Đó là vấn đề sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia mổ xẻ với đồng nghiệp Úc trong cuộc gặp tuần tới tại Kuala Lumpur.
Hãng tin Reuters ngày 16/3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein, nhấn mạnh nếu các tin tức từ các nguồn khác nhau về việc Trung Quốc xây dựng và lắp đặt thiết bị quân sự ở Trường Sa là chính xác thì Malaysia buộc phải có hành động đẩy lùi bước tiến của Trung Quốc.
Ông Hishammuddin cho hay sẽ bàn với Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne các phương thức để bảo đảm rằng sẽ có các nỗ lực buộc Trung Quốc phải thực thi lời hứa không thiết đặt các thiết bị quân sự ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói cũng sẽ họp với giới chức Việt Nam và Philippines vì không thể đơn phương một mình ngăn chặn các động thái gây hấn của Trung Quốc.
Hồi tháng 9/2015 khi viếng thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng quả quyết rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa các tiền đồn ở Trường Sa.
Tuy nhiên, tháng trước, 10 nước Đông Nam Á lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn tiến ở Biển Đông bao gồm việc Bắc Kinh gần đây triển khai tên lửa, pháo và máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các nước láng giềng khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia… dựa trên cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”). Từ năm 2012 đến nay, Bắc Kinh từ chỗ âm thầm đã trở nên công khai ráo riết bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, gây quan ngại sâu sắc cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Trước đây, Malaysia ít khi lên tiếng phản đối Trung Quốc nhưng những hành động ngày càng ngang ngược của Bắc Kinh tại vùng biển cửa ngõ của Malaysia khiến chính quyền Kuala Lumpur không thế nhắm mắt làm ngơ.
Hồi tháng 10 năm ngoái, trong phát biểu đọc tại Diễn Dàn An Ninh Hương Sơn tổ chức tại Bắc Kinh giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN, Tướng Zulkefli Modh Zin, Tư lệnh Quân đội Malaysia nói rằng những hoạt động xây dựng, cải tạo đảo mà Trung Quốc cho thực hiện ở Biển Đông là hành động khiêu khích phi lý và phi pháp.
Tháng 11/2015, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi tuyên bố nước này sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. “Nếu đất nước chúng ta (Malaysia) đang bị đe dọa hoặc bị lấn chiếm, người Malaysia chúng ta sẽ đứng lên bảo vệ đất nước của mình” – ông Hamidi phát biểu tại Kota Kinabalu, thủ phủ bang Sabah, nằm trên đảo Borneo của Malaysia.
Theo ông Hamidi, cộng đồng quốc tế cần phải nhìn thấy điều này (vấn đề Biển Đông) không chỉ là vấn đề của kinh tế mà là vấn đề chủ quyền. “Biển Đông chỉ là một cái tên, nhưng 200 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là thuộc biên giới của chúng tôi”- Phó Thủ tướng Malaysia khẳng định.