Tuesday, December 17, 2024
Trang chủBiển nóngSách Trắng Quốc phòng Australia 2016 mô tả hành xử của Trung...

Sách Trắng Quốc phòng Australia 2016 mô tả hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với an ninh của Australia

Ngày 25/02/2016, Bộ Quốc phòng Australia công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2016 (Sách Trắng 2016). Đây được cho là Sách Trắng Quốc phòng chi tiết và toàn diện nhất trong lịch sử của Australia vì nó vạch ra chiến lược quốc phòng cho 20 năm tới để đối phó những thách thức trên thế giới và khu vực, bao gồm thách thức nổi lên từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và tranh chấp ở Biển Đông.

Sách Trắng 2016 cho biết trong ba năm từ khi Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 được công bố, môi trường an ninh của Australia đã thay đổi nhanh chóng, trong đó quan hệ Mỹ-Trung nổi lên là cặp quan hệ quan trọng định hình bối cảnh chiến lược trong tương lai. Mỹ vẫn là cường quốc quân sự toàn cầu vượt trội trong hai thập kỷ tới và tiếp tục là đồng minh và đối tác quan trọng nhất của Australia. Sự hiện diện tích cực của Mỹ ở khu vực sẽ tiếp tục củng cố sự ổn định của khu vực. Sức mạnh chiến lược và kinh tế của Mỹ là nhân tố quan trọng đối với sự ổn định của trật tự toàn cầu theo luật lệ, mang đến an ninh và thịnh vượng cho nước Australia.

Trong khi đó, Trung Quốc tuy chưa thể sánh ngang với Mỹ trên toàn cầu nhưng sức mạnh quốc gia của nước này đang tăng lên, nhất là về hiện đại hóa quân sự. Đến năm 2035, những chính sách và hành động của Trung Quốc sẽ tác động lớn đến sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trung Quốc hiện nay có lực lượng hải quân lớn nhất ở Châu Á. Đến năm 2020, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc sẽ tăng lên hơn 70 chiếc. Trung Quốc cũng sở hữu lực lượng không quân lớn nhất châu Á và đang đầu tư phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc bao gồm những lực lượng đặc biệt có kỹ năng thành thục, thiết lập các mạng lưới chỉ huy kiểm soát, đầu tư vào công nghệ mới, bao gồm vũ trụ và không gian mạng.

Cùng với đó,tranh chấp lãnh thổ ở khu vực, nhất là Biển Đông nổi lên, gây ra bất ổn và căng thẳng ở khu vực. Vai trò của Biển Đông đối với an ninh của Australia càng tăng khi 2/3 xuất khẩu của nước này qua Biển Đông, bao gồm các mặt hàng chính là than, quặng sắt và khí hóa lỏng (LNG). Australia nhận định xung đột nóng toàn khu vực có thể không xảy ra trong 20 năm tới, nhưng tranh chấp yêu sách lãnh thổ và nguồn tài nguyên ở khu vực sẽ tiếp tục diễn ra và đây là nguyên nhân gây ra căng thẳng, phương hại đến sự ổn định khu vực.

Trước môi trường an ninh đầy biến động như thế, Sách Trắng 2016 vạch ra ba lợi ích chiến lược. Một là, đảm bảo một nước Australia an ninh và có khả năng đàn hồi, được bảo vệ trước cuộc tấn công, đe dọa tấn công hoặc cưỡng ép và giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Hai là, đảm bảo an ninh khu vực xung quanh, bao gồm vùng biển Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương trước các mối đe dọa từ sức mạnh quân sự của nước ngoài hoặc tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố. Australia dựa vào thương mại đường biển và nguồn cung năng lượng qua Đông Nam Á nên tự do hàng hải và an ninh thương mại đường biển qua khu vực này cần được bảo vệ. Ba là, đảm bảo sự ổn định và trật tự toàn cầu theo luật lệ, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Để bảo vệ các lợi ích chiến lược này, Sách Trắng 2016 đề ra ba mục tiêu chiến lược. Một là, ngăn chặn, đẩy lùi và đánh bại các cuộc tấn công hoặc các mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia của Australia đến từ phía bắc. Hai là, đóng góp cho việc duy trì an ninh biển ở khu vực cũng như các nước, các quốc đảo Thái Bình Dương. Ba là, đóng góp năng lực quân sự cho các hoạt động liên minh để đảm bảo lợi ích của Australia trong trật tự toàn cầu theo luật lệ. Bên cạnh đó, Sách Trắng 2016 đồng thời nhấn mạnh việc phát triển năng lực quốc phòng để đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc định hình các vấn đề khu vực và đối phó với những diễn biến đe dọa đến lợi ích quốc gia của Australia, trong khi tăng cường liên minh với Mỹ và phát triển quan hệ đối tác với các nước khác.

Để đạt được các mục tiêu đó, Sách Trắng 2016 tập trung vào năm phương hướng. Một là, Australia vạch ra phương án chi ngân sách quốc phòng dài hạn 10 năm (đến năm 2025-2026), tăng lên 42,4 tỷ đô Australia (khoảng 31,4 tỷ USD) vào năm 2020-2021 (đạt 2% GDP theo ước tính hiện tại). Ngân sách năm 2015-2016 là 32,3 tỷ đô Úc (khoảng 24 tỷ USD). Hai là, Australia tập trung phát triển năng lực của các lực lượng quốc phòng, bao gồm: Năng lực tình báo, trinh sát, giám sát, vũ trụ, chiến tranh điện tử và không gian mạng; Năng lực chiến tranh trên biển và chống tàu ngầm; Năng lực không chiến; Năng lực chiến đấu trên mặt đất và năng lực đổ bộ; Cơ sở hạ tầng như căn cứ, cảng, sân bay, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ và dịch vụ y tế; Năng lực vận chuyển trên không và trên biển; Nghiên cứu và phát triển. Ba là, nâng cao tư thế quốc phòng liên quan đến tương tác, hợp tác quốc tế, công tác sẵn sàng chiến đấu, hoạt động ở nước ngoài, tăng cường hiện diện. Bốn là, tăng cường nhân lực, tăng quân số lên 62.400 người trong thập kỷ tới. Năm là, đổi mới cách vận hành, quản lý.

