Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThổ Nhĩ Kỳ hứng chịu cơn giận của Nga

Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu cơn giận của Nga

Dù có những động thái nhún nhường, muốn nối lại quan hệ hợp tác nhưng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hứng chịu cơn giận dữ của Nga.

Nga tố Thổ Nhĩ Kỳ tuồn vũ khí cho IS

Truyền thông Nga đưa tin, ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, đã gửi lá thư gửi lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho tổ chức khủng bố IS.

“Nhà cung cấp chính các loại vũ khí và thiết bị quân sự cho chiến binh IS là Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã làm vậy thông qua các tổ chức phi chính phủ. Hoạt động này được giám sát bởi tổ chức tình báo quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Vitaly Churkin tuyên bố.

Theo tiết lộ của ông Churkin, thiết bị quân sự chủ yếu là các phương tiện vận chuyển bao gồm một phần đoàn hộ tống cứu trợ nhân đạo. Báo cáo của Nga gửi lên Liên Hợp Quốc cũng đề cập tới một số tổ chức phi chính phủ do Thổ Nhĩ Kỳ và nước ngoài tài trợ đã gửi các kiện hàng bao gồm thiết bị quân sự tới Syria vào năm ngoái.

“Besar là tổ chức hoạt động tích cực nhất để theo đuổi những mục tiêu này. Trong năm 2015, Besar đã tổ chức khoảng 50 đoàn xe tới khu vực của người Turkmen ở Bayirbucak và Kiziltepe, cách thủ đô Damascus của Syria khoảng 260 km”, ông Churkin nhấn mạnh.

Ngoài ra, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, những kẻ khủng bố trong những tháng gần đây nhận được nhiều loại thiết bị quân sự “khủng” như hệ thống tên lửa chống tăng TOW, súng phóng lựu RPG-7, súng không giật M-60, và lựu đạn… Bên cạnh đó, Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã để cho số chất nổ và hóa chất trị giá khoảng 1,9 triệu USD được tuồn trái phép qua biên giới với Syria.

Thực tế, quan hệ giữa Ankara và Moskva xấu đi kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tháng 11 năm ngoái bắn hạ máy bay Su-24 của Nga, khiến điện Kremlin áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế với Ankara, chủ yếu nhắm vào ngành du lịch và nông nghiệp. 

Vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải một video cho thấy những đoàn xe tải chở dầu đang lưu thông và neo đậu bất hợp pháp tại khu vực trạm kiểm soát Reyhanli trên biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ mà không có chút trở ngại nào.

Ngoài ra, điện Kremlin cũng tổ chức họp báo và công bố những bằng chứng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng mua dầu chính của IS. Con trai Tổng thống Erdogan bị cho là có liên quan.

“Theo dữ liệu của chúng tôi, giới lãnh đạo chính trị cao nhất của nước đó – Tổng thống Erdogan và gia đình ông ta – có liên quan tới hoạt động kinh doanh phi pháp này”, Thứ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov nói.

Tuy nhiên chính quyền Erdogan đã lên tiếng bác bỏ điều này, đồng thời khẳng định đang nắm trong tay các bằng chứng về việc Nga buôn bán dầu mỏ với phiến quân IS.

Ngấm ngầm

Những cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho IS được đưa ra trong bối cảnh Ankara đang có dấu hiệu muốn làm hòa và bình thường mối quan hệ với Nga. Giới phân tích cho rằng, điều này đã cho thấy lập trường cứng rắn của điện Kremlin. Dù chính quyền Erdogan có nhún nhường nhưng nước này vẫn sẽ phải hứng chịu những cơn giận dữ của Moskva.

Mới đây, phát biểu bên lề một cuộc họp của Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, được tổ chức tại Istanbul, ông Mustafa Elitas, Bộ trưởng Kinh tế nước này đã bày tỏ tin tưởng rằng đây là thời điểm thích hợp để Moskva và Ankara hàn gắn, cải thiện quan hệ thương mại song phương, sau những căng thẳng kéo dài trước đó.

“Mối quan hệ của chúng tôi với Nga chắc chắn sẽ được cải thiện, một cái gì đó phải được thực hiện thông qua các nỗ lực chung giữa Ankara và Moskva”, ông Mustafa Elitas nhấn mạnh.

Tho Nhi Ky hung chiu con gian cua Nga
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hứng chịu cơn giận dữ của Nga.

Thậm chí truyền thông Ankara còn dồn dập đưa tin về việc giới chức nước này đã tiến hành bắt giữ Alparslan Celik, kẻ được cho là tay súng bắn chết phi công Nga nhảy dù khỏi chiến đấu cơ trúng tên lửa gần biên giới Syria hôm 24/11/2015.

Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, trái với những kỳ vọng của Thổ Nhĩ Kỳ về việc đẩy mạnh hợp tác với Moskva, chính quyền Erdogan đang tiếp tục hứng chịu cơn giận dữ của Nga sau hàng loạt những hành động gây hấn và gia tăng căng thẳng tại các khu vực trên thế giới.

Đầu tiên phải kể đến lực lượng người Kurd. Dù vừa mới có những động thái nhún nhường điện Kremlin tuy nhiên ngay sau đó, Ankara lại không kích Đảng công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq.

Theo đó, ngày 1/4, các máy bay chiến đấu của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nhiều cuộc không kích ở khu vực miền Bắc Iraq, phá hủy các kho đạn và nơi trú ẩn của PKK bị cấm hoạt động ở nước này.

Trong một tuyên bố phát đi, Ankara nêu rõ bốn máy bay chiến đấu F-16 đã phá hủy các mục tiêu ở vùng Zap vào sáng 1/4. Sau đó, 8 máy bay F-4 tiến hành các cuộc oanh kích ở vùng Metina.

Trước đó, điện Kremlin đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền Erdogan ngừng nã pháo vào các khu vực người Kurd cũng như bày tỏ quan ngại về việc nước này triển khai kế hoạch B đưa quân vào Syria.

Không chỉ thế, Moskva cũng chỉ ra rằng chính quyền Ankara vẫn tiếp tục ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhà cầm quyền Kiev, trong việc phong tỏa bán đảo Crimea, tách ra từ Ukraine và sáp nhập vào lãnh thổ của Nga hồi tháng 3/2014.

Hôm 28/3, chính quyền Crimea đã kêu gọi người dân Nga nên cảnh giác khi qua biên giới để tới bán đảo, bởi đã có những thông tin cho biết rằng, lính đánh thuê của Thổ Nhĩ Kỳ đã tới miền nam Ukraine và đang chuẩn bị phối hợp với các phần tử cực đoan nước này tiến hành các hành động khiêu khích.

Bên cạnh đó, việc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia đột nhiên bùng phát ở vùng đất tranh chấp giữa 2 quốc gia này là nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng, cũng có dấu hiệu cho thấy sự dính líu của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 2/4, người phát ngôn của Tổng thống nước Cộng hòa không được công nhận Nagorno-Karabakh là ông David Babayan tuyên bố, khả năng lớn nhất là chính quyền Erdogan đã dính líu vào việc làm xung đột bùng phát gay gắt tại khu vực này.

“Chúng tôi luôn khẳng định rằng, hành vi đột nhiên gây chiến không thể là sáng kiến thuần túy của Azerbaijan. Xét theo mọi điều, chính quyền Bacu đã có sự hỗ trợ của những thế lực nhất định, cụ thể là của Thổ Nhĩ Kỳ” – ông David Babayan thẳng thắn cáo buộc Ankara.

Có thể thấy rằng, hầu hết tại các điểm nóng trên thế giới đều có bóng dáng của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi các nước đang muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị thì chính quyền Erdogan vẫn ngấm ngầm gây bạo loạn, gia tăng căng thẳng. Đến thời điểm này, không ai có thể cứu được Ankara và việc điện Kremlin nổi giận là điều có thể đoán trước được.

RELATED ARTICLES

Tin mới