Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNguyên tắc "tăm xỉa răng"

Nguyên tắc “tăm xỉa răng”

Sắp tới có thể người Trung Quốc sẽ “lo” cho người Việt Nam từ miếng ăn đến giấc ngủ. Ăn không sợ thực phẩm có độc đố, ngủ trên nệm không sợ có chất nguy hại.

Đầu năm 2016, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố tài liệu đánh giá về kinh tế Trung Quốc thời tái cơ cấu, trong đó có nhận định, Chính phủ Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, bao gồm:

(a) Giảm tỷ lệ tiết kiệm trong nước để kích thích tiêu thụ tại thị trường nội địa; (b) Tạo cơ hội và giải quyết việc làm với thu nhập cao hơn cho người lao động, nhất là người di cư nông thôn và lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng tăng;

(c) Chống tham nhũng và tội phạm kinh tế khác; (d) Xung đột xã hội liên quan đến sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế. 

CIA cho rằng có một số yếu tố làm chậm sự tăng trưởng của Trung Quốc, như nợ công tăng bởi chương trình kích thích kinh tế, sự quá tải trong sản xuất công nghiệp, sự thiếu hiệu quả trong phân bổ nguồn vốn của trung ương và đặc biệt là sự phục hồi chậm chạp của các đối tác thương mại của Trung Quốc trên thế giới.

Tuy nhiên CIA cũng cho rằng Trung Quốc đã có những tiến bộ trong các mục tiêu tái cân bằng, để giảm sự phụ thuộc vào các khoản đầu tư cố định, xuất khẩu và công nghiệp nặng. Đặc biệt chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc đã báo hiệu Bắc Kinh sẵn sàng tập trung thực hiện cải cách kinh tế một cách ổn định và dài hạn.

Như vậy qua nhận định của CIA cho thấy rằng, kinh tế Trung Quốc thời hậu tái cơ cấu phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Và để đảm bảo tính bền vững cho sự phát triển, chính sách vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc chắc chắn phải là những công cụ tạo ra những cơ chế thúc đẩy cả hoạt động của doanh nghiệp trong nước và hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài.

Bài toán kích cầu của chính phủ Trung Quốc và nguyên tắc “tăm xỉa răng”

Ngày 10/3 AFP dẫn số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng CPI của nước này trong tháng 2 tăng 2,3%, cao hơn mức dự đoán 1,9% mà các chuyên gia đưa ra trước đó. Đây là lần gia tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2014 tới nay. Song giới đầu tư cho rằng điều ấy có ảnh hưởng bởi việc mua sắm của người Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, so với Tết Nguyên đán 2015 thì chứng tỏ người Trung Quốc đã chịu mua sắm hơn, dù kinh tế Trung Quốc trải qua một năm ảm đạm. Phải thấy rằng, việc mua sắm trên thị trường nội địa gia tăng liên quan đến mức gia tăng thu nhập, ý thích mua sắm và sự khuyến khích của chính phủ thông qua chính sách kích cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Với kinh tế khó khăn, rõ ràng thu nhập của người dân Trung Quốc năm 2015 không tăng nhiều, còn ý thích mua sắm thì không phải là yếu tố tạo ra sự đột biến vì tại Trung Quốc trong vừa năm qua không diễn ra sự kiện gì tác động vào những ý thích khiến cho người Trung Quốc gia tăng sự mua sắm.

Sản xuất tăm tre xuất khẩu sang Việt Nam là một trong những kiểu đầu tư sản xuất có hiệu quả kép – mang lại nguồn lợi rất lớn cho doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

Như vậy, rõ ràng việc mua sắm của người Trung Quốc gia tăng có ảnh hưởng mang tính quyết định bởi chính sách kích cầu của chính phủ Trung Quốc. Và đây cũng là một trong những điểm ưu tiên trong chiến lược kinh tế thời kỳ tái cơ cấu của Bắc Kinh. Với sự gia tăng mua sắm của người dân, mục đích kích cầu của Chính phủ Trung Quốc đã đạt được những kết quả bước đầu.

Bằng việc hướng vào phát triển chiều sâu, chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ Trung Quốc trong việc kích thích tiêu dùng nội địa sẽ phải hướng vào những yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu đến nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Từ việc đa dạng hóa chủng loại hàng hóa trên thị trường đến đến việc đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, sử dụng.