Riêng về Biển Đông, khác với Sách Trắng năm 2013, Sách Ttrắng 2016 đã vạch rõ các hành động ngang ngược của Trung Quốc, nêu rõ Australia quan ngại về các hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép trên các cấu trúc, bãi cạn nửa nổi nửa chìm ở Trường Sa làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Australia phản đối việc sử dụng các cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông cho các mục đích quân sự; phản đối việc khẳng định yêu sách lãnh thổ liên quan và quyền lợi biển không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS); kêu gọi tất cả các bên dừng các hoạt động cải tạo và xây dựng liên quan đến việc nạo vét đáy biển để xây cất lên các cấu trúc nhân tạo; kêu gọi các bên phải tự kiềm chế. Đặc biệt, Sách Trắng 2016 nhấn mạnh lo ngại về tốc độ và quy mô chưa từng có của các hoạt động bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc, hối thúc nước này thực hiện các bước giảm căng thẳng và tránh các hành động khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng và mất ổn định ở khu vực, làm rõ mục đích cuối cùng của các hoạt động cải tạo đảo. Đồng thời, do thiếu vắng cơ chế quản lý hiệu quả tranh chấp ở Biển Đông nên ASEAN và Trung Quốc cần phải nhất trí về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong thời gian sớm nhất. Một trật tự toàn cầu ổn định theo luật lệ cần được thiết lập, trong đó Australia sẽ cộng tác chặt chẽ với Mỹ và các đối tác cùng chung chí hướng để duy trì trật tự này.

Trước những ngôn từ mạnh mẽ trong Sách Trắng 2016, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) trả lời báo chí nói phản đối những nội dung về Biển Đông trong Sách Trắng 2016 và nói Biển Đông không phải là vấn đề giữa Australia và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) với ngôn từ tương tự tỏ vẻ không hài lòng về những tuyên bố tiêu cực trong Sách Trắng 2016 liên quan đến Biển Đông và sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Australia thừa hiểu được rằng phát biểu của Ngô Khiêm và Hoa Xuân Oánh về Sách Trắng 2016 nằm trong cách tiếp cận thường thấy của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc vẫn luôn tìm cách đẩy các nước bên ngoài có lợi ích ở Biển Đông ra xa, sử dụng sức mạnh vượt trội ép các nước yêu sách nhỏ hơn để mở rộng kiểm soát ở Biển Đông. Dù có phản ứng như thế nào cũng không khỏa lấp được một thực tế rằng hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây quan ngại khắp nơi, phương hại đến trật tự theo luật lệ ổn định ở khu vực, một yếu tố quan trọng trong lợi ích chiến lược của Australia.

Trong Sách Trắng 2016, cụm từ trật tự “theo luật lệ” (rules-based) được xếp là một trong ba lợi ích quan trọng của Australia và được đề cập tới 56 lần với ý nghĩa một trật tự theo luật lệ ổn định là đảm bảo quyền tiếp cận với một hệ thống thương mại mở, tự do và an toàn, giảm thiểu rủi ro về cưỡng ép và bất ổn, bảo đảm các tuyến đường thương mại, an ninh thông tin và giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Với việc đề cao trật tự theo luật lệ, Australia khẳng định tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế (UNCLOS) chứ không phải bằng ỷ mạnh hiếp yếu hoặc vũ lực, cưỡng ép và bắt nạt mà Trung Quốc tiến hành trong những thập kỷ qua. Đặc biệt, từ năm 2009 sau khi đệ trình yêu sách lên Liên hợp quốc kèm theo bản độ “đường lưỡi bò” bao phủ tới hơn 80% diện tích Biển Đông và cách đất liền của nước này hàng ngàn dặm, Trung Quốc tăng cường sử dụng các lực lượng dân sự và bán quân sự như tàu chấp pháp, tàu cá, giàn khoan,… nhằm thay đổi nguyên trạng và mở rộng kiểm soát ở Biển Đông. Gần đây nhất, Trung Quốc ồ ạt tiến hành các hoạt động cải tạo trên các thực thể nước này chiếm đóng ở Trường Sa. Đi cùng với đó là việc nâng cấp, xây dựng các cơ sở quân sự như đường băng, cảng biển, ra-đa. Các hành động này của Trung Quốc rõ ràng phương hại đến trật tự trên biển theo luật lệ mà Australia đang nỗ lực xây dựng và bảo vệ.

Nói tóm lại, Sách Trắng Quốc phòng 2016 của Australia là bản chiến lược quốc phòng khá toàn diện, thể hiện cách tiếp cận rõ ràng của Australia trước các thách thức an ninh ở khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. Australia coi hành xử ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông là một thách thức an ninh, không chỉ đối với Australia mà cả khu vực và quốc tế. Không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng Australia có lợi ích ở Biển Đông và hợp tác với Mỹ và các nước cùng chí hướng để đảm bảo môi trường hòa bình, trật tự ổn định theo luật lệ và tự do tiếp cận biển ở Biển Đông nói riêng và toàn khu vực nói chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới