Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ, TQ và tự do hàng hải

Mỹ, TQ và tự do hàng hải

Sau một giai đoạn dài kiềm chế, vào ngày 22-1-2016, Mỹ đã lại tiến hành một hoạt động tác chiến Tự do hàng hải trên Biển Đông. Ba tuần sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiếp đón các lãnh đạo nhà nước và chính phủ của các nước thành viên ASEAN tới tham dự một hội nghị tại California thảo luận về khả năng giảm căng thẳng trong khu vực, nơi tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Á về các đảo và nguồn tài nguyên tiếp tục có nguy cơ leo thang hơn nữa.

Thay vì giảm căng thẳng, Trung Quốc lại kích động tranh chấp hơn nữa bằng cách triển khai các bệ phóng tên lửa trên đảo Phú Lâm. Bên cạnh tranh chấp này trong khu vực, Biển Đông cũng trở thành đấu trường cho xung đột chính trị trật tự giữa Bắc Kinh và Washington, trong đó các nguyên tắc về Luật Biển và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được diễn giải theo các cách khác nhau. Tự do hàng hải sẽ được duy trì hay bị hạn chế, câu hỏi này có những hệ quả đáng kể về địa chính trị và chiến lược quân sự.

Vào ngày 27-10-2015, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen (DDG-82) đã đi qua một trong số các tiền đồn được Trung Quốc xây dựng trên Đá Subi (Subi) thuộc Biển Đông với khoảng cách chưa tới 12 hải lý. Rạn san hô này bị Trung Quốc chiếm đóng kể từ năm 1988, hình thành nên tiền đồn xa nhất của Trung Quốc ở phía bắc và nằm gần với Philippines. Kể từ tháng 7-2014, Subi đã được biến đổi thành một căn cứ lớn rộng gần 4km2. Theo quan điểm chính thức của phía Mỹ, hoạt động tác chiến này được miêu tả như là nhiệm vụ thông thường, phù hợp với luật pháp quốc tế. Washington nói rõ rằng, Mỹ không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, hoạt động tự do hàng hải (FON) đã cho thấy Mỹ không sẵn sàng chấp nhận những hạn chế về tự do hàng hải trong khu vực biển này.

Một cuộc tranh luận kéo dài nhiều tháng đã diễn ra trước khi tàu USS Lassen tiến hành hoạt động tuần tra. Các đại diện cấp cao của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ – trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện và Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Carter và Ngoại trưởng Kerry phải có biện pháp chống lại việc thay đổi nguyên trạng trong khu vực. Theo McCain, chính sách kiềm chế có thể là một “sai lầm nguy hiểm”, vì việc này trên thực tế liên quan tới việc công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc (“nếu bạn tôn trọng giới hạn 12 hải lý, trên thực tế là chủ quyền, được công nhận ngầm”).

Thực tế là trong nhiều năm qua, Washington đã phớt lờ các biện pháp cải tạo đất của Trung Quốc trên Biển Đông và những hệ quả của chúng. Việc triển khai tàu USS Lassen là hoạt động FON đầu tiên tại khu vực này kể từ năm 2012. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc hoạt động này sẽ truyền tải thông điệp gì.

Tuy nhiên, do tàu USS Lassen đang hoạt động bên trong khoảng cách 12 hải lý, người ta có thể cho rằng, Mỹ đã công nhận yêu sách của Trung Quốc qua hành động này. Thế nhưng, nhận định này lại mâu thuẫn khi xét tới Luật Biển và địa lý xung quanh, do Đá Subi nằm gần đảo Sơn Ca có một vùng 12 hải lý.

Hoạt động của tàu USS Lassen đã thể hiện rõ rằng, các căn cứ mới được củng cố của Trung Quốc không làm thay đổi nguyên trạng tự do hàng hải. Qua đó, tiền đồn được thiết lập trên một “cấu trúc nửa chìm nửa nổi” được coi như một hòn đảo nhân tạo, không có lãnh hải, mà nhiều nhất chỉ có một khu vực an toàn. Hoạt động của tàu USS Curtis Willbur (DGG-54) vào tháng 1-2016 gần đảo Tri Tôn đã nhằm vào “các tuyên bố chủ quyền quá mức” của Trung Quốc.

Qua việc phớt lờ các tiền đồn được củng cố nhân tạo và các vùng lãnh hải được tuyên bố chủ quyền của chúng, Mỹ đã ngăn chặn việc tuyên bố chủ quyền có thể trở thành quyền sở hữu mới qua thời gian và sự chấp thuận. Việc xây dựng đảo nhân tạo không thể bị cản trở nữa. Nhưng người ta có thể không đồng tình với sự chấp thuận dành cho tuyên bố chủ quyền đối với một hòn đảo, quyền thiết lập các khu vực đặc biệt đi kèm với tuyên bố này và sự hạn chế tự do hoạt động hàng hải bắt nguồn từ đó. Viễn cảnh này cũng có thể xảy ra nếu Trung Quốc đạt được mục tiêu của mình và tới 90% diện tích Biển Đông trở thành lãnh thổ của Trung Quốc. Một diễn biến như vậy sẽ thách thức trật tự tự do hiện nay.

Khác với Trung Quốc, nước đã tham gia UNCLOS kể từ năm 1996, cho tới nay Mỹ vẫn chưa ký công ước này. Vào ngày 10-3-1983, Tổng thống Ronald Reagan đã công bố “Chính sách đại dương của Mỹ”, theo đó quyền tự do hàng hải và hàng không của các nước khác tham gia công ước sẽ được tôn trọng, chừng nào các nước này cũng tôn trọng các quyền và quyền tự do của Mỹ cũng như luật pháp quốc tế. Theo chính sách đại dương này, Mỹ muốn thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không của mình trên khắp thế giới và không chấp nhận các biện pháp đơn phương mà hạn chế các quyền này.

Nguyên tắc cốt yếu cho Luật Biển hiện hành là “biển tự do” (Mare liberum), xuất phát từ cuốn sách cùng tên của nhà triết học Hà Lan Hugo Grotius, người đã miêu tả biển cả như là hàng hóa chung của toàn nhân loại và tất cả mọi người đều được tự do sử dụng biển cả do bản chất của nó. Đối lập với quan điểm này, trong một cuốn sách xuất bản năm 1635, học giả người Anh John Selden lại đưa ra quan điểm rằng, có các tuyên bố về các quyền đặc biệt dưới dạng nguyên tắc “biển đóng” (Mare clausum). Vì rất có khả năng các nước sẽ đòi hỏi và thực thi chủ quyền quốc gia đối với các khu vực trên biển, trong đó các khu vực được tuyên bố chủ quyền sẽ được kiểm soát bằng phương tiện quân sự.

Theo quan điểm của Mỹ, tất cả các quyền và quyền tự do mà phù hợp với luật pháp quốc tế đều có hiệu lực đối với biển, với tư cách là một trong số các hàng hóa công toàn cầu, trong số đó có “quyền qua lại không gây hại”. Kể từ thời xa xưa, các quốc gia ven biển đã đặt một vùng biển giáp với bờ biển của các nước này dưới quyền thực thi pháp lý của họ. Nhưng do tất cả các quốc gia hàng hải có lợi ích trong việc qua lại các vùng biển gần bờ, các tàu thương mại cũng như các tàu chiến của họ đã được hưởng quyền qua lại không gây hại – cho dù là đi qua vùng biển này, đi vào vùng nội thủy của quốc gia ven biển, hay rời khỏi vùng nội thủy. Ngoài ra, quyền này còn giúp giao thông hàng hải quốc tế tránh được các con đường vòng khó khăn và trong một số trường hợp còn nguy hiểm.

Trong bối cảnh này, tự do hàng hải đồng nghĩa với việc các tàu thuyền được phép đi qua lãnh hải rộng 12 hải lý và EEZ rộng 200 hải lý của một quốc gia mà không cần sự cho phép trước đó của nước này (Điều 58 UNCLOS).

Vì vậy, các quy định về quyền qua lại vô hại chỉ được áp dụng trong khu vực lãnh hải (Điều 17 UNCLOS). Các hoạt động quân sự không được phép diễn ra trong lãnh hải một nước khác (các tàu ngầm phải nổi lên và chỉ được phép đi qua khi có treo cờ). Các quy định này ám chỉ rằng trong EEZ, quyền thực hiện các hoạt động quân sự như diễn tập và tập trận, cũng như do thám quân sự cũng được áp dụng như trong vùng biển quốc tế (Điều 87 UNCLOS).

Trung Quốc diễn giải các quy định này hẹp hơn và đồng thời vượt ra ngoài phạm vi của Luật Biển hiện hành. Theo đó, các tàu chiến chỉ được phép đi qua lãnh hải khi có sự cho phép trước đó. Điều này cũng được áp dụng kể cả khi các tàu này tuân thủ “quyền qua lại vô hại”, có nghĩa là ngừng các hoạt động quân sự. Ngoài ra, quy định về “quyền qua lại vô hại” cũng được áp dụng trong EEZ, vốn chỉ được áp dụng trong lãnh hải theo Luật Biển. Sự bổ sung này được biện minh với lý do UNCLOS không có quy định rõ ràng.

Cũng giống như Trung Quốc, nhiều nước khác (trong đó có Malaysia, Ấn Độ, Iran và Sri Lanka) có quan điểm rằng, các quốc gia ven biển phải được phép điều chỉnh hoạt động quân sự tại EEZ của họ. Ba quốc gia Trung Quốc, Triều Tiên và Peru đã can thiệp trực tiếp (trong trường hợp của Trung Quốc, hành động này đã dẫn tới các vụ việc bất ngờ với tàu và máy bay của Mỹ và Ấn Độ). Tổng cộng, các khu vực này chiếm hơn 30% diện tích biển thế giới (gần 40% trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương).

Việc chấp thuận sự tiếp cận riêng đối với các khu vực biển trước đó vẫn được tự do tiếp cận sẽ không chỉ thách thức Luật Biển hiện hành, vốn dựa trên nguyên tắc “biển tự do”, mà còn tạo ra một sự rạn nứt khó thấy trong trật tự toàn cầu. Cuối cùng, “các vùng biển tự do” không còn là điều nghiễm nhiên. Hàng trăm năm trước đã xuất hiện nhiều khu vực biển “đóng” và trong tương lai vịnh Persian hoặc Biển Đông có thể trở thành những vùng biển như vậy.

Trong 35 năm qua, các biện pháp đòi hỏi tôn trọng luật pháp hiện hành này lại không thu hút được sự chú ý, cho dù xét cho cùng chúng là ngoại giao pháo hạm kiểu hiện đại. Do đó, các hoạt động tại Tây Thái Bình Dương do tranh chấp Mỹ – Trung luôn tiềm ẩn nguy cơ đụng độ trên biển và trên không.

Trong tương lai, các hoạt động FON sẽ diễn ra thường xuyên hơn và có quy mô lớn hơn, theo tuyên bố của Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ. Cuối cùng, tự do hàng hải là một nguyên tắc, mà theo quan điểm của một chuyên gia Mỹ về Luật Biển, nguyên tắc này đang bị đe dọa mạnh mẽ như vào thời kỳ chiến tranh tàu ngầm của Đế quốc Đức năm 1915. Việc này không chỉ xoay quanh một số hòn đảo trên biển, mà còn về các nguyên tắc cơ bản và các tuyên bố chủ quyền lịch sử mà tạo nên tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này khiến việc ngăn chặn khả năng leo thang khủng hoảng cũng như tìm ra giải pháp cho tranh chấp trở nên rất khó khăn.

Do Trung Quốc không từ bỏ các tuyên bố của mình và Hải quân Mỹ muốn thực hiện các hoạt động FON thường xuyên hơn, khả năng leo thang tiềm tàng sẽ là một điều bình thường mới trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới