Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCảng Quốc tế Cam Ranh: Tính toán chiến lược của Việt Nam

Cảng Quốc tế Cam Ranh: Tính toán chiến lược của Việt Nam

Việc khai trương Cảng Quốc tế Cam Ranh là bước đi phù hợp xu thế của thời đại và nằm trong tính toán chiến lược của Việt Nam.

Đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ

Ngày 8/3, tại căn cứ quân sự Cam Ranh, Cảng Quốc tế Cam Ranh đã được khai trương. Từ đây, cảng Cam Ranh có nhiệm vụ đón tiếp các tàu quân sự, tàu khách quốc tế; cung cấp dịch vụ hàng hải tại căn cứ quân sự Cam Ranh; tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, sẵn sàng chiến đấu, góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.

Đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện này, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho biết, đây là chủ trương chung của Chính phủ đã có từ lâu, đó là mở cửa một phần cảng Cam Ranh, đưa vào khai thác nhằm nâng cao hiệu quả của cảng này bởi đây là cảng có vị thế rất thuận lợi, kể cả về  mặt an ninh, chiến lược quốc phòng cũng như kinh tế, thương mại. Do vậy, việc khai thác Cảng Quốc tế Cam Ranh sẽ phục vụ phát triển kinh tế, thương mại, xã hội trước mắt của khu vực xung quanh địa phương.

Riêng đối với tình hình phức tạp hiện nay trên Biển Đông, ông Thái nhấn mạnh, nó có 2 ý nghĩa khác. Đó là, góp phần nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ hậu cần không chỉ cho Việt Nam mà cho cả khu vực. Việc Việt Nam mở cửa ra cộng đồng quốc tế, tàu bè vào sẽ góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, gia tăng tầm quan trọng của các tuyến hàng hải xuất phát từ Cam Ranh hoặc đến Cam Ranh, tạo ra sự thông thương nhộn nhịp hơn, qua đó góp phần quan trọng vào việc duy trì, bảo vệ tự do an toàn, an ninh của hàng hải ở khu vực.

Thông qua Cảng Quốc tế Cam Ranh, Việt Nam tiếp cận dần với các chuẩn quốc tế, đặc biệt về các dịch vụ hậu cần về cảng biển, về phục vụ hoạt động trên biển, từ đó Việt Nam có nhiều cơ hội và không gian hơn để thúc đẩy hợp tác quốc tế.

“Trong logistics, trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh quốc phòng, hậu cần rất quan trọng, trong đó hậu cần cảng biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Việc phát triển cảng Cam Ranh là một bước đi vừa phục vụ phát triển kinh tế xã hội có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương, vừa là bước đi có tính toán chiến lược của Đảng và Nhà nước”, TS Trần Việt Thái nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nhiều lần vào làm việc ở căn cứ Cam Ranh, riêng năm 2015 cá nhân ông đã 3 lần vào thăm căn cứ này và thấy đây là căn cứ tuyệt vời, có ý nghĩa quan trọng, rất nhiều nước mong muốn cũng không có được. Bởi thế, vấn đề đặt ra là Việt Nam phải khai thác và sử dụng thế nào cho thực sự hiệu quả?

Khi Việt Nam chính thức khai trương Cảng Quốc tế Cam Ranh với hàng loạt chức năng, trong đó có có chức năng kho ngoại quan, hậu cần cho tàu thuyền quân sự của các quốc gia, ông Sơn cho rằng điều này có rất nhiều ý nghĩa, không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế.

“Tôi đánh giá cao ý nghĩa về mặt quân sự, quốc phòng an ninh của Cảng Quốc tế Cam Ranh, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại khi tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp. Nó khẳng định Việt Nam sử dụng vùng biển của mình vì lợi ích chung của nhiều quốc gia trên thế giới, không giống như “người bạn lớn”đang có những hành vi ngăn cản, làm khó, nói một đằng làm một nẻo, bị thế giới lên án bởi việc làm cải tạo đảo, xây căn cứ quân sự ở Trường Sa với cái cớ là để có sự thông thương, thuận lợi cho an toàn hàng hải quốc tế. Trên thực tế, mới đây Philippines đã tố cáo Trung Quốc đưa tàu ra ngăn cản hoạt động đi lại bình thường của tàu thuyền Philippines.

Do đó, về mặt quân sự, ở khía cạnh nào đó, theo tôi, việc mở Cảng Quốc tế Cam Ranh có ý nghĩa răn đe Trung Quốc rằng Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng sự hỗ trợ, giúp đỡ của các lực lượng khác, quốc gia khác trên thế giới để cảnh báo những tham vọng, ý đồ của quốc gia này ở Biển Đông”, ông Sơn bày tỏ.

Tính toán chiến lược

Bàn về việc vận hành Cảng Quốc tế Cam Ranh, ông Nguyễn Anh Sơn cho biết, việc này về mặt chiến lược cũng như về các kỹ thuật cụ thể, các cơ quan chức năng, Bộ Quốc phòng… đều đã có tính toán với phương án nhất.

“Tôi luôn ủng hộ những chủ trương mà Việt Nam đã và đang triển khai nhưng tôi nghĩ điều rất quan trọng là khi sử dụng cảng phải cân nhắc để đảm bảo hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng đất nước. Đó là đòi hỏi đầu tiên rất quan trọng. Việt Nam cũng đảm bảo rằng luôn tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế, tôn trọng cam kết giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là với khu vực ASEAN khi sử dụng cảng biển, cảng hàng không…

Cảng Quốc tế Cam Ranh hiện đang được sự quan tâm của rất nhiều nước trên thế giới. Quan điểm trước sau như một của Việt Nam là Cam Ranh không phải là một căn cứ quân sự nước ngoài, hay là cho nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật, Việt Nam không bao giờ lấy đất nước mình làm nơi xuất phát gây ảnh hưởng, đe dọa an ninh khu vực cũng như quốc gia lân cận. Đồng thời Việt Nam cũng căn cứ vào quy định của pháp luật quốc tế, những hiệp định Việt Nam đã ký kết để khai thác được hiệu quả giá trị tự nhiên vốn có của Cam Ranh mà không phải quốc gia nào cũng có được”.

Còn TS Trần Việt Thái chỉ rõ, việc vận hành Cảng Quốc tế Cam Ranh đã được Chính phủ nói công khai, đó là hoan nghênh mở cửa cho tất cả các đối tác, kể cả Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Nga, châu Âu… đến đây bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, sử dụng các dịch vụ, cơ sở hậu cần trả tiền sòng phẳng trên cơ sở thương mại. Hòa bình, ổn định, phát triển là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới