Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngHải quân Việt Nam toàn lực cho chiến dịch CQ-88 lịch sử

Hải quân Việt Nam toàn lực cho chiến dịch CQ-88 lịch sử

Trong chiến dịch CQ-88, hải quân Việt Nam đã dốc toàn lực chạy đua với thời gian để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Từ năm 1986, tình hình khu vực biển quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp, do một số quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc được đẩy mạnh các hoạt động tranh chấp chủ quyền.

Cuối tháng 12 năm 1986, Trung Quốc cho máy bay và tàu thuyền có cả tàu chiến hoạt động trinh sát, thăm dò từ khu vực đảo Song Tử Tây đến khu vực đảo Thuyền Chài.

Philippines đẩy mạnh việc vận chuyển xây dựng công trình trên các đảo của họ đóng giữ là đảo Song Tử Đông, Panata hay còn gọi là Lamkiam Cay (còn có tên khác là Cồn San hô Lan Can/cồn An Nhơn).

Cùng lúc đó ở phía nam Trường Sa, Malaysia bí mật đưa lực lượng ra chiếm đóng bãi đá Kỳ Vân và tháng 1 năm 1987, Malaysia chiếm đóng bãi đá Kiêu Ngựa, làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Bộ Tư lệnh hải quân Việt Nam nhận định có khả năng Trung Quốc và các nước sẽ dùng lực lượng hải quân chiếm đóng thêm một số đảo khác. Do đó, Việt Nam sẽ phải nhanh chóng thể hiện chủ quyền và cử lực lượng chốt giữ.

Đầu tháng 3-1987, Quân chủng điều lực lượng công binh, tàu chiến đấu, tàu vận tải của Vùng IV và Lữ đoàn 125 ra đóng giữ bảo vệ đảo chìm Thuyền Chài. Năm 1978 quân chủng đã đưa lực lượng ra đóng giữ đảo này, song vì điều kiện đảo là bãi đá ngầm, việc bảo đảm cho bộ đội ăn ở sinh hoạt, chiến đấu gặp rất nhiều khó khăn, nên ta tạm thời rút bộ đội về đất liền.

Từ ngày 15-5 đến ngày 6-6-1987, hải quân Trung Quốc tổ chức một cuộc diễn tập lớn ở phía nam Biển Đông. Giữa tháng 10, tháng 11 năm 1987, họ lại đưa tàu nghiên cứu Hải Dương 4 và một số tàu chiến đi qua các đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trưởng Sa, Song Tử Tây; có lúc các tàu này vào sát đảo của ta khoảng 1 hải lý.

Ta nhận định hoạt động diễn tập quân sự bất thường và triển khai các cuộc nghiên cứu hải dương học trá hình ở khu vực quần đảo Trường Sa của Trung Quốc là nhằm mục đích thăm dò luồng lạch, và luyện tập phương án chuẩn bị cho hành động xâm lược các đảo của Việt Nam ở khu vực quần đảo này.

Hai quan Viet Nam toan luc cho chien dich CQ-88 lich su

Thời đó, chiến hạm mạnh mẽ nhất của Việt Nam là các tàu tên lửa lớp Osa II với tên lửa P-15U Termit

Ngày 24-10-1987, Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên tăng cường cho Lữ đoàn 146, Vùng IV Hải quân, song yêu cầu các đơn vị đảo phải hết sức cảnh giác, tránh âm mưu khiêu khích của đối phương.

 Bộ tư lệnh chủ trương tăng cường phòng thủ quần đảo Trường Sa điều lực lượng chốt giữ thêm một số đảo xung quanh các đảo đã đóng giữ, để tạo nên sức mạnh của một cụm đảo.

Ngày 25-10-1987, Tư lệnh Quân chủng lệnh cho Vùng IV nhanh chóng tổ chức lực lượng ra đóng giữ các đảo Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập. Vùng IV Hải quân ngay lập tức bắt tay ngay vào triển khai nhiệm vụ.

Mặc dù hết sức cố gắng, song lúc này thời tiết cuối năm gió mùa sóng lớn, phương tiện của ta nhỏ bé, chất lượng kỹ thuật không bảo đảm, hơn nữa các đảo này là những bãi đá ngầm, ta chưa chuẩn bị kịp các trang bị phương tiện để tổ chức cho bộ đội đóng giữ, ăn, ở sinh hoạt và chiến đấu, nên kế hoạch đóng giữ 4 đảo này chưa thực hiện được.

