí phòng vệ và tấn công ở khu vực. Dù khả năng này vẫn đang được cân nhắc, tuy khó có thể dẫn đến xung đột quân sự nhưng tình hình Biển Đông sẽ càng ngày càng nóng lên cả trên thực địa lẫn trên chính trường cũng như truyền thông là điều chắc chắn.

Trong khi đó, giới lãnh đạo quân sự Australia đánh giá những động thái trên biển gần đây của Trung Quốc là “bước đi khiêu khích có chủ ý”. Đảng Lao động đối lập của Australia cũng hối thúc chính phủ cho phép tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông. Ngày 19/2, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc kiềm chế quân sự hóa các đảo để tránh xung đột. Cùng với đó, ngày 23/2, Chính phủ Australia cũng đã cho lưu hành tài liệu dài 7 trang thể hiện quan điểm chính thức về Biển Đông, trong đó khẳng định quốc gia này không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng những việc Trung Quốc làm như cải tạo đất, xây dựng các căn cứ, triển khai các bệ phóng tên lửa đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực đều rất đáng lo ngại. Những nội dung này cũng được khẳng định lại trong “Sách trắng Quốc phòng 2016” của Australia công bố ngày 25/2.

Tại Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN ngày 27/2, các Ngoại trưởng của 10 nước Đông Nam Á đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến gần đây trên Biển Đông. Thông cáo báo chí của Chủ tịch Hội nghị nêu rõ “Về vấn đề Biển Đông, các Ngoại trưởng tiếp tục quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây và hiện nay và ghi nhận những quan ngại của các Ngoại trưởng đối với việc cải tạo đảo và leo thang ở khu vực đã làm xói mòn sự tin cậy, gia tăng căng thẳng”, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Kết thúc Hội nghị, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong cho biết ASEAN sẽ tổ chức một cuộc họp với Trung Quốc để trao đổi về vấn đề này, thời gian và địa điểm cuộc họp sẽ được xác định trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bất chấp những làn sóng phản đối, chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới, Trung Quốc vẫn tìm cách che giấu hoặc lấp liếm cho những hành động của mình. Khi trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thản nhiên trả lời rằng “vẫn chưa nắm rõ tình hình cụ thể”, cũng không quên lặp lại điệp khúc “đảo, đá mà phóng viên đưa ra câu hỏi thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc”. Hành động của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông đã rõ như ban ngày, sự lo lắng và bất an của các nước trong khu vực về một “Trung Quốc bá chủ Biển Đông” đã hiện hữu, nhưng bà Hoa Xuân Oánh vẫn lớn tiếng yêu cầu “cộng đồng quốc tế không có những hoài nghi trước nguyện vọng và thành ý phát triển hòa bình, chung sống hữu nghị với các nước láng giềng và cùng cộng đồng quốc tế cùng bảo vệ hòa bình ổn định tại Biển Đông của Trung Quốc”.

Theo đánh giá của Malcolm Davis, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính sách Chiến lược Australia, Trung Quốc vẫn đang cố gắng thể hiện bản thân là một nạn nhân trong các tranh chấp lãnh thổ. Trả lời về cảnh báo Trung Quốc muốn thông qua việc xây dựng “Sa đảo trường thành” để mở rộng yêu sách chủ quyền, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chụp ngược lại cái mũ bá quyền quân sự trên biển cho Mỹ khi cho rằng yêu cầu tự do hàng hải của Mỹ tại Biển Đông là hành động “giễu võ dương oai”. Đồng thời, bà Hoa Xuân Oánh đã nhầm lẫn khi so sánh việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông với việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ ở Hawaii. Sự so sánh này đã nhanh chóng bị Mỹ bác bỏ, bởi theo như phát biểu của Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnesttại cuộc họp báo ngày 22/2 “không có nước nào khác có yêu sách chủ quyền đối với Hawaii, nhưng khi nói tới các thực thể đất đai ở Biển Đông, nhiều quốc gia đã đưa ra những yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau”. Đây là khẳng định mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của phía Mỹ về tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho thấy Mỹ đã ngồi yên để  Trung Quốc tự tung, tự tác ở Biển Đông.

Cùng chung một luận điệu, trước câu hỏi tương tự của phóng viên về những hình ảnh các trạm ra-đa Trung Quốc lắp đặt trên các đảo, đá ở Trường Sa, Cục Báo chí Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 23/2 trả lời, “việc xây dựng của Trung Quốc trên các đảo, đá ở Biển Đông chủ yếu xuất phát từ mục đích dân sự, trong đó bao gồm các thiết bị dẫn đường, khí tượng…, để cung cấp sản phẩm cộng cộng tốt hơn cho cộng đồng quốc tế”, và biện minh cho hành động của Trung Quốc là “thực hiện quyền giữ gìn và quyền tự vệ mà luật pháp quốc tế trao cho quốc gia có chủ quyền, hoàn toàn chính đáng, hợp pháp”. Hiện chưa rõ kế hoạch phục vụ cộng đồng quốc tế của Trung Quốc hình hài ra sao, nhưng tình hình khu vực đang nóng lên từng ngày theo từng hoạt động trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông, từ việc bồi đắp, cải tạo quy mô lớn các đảo, đá ở Trường Sa, triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho đến lắp đặt các trạm ra-đa cao tần vừa mới đây.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới