Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThầu TQ làm đường ống sông Đà: Điểm yếu Việt Nam

Thầu TQ làm đường ống sông Đà: Điểm yếu Việt Nam

Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn luôn coi nhẹ hợp đồng xây dựng, không quy định cụ thể trách nhiệm giữa hai bên, đó là nhược điểm lớn.

Cần sự vào cuộc của Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng

Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex- Viwasupco, đơn vị chủ đầu tư dự án nước Sông Đà giai đoạn II đã lựa chọn nhà thầu Trung Quốc cung cấp ống gang dẻo cho dự án.

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay trên thế giới các nước phát triển như Mỹ, Đức đã không còn sản xuất ống gang dẻo, Trung Quốc lại là nước có thế mạnh, như vậy, việc Công ty Viwasupco mở thầu cung cấp ống gang dẻo đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho nhà thầu Trung Quốc thắng thầu.

Mặt khác, ống gang dẻo do các nước Mỹ, Nhật Bản sản xuất có giá thành đắt gấp 5 lần so với ống của Trung Quốc, nên với bài toán kinh tế, nên Vinaconex đã lựa chọn ống của Trung Quốc.

Trước những thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 25/3, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu quốc tế một cách nghiêm chỉnh, nhưng với một dự án lớn như vậy cần phải có sự kiểm tra, chỉ đạo của Bộ KH&ĐT.

Cụ thể là kiểm tra quá trình đấu thầu đúng hay không đúng, có hợp lệ hay không?

Mặt khác, ống gang dẻo xưa nay ở Việt Nam cũng dùng rất nhiều, nhà máy cơ khí tại Hà Nội đã từng sản xuất được, nhưng tỷ lệ phế thải quá cao, đúc 2 ống thì mới có 1 ống hợp chất lượng, đường kính nhỏ. Trung Quốc chúng ta không phủ nhận công nghệ đúc ống gang dẻo của họ vẫn được coi là mạnh.

Nhưng sau khi xem xét quá trình chọn thầu, thì phải xem xét hợp đồng có tốt hay không, vấn đề này Bộ Xây dựng phải vào cuộc xem xét, đánh giá.

Bởi hợp đồng trúng thầu hai bên ký kết rất quan trọng, trong đó, vấn đề chất lượng đảm bảo ra sao, tiêu chuẩn của nước nào, đạt yêu cầu hay không. Ống nước sông Đà có đặc điểm áp lực tương đối cao vì muốn đẩy nước đi xa thì phải có áp lực cao, nên cần kỹ thuật tốt.

Thông thường để kiểm tra chất lượng, thì phải đưa sản phẩm thí nghiệm chịu áp lực, kỹ lưỡng theo yêu cầu của chúng ta”.

Bên cạnh đó, theo ông Liêm, chuyện Việt Nam không lựa chọn được ống gang dẻo của Nhật Bản vì giá thành đắt cũng không quá lạ. Ai cũng biết, hàng Trung Quốc vốn dĩ vẫn có giá rẻ hơn so với các nước khác. Nhưng tại sao nó rẻ?

Tất nhiên, vì họ thừa rất nhiều gang thép, thậm chí ế, giá gang thép đang rất hạn. Việt Nam hiện nay đang phải bảo vệ gang thép trong nước bằng cách đánh thuế cao gang thép Trung Quốc nhập khẩu. Thay vì xuất gang thép, họ chuyển sang xuất ống gang dẻo thì cũng là một cách để tránh thuế, vẫn bán được hàng.

Một lý do khác cũng quan trọng, đó chính là, Vinaconex đang lỗ quá nặng vì đường ống nước số 1, nên họ mới tìm đến một loại ống có giá thành phù hợp. Thực ra có thể dùng ống thép, nhưng phải có lớp chống gỉ cả trong lẫn ngoài, chịu được cường độ cao, nhưng giá thành đắt.

“Trong vấn đề chọn thầu có yếu tố tư cách của người tham gia đấu thầu, nên chủ đầu tư phải công bố rõ ràng, không được đưa thông tin chung chung.

Tư cách của nhà thầu này trong quá khứ làm dự án nào thì các chủ dự án đó phải phát biểu, nhưng tôi biết, các dự án đó dù thế nào thì cũng nhỏ hơn dự án đường ống nước sông Đà này”, ông Liêm nhấn mạnh.

Việt Nam vẫn qua loa trong hợp đồng xây dựng

Một vấn đề khác được ông Liêm nhấn mạnh, đó chính là hiện nay tất cả các hợp đồng xây dựng của Việt Nam làm rất qua loa. Nếu như các nước là một quyển sách có dự kiến toàn bộ các sự cố có thể xảy ra, giải quyết ra sao, ghi trong hợp đồng hết, cứ sai cái gì thì cứ thế mà làm.

Bên A chậm thanh toán, chất lượng kém thì phải ra sao, hợp đồng kinh tế phải như vậy, như Việt Nam chỉ vài trang.

Đây là nhược điểm lớn nhất của chủ đầu tư Việt Nam, họ coi hợp đồng như một bản thỏa thuận, chứ không phải là một văn bản pháp lý, trong khi trên thế giới, họ coi đó là văn bản pháp lý để ràng buộc.

“Thực ra sản xuất ống gang dẻo có 2 cách, một là đúc thẳng đứng, hai là đúc ly tâm, cách này chất lượng rất tốt nhưng đắt vì quy trình sản xuất hiện đại. Nên phải xem xét cụ thể, ống gang dẻo được sản xuất theo cách nào, chất lượng cụ thể ra sao”, ông Liêm chỉ rõ.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám – Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Thường thì những người thiết kế ban đầu của hồ sơ thầu sẽ phải xem xét về cấu tạo của chất liệu làm ống, chất liệu nào phù hợp với địa hình địa chất, đó mới là yếu tố quan trọng.

Khi đó, trong quá trình đấu thầu, nhà cung cấp phải có thông số đầy đủ, thành phần cấu tạo ra sao, có thể hòa tan trong nước hay không, phía kiểm nghiệm của nhà nước phải có trách nhiệm đánh giá. Từ trước đến nay đó là quy trình bắt buộc.

Có hai giả thiết ở đây được đặt ra, một là, dự án ban đầu người thiết kế đã có tính toán ban đầu, là lựa chọn ống gang dẻo vì phù hợp với địa hình, địa chất, sau đó tiến hành đấu thầu ống gang dẻo, nhưng vô tình nhà thầu trúng lại là Trung Quốc.

Hai là, có thể chủ trương ngay từ đầu là lựa chọn nhà thầu Trung Quốc nên đặt ra tiêu chí loại ngay các nhà thầu khác. Nhưng ở đây, có lẽ nghiêng về giả thiết đầu tiên hơn”.

Tuy nhiên, việc Vinaconex chọn gói thầu giá rẻ cũng không quá ngạc nhiên, vì có liên quan đến lợi ích kinh tế. Chúng ta vẫn nói của rẻ là của ôi, hơn nữa có quá nhiều công trình nhà thầu Trung Quốc hiện nay đội vốn, kém chất lượng, thậm chí chết người.

Vì thế, nên nếu tỉnh táo ra, đơn vị kiểm định chất lượng, đơn vị nhận thầu phải nêu tiêu chí rõ ràng, yêu cầu nhà thầy phải đáp ứng yêu cầu gì, nếu khẳng định đáp ứng được thì đưa về là kiểm định, không đúng thì trả.

Phải kiểm định rất cẩn thận chứ không được nghe vài câu quảng cáo của nhà thấu mà “đẽo cày giữa đường” là khó chấp nhận.

RELATED ARTICLES

Tin mới