Để thực hiện chính sách kích cầu ấy, các thực thể của kinh tế Trung Quốc sẽ phải có sự điều chỉnh kế hoạch từ kinh doanh đến đầu tư sản xuất. Các doanh nghiệp phải có những đổi thay từ ứng dụng công nghệ, chuẩn hóa chất lượng đến thiết kế mẫu mã, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất. Nghĩa là doanh nghiệp Trung Quốc cũng phải có “tái cơ cấu cục bộ” trong sách lược kích cầu.

Điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải được tăng vốn đầu tư cho sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường nội địa. Và với bản tính của người Trung Quốc, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Trung Quốc sẽ xây dựng chính sách đầu tư hướng tới việc sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả cao nhất.

Nhiều người Việt Nam vẫn luôn ngạc nhiên về việc Trung Quốc xuất khẩu cả cây tăm xỉa răng sang thị trường Việt Nam vì cho rằng hiệu quả kinh tế không cao. Điều đó không sai nếu Trung Quốc đầu tư dây chuyền chỉ sản xuất tăm xỉa răng cho người Việt Nam, song nếu nó là sản phẩm cùng loại trong dây chuyền sản xuất tăm cho người Trung Quốc thì hiệu quả không nhỏ.

Nghĩa là doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu tư để thiết kế dây chuyền sản xuất tăm xỉa răng với công xuất đáp ứng cho thị trường gồm : 1,3 tỷ người Trung Quốc + 90 triệu người Việt Nam. Như vậy, việc sản xuất tăm cho người Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc không phải đầu tư thêm dây chuyến mới mà chỉ cần điểu chính công suất để tăng năng suất đáp ứng thị trường mở.

Điều này cho thấy có những sản phẩm Trung Quốc chỉ cần đầu tư một lần nhưng đáp ứng được cả cho nhu cầu nối địa và nhu cầu xuất khẩu. Chính sách kích cầu của chính phủ Trung Quốc không chỉ có tác dụng đối với thị trường nội địa mà còn hiệu quả với cả việc xuất khẩu.

Đây được xem là hiệu quả kép trong sử dụng vốn – tiết kiệm tối đa vốn đầu tư cho việc sản xuất kinh doanh một măt hàng nào đó. Xin đưa ra một bài toán kinh tế trong nguyên tắc “tăm xỉa răng” để chứng minh cho hiệu quả kép trong đầu tư kích cầu của Trung Quốc.

Giả thiết chỉ khoảng 1% dân Việt Nam dùng tăm Trung Quốc =           900.000 người.

Mỗi ngày dùng 3 cây tăm, thì một năm Việt Nam tiêu thụ = 365  x 900.000 x 3 =  985.500.000 cây tăm.

Nếu Trung Quốc đóng 100 cây tăm / hộp thì người Việt Nam tiêu thụ =  9.855.000 hộp tăm.

Nếu một hộp tăm giá Trung Quốc xuất khẩu là 3.000 VND thì một năm 1% người dân Việt Nam mua tăm xỉa răng của Trung Quốc với số tiền là =           9.855.000 x 3.000 =  29.565.000.000 VND.

(Hai mươi chín tỷ, năm trăm sáu mươi lăm triệu đồng)

Như vậy doanh nghiệp Trung Quốc gần như không cần đầu tư thêm và chỉ cần 1% người Việt Nam dùng tăm xỉa răng của Trung Quốc thì mỗi năm doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh tăm xỉa răng Trung Quốc đã có thể bỏ túi thêm khoảng 1,3 triệu USD.

Đây là một bài toán kinh tế thường thức, và có thể có nhiều người cho đó là chuyện phiếm. Nhưng thực ra nó đã xảy ra và sắp tới sẽ có nhiều mặt hàng được Trung Quốc đầu tư trong việc kích cầu thị trường nội địa theo nguyên tắc “ tăm xỉa răng” ấy.

Bởi lẽ, hiện nay người dân thế giới, nhất là người dân Việt Nam có tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc là do chất lượng.

Song khi hàng xuất khẩu cũng là hàng người Trung Quốc sử dụng, nghĩa là độc tố hay nguy hại không còn, thì việc sử dụng hàng Trung Quốc sẽ trở nên bình thường hơn. Và trong số các thị trường nước ngoài sử dụng hàng Trung Quốc thì Việt Nam là thị trường Trung Quốc hướng tới trước tiên và quan trọng nhất trong chiến lược kích cầu của họ.

Từ hiệu quả trong việc trang bị tăm xỉa răng cho người Việt Nam sau bữa ăn, chắc chắn chính phủ Trung Quốc sẽ xem đó như là nguyên tắc trọng tâm trong chính sách kích cầu của họ.

Những lực lượng nghiên cứu thị trường ở nước ngoài sẽ cung cấp cho cơ quan hoạch định chiến lược kinh tế của Trung Quốc những loại hàng hóa mà thị hiếu, truyền thống sử dụng của những thị trường mà có nhiều nét tương đồng với người tiêu dùng Trung Quốc.

Từ lâu dư luận cho rằng vì Trung Quốc muốn thôn tính nền kinh tế Việt Nam nên tràn hàng hóa sang làm tê liệt sản xuất trong nước, phá hoại nền kinh tế của Việt Nam. Cảm xúc đó người viết xin phép không bàn đến trong khuôn khổ bài viết này, song nguyên nhân của tình trạng này là do hiệu quả kép trong đầu tư của Trung Quốc thì không thể phủ nhận.

Phải thấy rằng thị hiếu tiêu dùng của người Trung Quốc và người Việt Nam có quá nhiều điểm giống nhau từ cơ địa con người đến văn hóa tiêu dùng, đặc biệt cả Việt Nam và Trung Quốc không có những kiêng cữ do tín ngưỡng. Có thể hiểu một cách nôm na là một bộ quần áo may cho người Trung Quốc mặc thì người Việt Nam cũng có thể mặc được.

Vì vậy, sắp tới có thể người Trung Quốc sẽ “lo” cho người Việt Nam từ miếng ăn đến giấc ngủ. Ăn không sợ thực phẩm có độc đố, ngủ trên nệm không sợ có chất nguy hại. Và lúc ấy có lẽ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam chỉ là phân phối hàng hóa cho Trung Quốc.

Nỗi niềm cay đắng ấy không chỉ còn là cảnh báo nữa mà nó đã hiển hiện rõ từng ngày.

Như vậy, bài toán kích cầu với hiệu quả kép trong đầu tư theo nguyên tắc “tăm xỉa răng” là một mũi tên của Bắc Kinh hướng tới nhiều đích và sự ảnh hưởng của nó đối với nhiều thị trường hàng hóa toàn cầu trong đó có thị trường Việt Nam, là rất nguy hại. 

Chính sách kích cầu của Trung Quốc có thể là nguyên nhân khiến cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp tại nhiều quốc trên toàn thế giới bị đình trệ, thậm chí rơi vào khủng hoảng, mà mục đích của nó là giúp cho doanh nghiệp Trung Quốc đạt hiệu quả kép khi sử dụng đồng vốn trong sản xuất – kinh doanh.
 
Điều chỉnh luật lao động và bài toán nguồn nhân lực cho những công xưởng rộn tiếng Hoa

Theo CIA, kinh tế Trung Quốc phát triển vượt trội ở các thành phố lớn, đặc biệt ở những đặc khu kinh tế ven biển, đã khiến làn sóng người nông dân rời bỏ làng bản ra thành thị kiếm việc làm. Đến năm 2014 đã có hơn 274 triệu lao động nhập cư và người phụ thuộc của họ làm việc tại những thành phố lớn, những trung tâm thương mại và những đặc khu kinh tế của Trung Quốc.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì việc tái cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc sẽ khiến hàng chục triệu người lao động Trung Quốc mất việc hay phải thay đổi công việc.

Điều này khiến cho vấn đề giải quyết việc làm cho lao động dôi dư bởi tái cơ cấu là một vấn đề quan trọng trong việc giải quyết tình hình kinh tế – xã hội của Bắc Kinh thời hậu tái cơ cấu.

AFP ngày 7/3 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei cho biết: Luật lao động của Trung Quốc được thông qua vào năm 2007 hạn chế khả năng sa thải hàng loạt công nhân của công ty khi tái cơ cấu. Điều đó sẽ tránh được bất ổn xã hội nhưng gây tổn hại cho người lao động khi hạn chế cơ hội có việc làm của họ.

Ông Lou cho rằng, luật Lao động cũ có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và cần phải cải cách. Nghĩa là người sử dụng lao động Trung Quốc có thể sa thải người lao động trong qua trình làm việc tại doanh nghiệp.

Và điều ấy lại trở thành nỗi lo giống như làn sóng 30 triệu người mất việc trong những năm 1990 khi Bắc Kinh đóng cửa hàng ngàn công ty nhà nước và xảy ra bất ổn xã hội.

Với quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế như hiện nay, thì nhiều người lao động Trung Quốc mất việc làm là tất yếu và nếu Luật lao động được sửa đổi thì sẽ làm cho số lượng lao động thất nghiệp gia tăng nhanh chóng.

Bài toán việc làm cho người lao động Trung Quốc sẽ khiến cho Bắc Kinh phải có hai động thái bắt buộc và hệ quả của nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động thế giới – trong đó có Việt Nam.

Thứ nhất, Bắc Kinh chưa thực hiện ngay việc sửa đổi Luật lao động, và đã thể hiện qua thái độ của Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei khi ông đã không đề xuất cải cách cụ thể, theo AFP. Điều này giúp cho doanh nghiệp có bước chuyển đổi dần dần, còn người lao động dôi dư sẽ được đào tạo và đào tạo lại phù hợp với chiến lược chung của Chính phủ.

Do Trung Quốc hướng mạnh ra đầu tư ở nước ngoài và tạo việc làm cho người lao động Trung Quốc ở nước ngoài sẽ là điểm mấu chốt trong chiến lược kinh tế đối ngoại của Bắc Kinh. Vì vậy, chính sách đào tạo nghề nghiệp cho người lao động Trung Quốc cũng là một trong những điều có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động nhiều quốc gia trên thế giới.  

Do hướng lao động ra nước ngoài làm việc nên lĩnh vực nghề nghiệp  được Trung Quốc lựa chọn đào tạo chắc chắn dựa vào nhu cầu và truyền thống sử dụng lao động của các doanh nghiệp và các thị trường lao động trên thế giới.

Bởi lẽ, người Trung Quốc ra nước ngoài làm việc không chỉ làm cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài, mà họ sẽ làm việc cho doanh nghiệp của bất cứ quốc gia nào mà họ hướng tới.

Khi việc tái cơ cấu nội bội của hệ thống doanh nghiệp cơ bản ổn định thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ sửa đổi luật lao động vì họ không thể bao cấp và yêu cầu doanh nghiệp bao cấp cho người lao động trong tình hình nền kinh tế đã co lại do tái cơ cấu.

Còn với người lao động khi đã được đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp thì họ sẽ có thể làm việc không chỉ tại những công trường trong nước, mà họ còn có thể tạo ra những công xưởng rộn tiếng Hoa ở nước ngoài.

Khi đó làn sóng người Trung Quốc sẽ “tràn” ra nước ngoài tìm việc làm và sẽ “cướp mất” việc làm của người lao động tại nhiều quốc gia trên thế giới – trong đó đặc biệt là tại Việt Nam bởi sự tương đồng khi sử dụng phương tiện lao động và công cụ lao động.

Bên cạnh đó chính sách “ngoại giao kinh tế” của Trung Quốc sẽ khiến cho tỷ lệ lao động thất nghiệp tại nhiều quốc gia tăng cao cùng với đó là thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế.

Theo AFP, vào tháng 2/2016, Bộ trưởng Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc cho biết sẽ có khoảng 1,8 triệu lao động bị sa thải do tái cơ cấu trong các ngành công nghiệp than và thép. Chỉ 1% số lao động đó “tràn”qua Việt Nam với số lượng khoảng 18.000 người, thì nó cũng đã lấy đi của thị trường lao động Việt Nam hàng ngàn tỷ đồng thu nhập mỗi năm, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã – hội của Việt Nam.

Như vậy, qua phân tích cho thấy chính sách của chính phủ Trung Quốc thời hậu tái cơ cấu nền kinh tế như là những mũi tên chĩa vào nhiều đích. Nó hướng tới việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế khi tái cơ cấu, nó hướng vào việc giải quyết các vấn đề xã hội do tái cơ cấu gây ra.

Nhưng bên cạnh đó nó lại có thể gây thiệt hại cho những thực thể kinh tế – chính trị – xã hội khác trên thế giới, dù đó là đối thủ hay đối tác của Trung Quốc.

Vì vậy, người viết cho rằng việc nhận diện nguy cơ và có kế sách đối phó để chuyển hướng những mũi tên ấy là vô cùng cấp thiết và quan trọng đối với chính quyền các quốc gia trên thế giới – trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ, trong làm ăn ở nước ngoài thì dường như người Trung Quốc chỉ có đối phương nên họ luôn tìm cách chiến thắng với bất cứ mưu kế nào, nhằm thực hiện ý đồ toàn cục của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới