Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngIndonesia cũng muốn kiện TQ: VN sẽ kiện nếu...

Indonesia cũng muốn kiện TQ: VN sẽ kiện nếu…

Việc Việt Nam có kiên quyết kiện hay không phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng, khả năng Việt Nam sẽ đưa tranh chấp ra tòa.

Tham vọng của Trung Quốc đe dọa toàn khu vực

Liên quan đến việc Indonesia tuyên bố có thể đưa vụ tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nước này, trong đó có sự can thiệp của một tàu hải cảnh Trung Quốc, ra tòa quốc tế, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho biết, nếu Indonesia theo đuổi vụ kiện này thì chỉ có thể đưa ra Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển giống như Philippines đã làm. Đó là bởi đối với tất cả các tòa khác Trung Quốc đều khước từ tham gia và ở các tòa đó đều cần có sự đồng thuận của tất cả các bên tranh chấp. Còn trong trường hợp Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển thì có quy định không nhất thiết phải có sự  đồng thuận của bên kia, mà cụ thể như vụ Philippines kiện Trung Quốc đã diễn ra.

“Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII có liên quan đến việc giải thích các điều khoản áp dụng của Công ước Luật Biển. Chưa rõ Indonesia sẽ chọn điều khoản nào để yêu cầu nhưng có thể quốc gia này sẽ đưa ra yêu sách đề nghị tòa phán quyết vùng biển mà tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia nên quyền chủ quyền và quyền tài phán phải thuộc về Indonesia. Nếu tàu cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc xâm phạm có thể vi phạm một số điều khoản của Công ước Luật biển”, Ths Hoàng Việt chỉ rõ.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, trước đây trong số các quốc gia ASEAN có liên quan đến tranh chấp Biển Đông, có nhiều  quốc gia im tiếng như Indonesia, Malaysia và họ nghĩ rằng Trung Quốc chỉ gây căng thẳng với Việt Nam hoặc Philippines mà thôi. Tuy nhiên, đến giờ cả Indonesia và Malaysia đều chịu không nổi. Nó khẳng định tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông là rất lớn và không chỉ đe dọa Việt Nam, Philippines mà đe dọa toàn bộ khu vực Đông Nam Á này, và tương lai nó sẽ đe dọa rất nhiều quốc gia khác.

“Khi các quốc gia Đông Nam Á từ tiềm lực quân sự đến chính trị đều yếu hơn Trung Quốc rất nhiều thì họ cảm thấy sử dụng biện pháp pháp lý là biện pháp tốt nhất trong lúc này. Đặc biệt vụ kiện của Philippines đã gợi ý cho họ những hướng đi  và ít nhất không chỉ Indonesia, mà Việt Nam, Nhật bản cũng đã công khai yêu cầu đưa các tranh chấp biển với Trung Quốc ra các tòa án quốc tế”, Ths Hoàng Việt nói.

Việt Nam sẽ kiện khi…

Về phía Việt Nam, việc kiện Trung Quốc hay không đã nói từ rất lâu, đặc biệt sau sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 vào năm 2014 Việt Nam đã nghĩ tới việc kiện Trung Quốc.

“Nhưng cá nhân tôi cho rằng quyết tâm kiện của Việt Nam vẫn còn đang trong cân nhắc, vì vậy Việt Nam chưa quyết định vấn đề này. Tuy nhiên việc Việt Nam có kiên quyết kiện hay không hay phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Việt Nam hiểu rằng mình là nước láng giềng ở cạnh Trung Quốc, mà Trung Quốc rất lớn, muốn có hòa bình thì phải quan hệ tốt với Trung Quốc, do đó Việt Nam phải chấp nhận nhẫn nhịn. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục căng thẳng mà khi Việt Nam cảm thấy không còn hướng đi nào khác thì khả năng sẽ đưa tranh chấp đó ra tòa. Đến lúc ấy, dù Việt Nam có muốn hay không cũng không thể làm gì khác được”, Ths Hoàng Việt bày tỏ quan điểm.

Ông cũng đánh giá, Việt Nam sẽ thuận lợi hơn nếu Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan tuyên bố Philippines thắng kiện. Theo đó, đối với những tranh chấp trên Biển Đông, trên thế giới chưa có vụ kiện nào giống như thế, tức chưa có tiền lệ và để giải quyết vấn đề này người ta cũng chưa biết trước được rằng tòa sẽ đưa ra phán quyết thế nào. Ngay vấn đề đầu tiên là tòa có thẩm quyền hay không có thẩm quyền đối với các tranh chấp trong trường hợp này cũng gây tranh cãi rất nhiều và phán quyết ngày 29/10/2015 của PCA mới giải quyết được phần nào vấn đề. Theo đó, PCA tuyên bố là tòa có thẩm quyền.

“Như vậy, trước hết có thể khẳng định rằng đối với một số tranh chấp tương tự thì tòa sẽ có thẩm quyền.

Thứ hai, yêu cầu lớn nhất trong yêu sách của Philippines đưa ra trước tòa là yêu cầu tòa phải phán quyết một số vấn đề, trong đó có 2 vấn đề quan trọng:

(i) Đường lưỡi bò phù hợp hay không phù hợp với Công ước Luật Biển. Nếu không phù hợp thì đương nhiên nó vô giá trị.

Nếu tòa đồng ý với yêu sách này của Philippines và đưa ra phán quyết đường lưỡi bò này vô giá trị thì rõ ràng Việt Nam, Indonesia, Maylaysia đều có lợi vì tất cả đều bị đường lưỡi bò xâm phạm.

(ii) Philippines yêu cầu tòa phải giải thích một số thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa là đảo hay đá và nó có vùng đặc quyền kinh tế hay không…Nếu tòa ra phán quyết về vấn đề này thì nó có thể có lợi cho Việt Nam nhưng cũng lại có cái hại cho Việt Nam.

Đó là lý do Việt Nam không thể tham gia vụ kiện cùng Philippines vì nếu Việt Nam và Philippines có cùng điểm chung là cùng kiện đường lưỡi bò nhưng với một số thực thể địa lý thì hai nước có yêu sách đối lập, xung đột nhau, nó có thể có lợi cho Philippines nhưng có hại cho Việt Nam và ngược lại.

Nhưng nếu lần này PCA ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc thì giống như người ta vẫn nói “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, Việt Nam sẽ lợi thế của người đi sau. Nghĩa là với những gì tòa đã phán quyết thì Việt Nam có thể dựa trên những gì Philippines đã chiến thắng để xem xét, còn cái gì tòa không tuyên có lợi cho Philippines thì Việt Nam có thể né tránh nó.

Nếu phán quyết có lợi cho Philippines thì đây sẽ là cơ sở pháp lý để dư luận các nước lên tiếng mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông. Đó cũng là mục đích của Philippines khi tiến hành vụ kiện này”, Ths Hoàng Việt phân tích rõ.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới