Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCấm Bộ trưởng Quốc phòng Đức, chặn tàu NATO: Thổ đang quẫn?

Cấm Bộ trưởng Quốc phòng Đức, chặn tàu NATO: Thổ đang quẫn?

Truyền thông đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ vừa có những hành động rất khó hiểu khi cấm máy bay Bộ trưởng Quốc phòng Đức và chặn đường tàu chiến NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ cấm chiến hạm NATO và máy bay Bộ trưởng Đức

Theo tin mới nhất của truyền thông thế giới, cùng với việc cấm máy bay của Bộ trưởng Quốc phòng Đức hạ cánh xuống đảo Lesbos của Hy Lạp để thị sát tình hình người tị nạn từ Địa Trung Hải sang châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm không cho tàu chiến NATO vào lãnh hải của mình.

Ankara đã từ chối không cho nhóm hải quân thứ hai của NATO vào vùng lãnh hải của nước này, để tới biển Aegean giám sát luồng di dân giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và hỗ trợ tàu thuyền của người di cư gặp nạn trên biển – đó là thông báo của hãng truyền hình phát thanh RTBF.

Theo dữ liệu của hãng này, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ giải thích lập trường của họ rằng viên chỉ huy của hải đoàn NATO với thành phần gồm bốn con tàu Đức là Chuẩn Đô đốc Joerg Klein cần phải tới Ankara để “xác định khu vực nơi nhóm tàu sẽ hiện diện”.

RTBF cũng cho biết thêm rằng, Berlin và Ankara hiện đang đàm phán về vấn đề NATO quyết định phái nhóm hải quân thứ hai đến vùng biển này được thông qua hôm 11 tháng 2 trong cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng 28 nước thành viên NATO ở Brussels.

Ngoài ra, kênh truyền hình này còn bình luận rằng, chính quyền của Tổng thống Erdogan không hề thể hiện chút nhiệt tình nào trong việc tiếp nhận người tị nạn trên lãnh thổ nước này, dù đó là những di dân sẽ được tàu NATO cứu vớt trong vùng biển Aegean.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 2-3, Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận thông tin về việc từ chối cho tàu NATO vào lãnh hải. Chính quyền Ankara gọi thông tin về việc họ từ chối không cho các tàu của NATO vào lãnh hải đất nước là điều bịa đặt – tờ Hurriyet Daily News đưa tin.

“Chúng tôi không cho là cần thiết phải bình luận những thông báo từ một nguồn không rõ và rõ ràng là bịa đặt” – các đại diện của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ muốn được giữ kín danh tính nhận xét. Theo họ, mục đích của những thông cáo tương tự là một trò khiêu khích.

Tuy nhiên, lời biện bạch này của Ankara không làm ai tin tưởng bởi cũng trong ngày 2-3, truyền thông lại tiếp tục đưa tin về việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm trực thăng của Bộ trưởng Quốc phòng Đức hạ cánh xuống cảng Mytilene trên đảo Lesbos của Hy Lạp.

Theo tin đưa ngày 2-3 trên kênh truyền hình Skai của Hy Lạp, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có hành động khiêu khích khi họ không cho máy bay trực thăng của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen hạ cánh xuống đảo Lesbos của nước này để thị sát tình hình người tị nạn.

Chuyến bay của Bộ trưởng Đức được dự kiến ​​vào ngày 6 tháng 3. Theo chương trình, sau khi thăm Mytilene, Bộ trưởng sẽ dùng máy bay trực thăng của NATO để bay ra chiến hạm Đức “Bonn”, hiện đang tham gia sứ mệnh của NATO trên biển Aegean về giảm bớt dòng người tị nạn.

Cam Bo truong Quoc phong Duc, chan tau NATO: Tho dang quan?

Thổ Nhĩ Kỳ không cho trực thăng của Bộ trưởng Quốc phòng Đức hạ cánh xuống đảo Lesbos của Hy Lạp

Theo phản ánh của Kênh truyền hình Hy Lạp, chính quyền của ông Erdogan tuyên bố, hòn đảo Lesbos của Hy Lạp là khu phi quân sự giữa 2 nước và Thổ Nhĩ Kỳ thấy không thể để máy bay quân sự hạ cánh xuống đó.

Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra phản ứng tiêu cực với yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, trong bối cảnh bà Ursula von der Leyen muốn tới thăm vùng bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ và đích thân đánh giá tình hình dân tị nạn cũng như hoạt động buôn người.

Các phương tiện truyền thông Hy Lạp cũng cáo buộc Ankara đang “nã pháo” vào thỏa thuận về triển khai các lực lượng NATO ở biển Aegean. “Proto tema” thông báo rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép triển khai lực lượng NATO trong vùng lãnh hải của nước này, bất chấp những thỏa thuận đã đạt được.

Hãng thông tấn này dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên tại Brussels bình luận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ “không thể hiện dù một chút nhiệt tâm” để tiếp nhận số người tị nạn được các tàu của NATO cứu vớt trên biển.

Thổ Nhĩ Kỳ thất bại ở Syria nên giở trò ép buộc NATO?

Các nhà bình luận cho rằng, những thông tin của truyền thông là sự thực và không khó để nhận thấy rằng, chính quyền Erdogan đang gây sức ép với châu Âu và NATO về vấn đề người tị nạn để buộc các khối này phải tái trợ giúp mình, sau khi chiến lược của Ankara ở Syria sụp đổ.

Đầu tháng 2, quân đội Syria được Nga hậu thuẫn đã cắt đứt tuyến đường tiếp vận từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Aleppo, một thành công chiến lược quan trọng, sau khi họ cũng đã phong tỏa hoàn toàn biên giới giáp với nước này ở tỉnh tây bắc Syria là Latakia.

Kể khi Nga can thiệp quân sự vào Syria hồi tháng 9 năm ngoái, mưu đồ hậu thuẫn các phe nhóm đối lập Syria của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu, nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã không thành.

Điều mà Erdogan muốn lúc này không còn là lật đổ Assad bằng mọi giá nữa mà là không để Ankara mất hoàn toàn ảnh hưởng ở Syria và giữ được tiếng nói nhất định trong tương lai của Syria, để kiểm soát vấn đề người Kurd.

Điều này buộc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu phải lên kế hoạch cho một sự can thiệp quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, nhằm ít nhất là đặt Nga-Syria trước “sự đã rồi”, để tìm quân bài mặc cả với các bên về vấn đề người Kurd.

Tuy nhiên, ông Erdogan và Davutoglu đã không thể tranh thủ được sự ủng hộ của cả Hoa Kỳ và các nước thành viên NATO khác, cũng như trong chính các tướng lĩnh cấp cao của quân đội nước này.

 

Thủ tướng Ahmet Davutoglu và Tướng Hulusi Akar, Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Ankara biết rằng, đơn phương đưa quân đội vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vấp phải động thái đáp trả quân sự từ Nga, và không loại trừ khả năng chiến tranh sẽ bùng phát giữa hai nước nên phải tìm mọi cách gây sức ép buộc Mỹ-NATO phải dính líu vào để làm đối trọng với Nga.

Do dó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây khó khăn trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn để mặc cả với NATO, mà thành viên đầu tàu là Đức. Tuy nhiên, điều này là rất khó bởi không một thành viên nào muốn tham gia vào một hoạt động quân sự hết sức phiêu lưu và cầm chắc thiệt hại vô cùng nặng nề như vậy.

Trong khi đó, Mỹ lại đang coi người Kurd là lực lượng sáng giá nhất để tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo để đạt mục đích tranh giành ảnh hưởng với Nga, đồng thời Washington cũng coi ngườ Kurd Syria và các khu tự trị của họ là quân cờ quyết định để kiềm chế chính quyền Assad sau này.

Do đó, dù chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có thực hiện biện pháp gây sức ép nào thì chắc chắn là mục đích lôi kéo NATO vào cuộc đối đầu với Nga của Ankara sẽ không thể đạt được. Mọi việc sẽ phụ thuộc vào mức độ điên rồ của Tổng thống và Thủ tướng nước này là ông Erdogan và Davutoglu.

Bình luận viên Burak Bekdil của tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet Daily viết trong bài báo cho trung tâm phân tích Gatestone Institute (Mỹ) rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang trượt dài trên con đường rất nguy hiểm và vô cùng khó để chấm dứt sự sụp đổ của nước này.

Sự bất ổn ngự trị trong chính sách đối nội của nước này. Chỉ trong 7 tháng, hơn 170 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố ở những thành phố khác nhau trong nước và con số này chỉ là rất nhỏ so với số người thiệt mạng trong đối đầu giữa lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.

 

Không ai muốn bị Thổ Nhĩ Kỳ lôi kéo vào cuộc đối đầu với Nga

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ càng khiến bên ngoài biên giới nước này hỗn loạn. Erdogan tiến hành cuộc chiến tranh gián tiếp ngày càng nguy hiểm với người Shiite và chính phủ Damascus, Baghdad, Tehran, cũng như với Nga, quốc gia đang hỗ trợ họ.

Ngoài ra, Ankara cũng đang tự tay giết mình khi gây sự thù địch với các quốc gia xung quanh như Lebanon, Libya, Israel và Ai Cập. Tóm lại là chính sách đối ngoại của Erdogan đã khiến xung quanh Thổ Nhĩ Kỳ hiện giờ toàn kẻ thù, không có lấy một đồng minh thân tín nào.

Một vài năm trước, báo chí nước ngoài đã giật tít “Quyền lực Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên”, còn các quan chức chính phủ, các chuyên gia Mỹ và EU thì mô tả chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là “hiện đại, dân chủ, giàu tư tưởng cải cách, người Hồi giáo ủng hộ châu Âu…”.

Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào vực thẳm và có thể sụp đổ khi các đồng minh của nước này đã chứng minh sự lạnh lùng cực độ của họ về vấn đề hỗ trợ Ankara trong trường hợp diễn ra xung đột với quốc gia nguy hiểm tiềm tàng như Iran hoặc đối thủ lớn nhất của Mỹ và NATO là Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới