Ông Dương Trung Quốc đề nghị công khai tên đại biểu khi biểu quyết các luật để nhân dân giám sát và có quyết định bầu làm đại biểu khóa sau.
Cuối ngày 28/3, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) bấm nút đăng ký phát biểu lần thứ 2. Ông nói thẳng, từ khi Quốc hội đầu tư công nghệ để khai thác được sự ưu việt (nhanh hơn, chính xác hơn) thì từ một hành vi công khai lại trở thành nửa kín nửa hở.
Trước đây, mỗi lần biểu quyết tại Quốc hội, đại biểu nào đồng ý thì giơ tay, nhưng nay bấm nút thì cử tri không biết chính kiến của những người đại diện cho họ thế nào?
Chính vì thế mới nảy sinh ra hiện tượng đáng phải suy nghĩ rằng tại sao sĩ số thông báo ở trên màn hình mỗi lúc một khác. Bởi vì có người quên bấm hoặc bấm hộ nhau, còn nếu cầm cái biển thì không ai quên, không ai hộ được cả.
Ông Quốc nhấn mạnh: “Như thế là một bước lùi về tính minh bạch mà điều này tôi đã nêu vấn đề từ nhiệm kỳ khóa XII, kể cả nhiệm kỳ này chúng tôi đã nhiều lần phát biểu trên nhiều diễn đàn khác nhau, kể cả chất vấn Quốc hội, gửi cho Ủy ban thường vụ Quốc hội mà không hề được trả lời.
Chúng ta vẫn kéo dài tình trạng như thế này thì tôi cho rằng không ổn. Người dân không biết được chính kiến của đại biểu thì làm sao họ có thể phán quyết tín nhiệm hay không tín nhiệm. Vì thế, chúng tôi đề nghị sớm khắc phục việc này”.
Ông Dương Trung Quốc dẫn chứng, nhìn sang các quốc gia khác, đôi khi họ còn giữ rất nhiều truyền thống, rất thô sơ nhưng rất minh bạch. Thí dụ, Hạ viện Anh, ai đồng ý thì ra mở cửa, ai không đồng ý thì ra mở cửa khác và ký vào biên bản.
Biên bản được để ngay trong hành lang Quốc hội để bất kỳ ai cũng có thể đến giám sát được ngày ấy, giờ ấy, kể cả trước đây cả thế kỷ thông qua đạo luật ấy, chính kiến của mỗi thượng nghị sỹ như thế nào.
“Tôi cho đây là vấn đề không đơn giản, nhưng nó mang tính nguyên tắc. Chúng ta sớm khắc phục việc này bằng việc ứng dụng công nghệ, nhưng mục đích cuối cùng phải là công khai.
Điều đó giúp người dân giám sát được hành vi chính kiến của từng đại biểu Quốc hội để họ quyết định có tiếp tục tín nhiệm ở nhiệm kỳ sau đấy nữa hay không”, ông Quốc chốt lại.
Xây dựng luật, không để lợi ích nhóm
Cũng đề cập tới công tác xây dựng pháp luật, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) chỉ rõ, khi xây dựng luật có độ chênh so với Hiến pháp 2013, thậm chí có trường hợp Hiến pháp quy định còn chi tiết hơn làm luật. Có trường hợp khi làm luật Hiến pháp quy định quyền công dân, quyền con người có 3 điểm, khi làm luật lấy 2 điểm, còn bỏ bớt 1 điểm.
Do chưa có Tòa án Hiến pháp, Quốc hội phải là cơ quan giám sát việc thi hành Hiến pháp thông qua giám sát việc soạn thảo các đạo luật.
Ông Nghĩa nói: “Việc soạn thảo luật hiện nay chủ yếu giao cho hành pháp, trong không ít trường hợp việc soạn thảo thể hiện và nhiều khi rất tinh vi lợi ích và sự thuận lợi cho hành pháp và cho quản lý hành chính.
Có những trường hợp do không giám sát kỹ nên trong một số luật đã có kẽ hở, những vùng xám rất tiện lợi cho sự tùy tiện, nhũng nhiễu của các cán bộ công chức quản lý hành chính, gây cho nhân dân, cho doanh nghiệp rất nhiều bất bình và bức xúc.
Có những trường hợp, sau khi Quốc hội đã thảo luận ở hội trường đã nhất trí, lẽ ra chỉ cần chỉnh sửa về ngữ pháp, chính tả, nhưng khi đưa ra bấm nút thì lại thấy có những thay đổi về ý tứ và nội dung. Điều này, tôi cho rằng không thể chấp nhận được.
Do đó, chúng tôi đề nghị tới đây Quốc hội, các Ủy ban và các đại biểu phải đầu tư nhiều công sức hơn trong quá trình làm luật. Phải bảo đảm các đạo luật tuân thủ tinh thần và lời văn của Hiến pháp, nhất là các quan điểm và tư tưởng chủ đạo của Hiến pháp, không để sự len lỏi của những lợi ích nhóm, hoặc những lợi ích ngành làm cho chúng ta bị hạn chế các nội dung và tinh thần của Hiến pháp”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, pháp luật bị vi phạm ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương, mọi cấp độ. ảnh;: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Cũng theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Quốc hội xây dựng luật và Chính phủ thi hành, nhưng khi thi hành thực tế thì Quốc hội cũng phải có trách nhiệm.
Ông Nghĩa phân tích: “Chúng tôi thấy rằng tình hình phạm pháp hiện nay cần phải được báo động. Pháp luật bị vi phạm ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương, mọi cấp độ. Những người đã học luật và đã công tác pháp luật đều biết một quy luật là pháp luật càng chặt chẽ, hoạt động phòng, chống tội phạm càng hiệu quả thì tội phạm càng tinh vi.
Do đó, pháp luật càng phải hoàn thiện hơn và việc phòng, chống tội phạm càng tiến bộ hơn. Đây là một cuộc rượt đuổi mang tính chất quy luật, pháp luật phải nhanh hơn, phải cao hơn, phải mạnh hơn tội phạm thì mới bảo vệ được con người, bảo vệ trật tự xã hội.
Ở nước ta, tôi thấy tội phạm không cần tinh vi, rất trắng trợn, rất công khai kéo dài.
Ví dụ, vấn đề khai thác cát, phá rừng không phải là chuyện qua đêm, xây những tòa nhà này, tòa nhà kia, xây những khu biệt thự mấy chục căn, tầng suất rất thường xuyên và quy mô ngày càng lớn.
Do đó, chúng tôi thấy đây là một tình hình đi ngược lại ở nhiều quốc gia, chúng ta phải suy nghĩ nguyên nhân nó nằm ở chỗ nào.
Chúng tôi cho rằng công tác phòng, chống tội phạm vừa rồi của chúng ta phải xem lại. Người ta vi phạm pháp luật, người ta không còn sợ.
Chúng ta nói rất nhiều về tai nạn giao thông, về vi phạm giao thông. Ở mọi thành phố, trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, người đi bộ phải bước xuống lòng đường để đi, đi trên vỉa hè lơ mơ những người buôn bán mắng, thậm chí cho người đánh. Tôi đề nghị Quốc hội phải suy nghĩ”.
Ông Nghĩa cũng nêu ra một cảm nhận rằng, hãy thử làm dân thường một vài ngày, một vài giờ thì sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm, tài sản của người dân dễ bị xâm phạm và dễ bị xúc phạm như thế nào.
“Hiện nay, đất nước ta kém an toàn hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây. Nhiệm vụ của Quốc hội không chỉ làm luật mà còn giám sát thi hành pháp luật.
Do đó, tôi đề nghị Quốc hội khóa XIV phải tăng gấp đôi hoạt động giám sát thi hành pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự hạnh phúc và sự an toàn của người dân”, ông Nghĩa nói.