Ngày 28-10-1987, tàu 613 đưa một phân đội chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146, một trung đội công binh, do đồng chí Nguyễn Trung Cảng, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy ra đóng giữ đảo Đá Tây. Do sóng to gió lớn, gặp khó khăn trong xây dựng công sự chốt giữ, nên sau một thời gian, tàu 613 chở bộ đội về Cam Ranh.

Ngày 6-11-1987, trước các động thái tăng cường lực lượng của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra “Mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa”, giao cho Quân chủng Hải quân “Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người….”.

Chấp hành lệnh của trên, tháng 12-1987, Quân chủng đưa lực lượng ra đóng giữ đảo Đá Tây, đồng thời khẩn trương đóng các phương tiện chuyển tải và các pông-tông là các căn cứ nổi, làm nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ các đảo chìm (bãi đá cạn) trên quần đảo Trường Sa.

Ngày 2-12-1987, tàu HQ 604 thuộc Lữ đoàn 125 đưa bộ đội cùng vật liệu đến xây nhà cấp 3 ở đảo Đá Tây. Sau một thời gian lao động khẩn trương, cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành khu nhà ở, nhà trực, đồng thời ngay lập tức tổ chức canh gác, bảo vệ đảo.

Trung Quốc tăng cường tàu chiến, chiếm đóng các đảo

Đầu năm 1988, tình hình khu vực Trường Sa đột ngột trở nên căng thẳng. Ngày 9 tháng 1 năm 1988, Quân chủng Hải quân họp nhận định: Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động quân sự tranh chấp chủ quyền hải đảo chiếm một số bãi san hô nổi hoặc chìm khi nước lên, xen kẽ với các đảo của ta.

Ở vùng biển phía Bắc, Trung Quốc có thể triển khai thêm khu vực khai thác dầu khí, tăng cường tàu cá vào quấy nhiễu ở vịnh Bắc Bộ, sử dụng không quân và hải quân gây hấn, chủ động khiêu khích ở Hoàng Sa, gây nên tình hình căng thẳng ở khu vực này, để rảnh tay chiếm đoạt các đảo ở Trường Sa.

Trong khi đó, Bộ tư lệnh Hải quân nhận định, các nước khác có thể nhân cơ hội này chiếm đóng một số đảo nằm giữa Kỳ Vân và Ri-gân. Cuộc tranh chấp các đảo đang trở thành nguy cơ trực tiếp đe dọa Việt Nam và các nước trong khu vực, thậm chí có thể xảy ra xung đột nóng trên biển.

Ngày 22-1, Trung Quốc đưa 4 tàu hộ vệ tên lửa, khu trục, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đóng đảo Chữ Thập. Sau đó, chúng đưa một lực lượng lớn gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm đậu xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền các nước qua lại khu vực đảo này.

Ngày 23-1-1988, tàu 613 thuộc Vùng 4 hải quân chở lực lượng và vật liệu ra đảo Tiên Nữ. Phương châm xây dựng là làm đến đâu chắc đến đó. Đầu tháng 2-1988, cán bộ, chiến sĩ trên đảo hoàn thành nhà ở cấp 3, nơi sinh hoạt, bếp ăn và triển khai phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.

Ngày 27-1-1988, tàu HQ-611 và tàu HQ-712, do đồng chí Công Phán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 làm biên đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thế Dân, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 hải quân làm biên đội phó, chỉ huy 1 đại đội công binh và 2 khung đảo của Lữ đoàn 146 đến đóng giữ đảo Chữ Thập.

Ngày 29-1, tàu bị hỏng máy phải dừng lại sửa chữa, đồng chí Nguyễn Thế Dân chuyển sang tàu HQ-07 thuộc Lữ đoàn 171 đi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Đá Lớn. Đồng chí Công Phán ở lại, sau khi tàu sửa chữa xong tiếp tục chỉ huy biên đội tiến về phía đảo Chữ Thập.

Tàu hộ tống HQ-13 thuộc lớp Petya II Project 159A chỉ được trang bị pháo hạm

Sáng ngày 30-1, khi tàu cách đảo 5 hải lý thì 4 tàu chiến của Trung Quốc, gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo ra ngăn cản, có lúc chỉ cách 300m, không cho tiếp cận đảo, tàu đành phải quay về Trường Sa Đông, không thực hiện được việc đóng giữ đảo Chữ Thập như kế hoạch đề ra.

Ngày 31-1-1988, Trung Quốc đưa thêm lực lượng củng cố đảo Chữ Thập thành căn cứ để khống chế ta ở khu vực Trường Sa. Vào thời điểm này, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức ba Cụm tác chiến lớn nhằm triển khai chiến dịch chiếm đoạt quần đảo Trường Sa, bao gồm:

Sở chỉ huy hậu phương lấy Hoàng Sa làm Sở chỉ huy thường trực có tàu hộ vệ pháo, hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, các tàu ngầm và tàu hộ tống nhằm ngăn cản, uy hiếp lực lượng tàu hải quân ta hoạt động ở vịnh Bắc Bộ, gây khó khăn cho ta trong việc triển khai hoạt động bảo vệ vùng biển phía Nam;

Ngoài ra, 2 Cụm tiền phương bao gồm 1 Cụm ngăn chặn lực lượng hải quân ta ở đông bán đảo Cam Ranh, Cù Lao Thu và 1 Cụm chiến đấu là Sở chỉ huy tiền phương ở đảo Chữ Thập, âm mưu khống chế ta ở khu vực Trường Sa, nếu có thời cơ phát triển lực lượng sâu xuống khu vực phía Nam.

Trước diễn biến mới, Bộ Tư lệnh Quân chủng chủ trương tập trung cao nhất khả năng lực lượng vào đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa, chạy đua với thời gian nhanh chóng đóng giữ các đảo theo kế hoạch; đồng thời đề xuất với Đảng, Chính phủ phát động phong trào “Cả nước hướng về Trường Sa”, “Ủng hộ, chi viện Trường Sa và vì Trường Sa”.

Đảng ủy Quân chủng xác định rõ lúc này “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân”. Toàn quân chủng bước vào chiến dịch “CQ-88″ (Chủ quyền – 1988) với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ.

Chiến dịch “CQ-88″ (Chủ quyền – 1988) bảo vệ chủ quyền biển đảo

Ngày 4-2-1988, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng tàu chiến, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở quần đảo trường Sa đã trở nên vô cùng cấp bách. Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp nhận định: Trung Quốc đã cho quân đóng trên đảo Chữ Thập. Họ có thể mở rộng phạm vi chiếm đóng sang các đảo Châu Viên, Đá Đông, Đá Nam, Tốc Tan và đóng xen kẽ những bãi đá ta đang đóng giữ. Do đó, ta phải nhanh chóng đưa lực lượng ra đóng giữ Đá Lát, Đá Lớn, Châu Viên.

Được sự đồng ý của trên, Quân chủng thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Cam Ranh, do đồng chí Giáp Văn Cương (Tư lệnh Vùng 4) làm Tư lệnh. Các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật đều tổ chức các bộ phận tiền phương của ngành để kịp thời giải quyết mọi mặt theo yêu tác chiến.

Ngày 5 tháng 2 năm 1988, lực lượng của ta ra chiếm giữ đảo Đá Lát. Ngày 6 tháng 2 năm 1988, biên đội tàu 611 và 712 đang neo đậu ở đảo Trường Sa Đông đưa bộ đội đến đóng giữ đảo Đá Lớn.

Ngay từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2-1988, tàu quét mìn HQ-851, tàu HQ-852 của Lữ đoàn 161 đang bảo dưỡng định kỳ ở nhà máy đóng tàu Ba Son, nhận được lệnh khẩn cấp về Sở chỉ huy Quân chủng ở Cam Ranh nhận nhiệm vụ.

Ngày 3 tháng 2 năm 1988, HQ-851 nhận được lệnh rời nhà máy đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Đúng theo kế hoạch, ngày 6 tháng 2 tàu cập cảng Cam Ranh và ngay tối hôm đó, đồng chí thuyền trưởng lên nhận lệnh trực tiếp từ Tư lệnh Quân chủng.

Sau khi giao nhiệm vụ, Tư lệnh quân chủng nhấn mạnh, tình hình rất căng thẳng, khẩn trương, ta và đối phương giành giật nhau từng hòn đảo, Trung Quốc có thể nổ súng và ta có thể phải hy sinh, nhưng đó là sự hy sinh cần thiết, bởi nếu để mất đảo thì sau này có cần đến 100 tàu như 851 hy sinh ta cũng khó lấy lại được đảo.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của nhiệm vụ mới, chi bộ tàu HQ-851 khẩn trương tổ chức quán triệt, xây dựng quyết tâm cho cán bộ và đơn vị, nhanh chóng tiến hành công tác chuẩn bị, nhận thêm vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, dầu, nước.

Tàu phóng lôi cao tốc lớp Turya Project 206M

Ngày 8-2-1988 tàu HQ-851 xuất phát đi làm nhiệm vụ. Thực hiện đúng kế hoạch công tác, ngày 10 tháng 2 tàu HQ-851 đến đảo Trường Sa Lớn, neo đậu tại đây một đêm, chỉ huy tàu làm việc với chỉ huy đảo, truyền đạt mệnh lệnh, ý đồ của Tư lệnh.

Sáng 11-2 tàu nhổ neo hướng về đảo Trường Sa Đông. Tại đây sau khi làm việc với chỉ huy đảo xong, tàu tiếp tục hành trình đến đảo chìm Đá Đông. Đến đảo Đá Đông, tàu HQ-851 tiến hành các hoạt động khảo sát đo độ sâu xác định các khu vực neo đậu và chốt lại ở đây, trực bảo vệ đảo.

Ngày 13-2, tại đảo Đá Lớn, Lữ đoàn 125 cho tàu 505 kéo tàu LCU 556 cùng bộ phận làm nhà cao chân đóng giữ đảo Đá Lớn. Trong khi ta đang tiến về phía đảo, thì phát hiện tàu khu trục và hai tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc cũng tiến về phía Đá Lớn.

Khi cách Đá Lớn khoảng 4 hải lý, tàu Trung Quốc thả thủy lôi ngăn cản, uy hiếp ta. Trước tình hình đó, ban chỉ huy tàu 505 họp nhận định: Trung Quốc chưa biết ý đồ của ta đưa lực lượng ra đóng giữ đảo, việc thị uy không liên quan đến hành trình, ta cứ cho tàu chạy theo hướng đã định.

Tàu 505 bình tĩnh, khôn khéo đưa tàu LCU 556 tiếp tục tiến về phía bắc đảo và đóng chốt thành công ở đây, bảo vệ bộ đội tiến hành xây dựng các công trình thể hiện chủ quyền của Việt Nam và công trình ăn, ở sinh hoạt cho lực lượng bảo vệ đảo.

Ngày 15-2-1988 (tức ngày 29 tết âm lịch năm 1988), theo lệnh của Sở chỉ huy Quân chủng, tàu vận tải HQ-614 của Vùng IV tới đảo Đá Đông, kết hợp với tàu HQ-851 lập thành biên đội, do Sở chỉ huy tiền phương của Vùng IV đang đặt ở tàu 614 chỉ huy.

Sở chỉ huy tiền phương của Vùng IV gồm Đại tá Lê Văn Thư, Chỉ huy trưởng Vùng IV; Trung tá Nguyễn Văn Dân, Phó tham mưu trưởng Vùng và Trung tá Lê Xuân Bạ, Phó chủ nhiệm chính trị Vùng. Vừa làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo, biên đội vừa triển khai cho bộ đội ở hai tàu ăn tết tại đảo Đá Đông.

Ngày 17-2-1988, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân di chuyển một bộ phận quan trọng các cơ quan Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Kỹ thuật, Cục Hậu cần vào Cam Ranh, lập Sở chỉ huy Quân chủng lại đây để trực tiếp chỉ huy các lực lượng đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Sau ba ngày đón tết, đến ngày 18-2, tàu HQ-851 và tàu HQ-614 nhận lệnh đến chốt giữ, bảo vệ đảo Châu Viên, đến 12 giờ ngày 18-2 tàu tới đảo. HQ-614 hạ xuồng chở 7 cán bộ, chiến sĩ lên đảo cắm cờ Tổ quốc; nước biển cường, anh em thay nhau xuống đảo giữ cờ.

Trời tối dần, nước biển lên cao, bãi đá chìm sâu dưới nước, sóng to, anh em giữ cờ Tổ quốc bị ướt rét, đói, buộc phải quay về tàu. Lúc này, do sóng quá to, tàu HQ-851 bị rê neo trôi dần ra xa không thể chốt giữ được. Biên đội quyết định đưa tàu về đảo Đá Đông.

23 giờ ngày 18-2, hai tàu tới chốt giữ đảo Đá Đông thì nhận được điện của Sở chỉ huy Quân chủng, lệnh cho tàu quay trở lại đá Châu Viên, bằng mọi giá ủi tàu vào bãi, không cần chờ lệnh tiếp. Tình huống hết sức khẩn trương, 1 giờ ngày 19-2, hai tàu nhổ neo tiến về đá Châu Viên. Đến 5 giờ cùng ngày tới nơi.

Thấy tàu HQ-851 chuẩn bị lao lên bãi cạn, 3 tàu chiến của Trung Quốc lao đến cắt mũi, ngăn chặn; cán bộ, chiến sĩ tàu 851 không nao núng tiếp tục điều khiển tàu tiến lên tìm cách tiếp cận đảo, tàu đối phương vẫn hung hãn kèm sát, quay súng chĩa thẳng về đài chỉ huy tàu ta đe dọa.

12 giờ, ngày 19-2 Sở chỉ huy điện cho tàu HQ-851 tiếp tục ủi bãi, tàu ta và tàu đối phương giằng co quanh đảo Châu Viên. Song với ưu thế hơn hẳn, 3 tàu lớn của đối phương áp sát, cản trở, tàu HQ-851 không thể thực hiện được hành động ủi bãi để đưa tàu và người lên đảo.

Tới 16 giờ ngày 19-2, tàu HQ-851 bị hỏng 1 máy chính và 2 máy phụ, tình hình càng khó khăn hơn.

Sở chỉ huy phía trước của Vùng IV nhận định, đảo Đá Đông có vị trí cũng rất quan trọng, lại gần đảo Trường Sa Đông hơn đảo Châu Viên, nếu ta cứ giằng co với đối phương ở đảo Châu Viên thì chưa chắc ta giữ được mà có thể còn mất cả đảo Đá Đông.

Đồng chí Lê Văn Thư quyết định cho hai tàu quay trở lại đóng giữ đảo Đá Đông trong lúc đối phương đang tập trung lực lượng ở Châu Viên. 18 giờ ngày 19-2 các tàu HQ-851, HQ-614 quay trở lại đảo Đá Đông.

Tàu HQ-01 (nguyên là HQ-15 của quân đội Việt Nam Cộng hòa) đậu cạnh nhà giàn DK1

Tàu 614 nhanh chóng cơ động vào vị trí đổ bộ, tàu HQ-851 tiến vào vị trí chiến đấu, làm nhiệm vụ bảo vệ tàu 614 thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhà, công sự phòng thủ trên đảo Đá Đông.

Ngày 20 tháng 2 năm 1988, các lực lượng đơn vị tàu chiến đấu, vận tải, công binh, bộ binh của Quân chủng vượt qua mọi sự ngăn cản khiêu khích của tàu Trung Quốc, đã nhanh chóng triển khai các hoạt động đóng giữ đảo Đá Lát.

Cũng trong ngày 20 tháng 2, sau khi quan sát thăm dò luồng, tàu 556 tiến vào phía nam đảo Đá Lớn an toàn. Sau đó, tàu Đại Lãnh của công ty trục vớt cứu hộ Sài Gòn kéo tàu HQ-582 và pông-tông Đ02 đến triển khai lực lượng, xây dựng thế trận phòng thủ bảo vệ đảo Đá Lớn.

Ngày 21-2-1988, Tư lệnh quân chủng ra lệnh cho Vùng III chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên tăng cường; riêng Lữ đoàn 162 và Hải đội tàu tên lửa 131 của Lữ đoàn 172 Vùng I vào tăng cường cho Vùng III từ tháng 1 năm 1988, chuyển trạng thái từ thường xuyên lên cao.

Toàn vùng và các lực lượng tàu phóng lôi, tên lửa, tàu quét mìn nhanh chóng thực hiện các biện pháp chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu theo quy dình. Các trạm radar chuyển sang hoạt động tăng cường; các mặt công tác bảo đảm kỹ thuật: hậu cần cho sẵn sàng chiến đấu được khẩn trương tiến hành.

4 tàu tên lửa 205E, (HQ-358, HQ-359, HQ-360, HQ-A61); 4 tàu phóng lôi 206ME (HQ-331, HQ-333, HQ-334, HQ-335); 2 tàu quét mìn 1265E, 1258E (HQ-861, HQ-816), 2 tàu cá HQ-669, HQ-670 và 2 tàu đổ bộ LCU 455, 458, sẵn sàng làm nhiệm vụ theo mệnh lệnh của Quân chủng.

Ngày 26 tháng 2, Trung Quốc chiếm thêm đảo Ga Ven. Ngày 26 tháng 2, Hải Quân Việt Nam đóng giữ đảo Tiên Nữ, và sang ngày 27 tháng 2, ta chốt giữ thêm đảo Tốc Tan. Ngày 28-2, ta tổ chức đóng giữ thêm đảo Núi Le, đến ngày 2 tháng 3 cơ bản đã xây dựng xong các công trình.

Đến thời điểm này, lực lượng hải quân ta bước đầu tạo được thế đứng chân trên các khu vực quan trọng thuộc quần đảo Trường Sa để ngăn chặn được việc mở rộng phạm vi lấn chiếm của các đối phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới