Những điều học được ở Quốc hội không trường lớp nào có thể dạy, giúp đại biểu có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về những vấn đề của xã hội, của đất nước.
Những bài học từ nghị trường
Thực ra, bà Trần Thị Diệu Thúy, nữ ĐBQH của TP Hồ Chí Minh được nhắc đến ở kỳ 1 đã bị “mắng oan”. Bởi lẽ, làm đại biểu là một công việc, một nghề đặc thù, thậm chí rất đặc thù, không nơi nào dạy cả, phải học là chuyện dễ hiểu. Một giáo sư, tiến sỹ nổi tiếng, hay là một luật sư, nhà kinh tế đại tài thì đều bỡ ngỡ như vậy khi mới bước chân vào Quốc hội, dù ở Việt Nam hay Úc, Anh, Đức, Pháp.
Theo một vị GS nguyên là Chủ tịch Nghị viện bang Victoria, Úc, dù có xuất thân nghề nghiệp nào hay có kinh nghiệm chính trường nào, các nghị sỹ đều nhận thấy vai trò của họ khác xa trước kia. Những kinh nghiệm trước đây về nghề nghiệp, chính trường, cuộc sống mà họ mang theo chỉ có giá trị phần nào ở nghị trường, vì vậy mà họ phải học làm nghị sỹ.
Ở Tây đã vậy, ở ta càng phải học làm đại biểu, nhất là trong bối cảnh nặng cơ cấu trong bầu cử như hiện nay. Chỉ có điều, các đại biểu có chịu khó học hỏi hay không mà thôi. Ví dụ như tham gia các khóa tập huấn, các hội nghị góp ý dự thảo luật, lắng nghe ý kiến chuyên gia, người trong ngành, tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp có kinh nghiệm. Từ đó mới rút ra ý kiến, quan điểm của mình về từng vấn đề. Cả cách chuyển tải quan điểm đó trong vòng 7 phút làm sao cho thuyết phục nhất; đặt câu hỏi chất vấn cũng là những điều phải học hỏi và hoàn thiện “từng chút một”.
Tham gia các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, theo đuổi giải quyết các vấn đề cử tri nêu, đọc một dự toán ngân sách nhà nước, phát hiện những vấn đề chính sách đàng sau câu chữ của luật – tất cả những việc này đều phải có kỹ năng qua học hỏi, rèn luyện, tích lũy.
Chính vì vậy, nhiều ĐBQH, dù là nữ ĐBQH trẻ Trần Thị Diệu Thúy của khóa XIII, hay ĐBQH kỳ cựu của khóa XI, XII Nguyễn Minh Thuyết đều cho biết, Quốc hội như một trường học lớn; 5 năm ở Quốc hội giống như một chương trình học nâng cao.
Những điều học được ở Quốc hội không trường lớp nào có thể dạy, giúp đại biểu có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về những vấn đề của xã hội, của đất nước. Và bà Trần Thị Diệu Thúy (nay là Bí thư quận ủy ở TP Hồ Chí Minh) đã học được bài học cốt lõi nhất về hoạt động của ĐBQH: “Trong giải quyết công việc tôi thấy mình có xu hướng nghiêng về ý chí, nguyện vọng của người dân, mình nhìn được người dân cần gì, mong muốn điều gì. Có lẽ một phần đó cũng từ những điều mình tích lũy được trong thời gian làm đại biểu nhân dân”.
Đó chính là làm hài lòng cử tri và bảo vệ lợi ích tổng thể của quốc gia, và đôi khi phải dung hòa một cách khó khăn giữa hai dạng lợi ích này. Như nhiều ĐBQH cả đương nhiệm, cả đã về hưu chia sẻ, ĐBQH phải đặt lợi ích nhân dân lên trên hết chứ không phải vì sợ đụng chạm, cả nể rồi không nói gì cho đến hết cả nhiệm kỳ. Nhất là “nếu thu mình trong vỏ lợi ích thì làm ĐBQH sao được!” Hy vọng rằng, nhiều ĐBQH khác học được bài học này và những bài học khác từ nghị trường, dù họ có tiếp tục làm đại biểu hay chuyển sang công việc khác.
Lời nhắn của cử tri
Nhìn lại 5 năm đã đi qua, cử tri mong chờ mỗi ĐBQH hãy tự cật vấn mình đã làm gì tốt nhất cho quyền lợi của cử tri, lợi ích của quốc gia, của xã hội. Dù phát biểu gì, làm gì, ĐBQH sau đó có thể tự hào rằng đã đã làm đúng những gì bản thân cho là tốt nhất, hướng đến lợi ích chung của quốc gia và lợi ích của cử tri, chứ không phải vì lợi ích riêng tư.
Tình cờ xem lại các tài liệu từ cách đây 15 năm, vào dịp kết thúc Quốc hội khóa X, những cái tên đại biểu được nhắc đến hồi ấy giờ hầu như đã biến mất khỏi tâm trí. Thậm chí dù đã rất cố gắng, tôi vẫn không thể nhớ được nét mặt, những lời phát biểu của rất nhiều đại biểu.
Hy vọng rằng 15 năm nữa, những cử tri hiện giờ sẽ vẫn nhớ tới đại biểu của mình trong khóa XIII, qua những gì đại biểu đã nói, đã làm được cho cử tri, cho đất nước.