Theo BBC, nhiều nông dân ở tỉnh Chiang Rai phía Bắc Thái Lan đã phản đối việc một công ty đầu tư của Trung Quốc liên tục bơm nước từ sông Ing dẫn đến tình trạng thiếu nước trầm trọng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp địa phương.
Công ty Trung Quốc này rút nước sông để tưới tiêu cho một nông trường trồng chuối rộng 440 hecta của mình ở quận Phray Meng Rai.
Ông Tuanchai Walaiskul, một người nông dân ở khu vực này, nói với tờ The National của Thái Lan rằng ông đã không có nước tưới cho vườn chuối của mình trong vòng 15 ngày vì tình trạng hạn hán do công ty Trung Quốc hút cạn nước sông.
Ngoài ra, người dân Thái Lan ở Phraya Meng Rai lo ngại công ty Trung Quốc có thể sử dụng hóa chất độc hại tại khu vực này.
Người đứng đầu quận Phray Meng Rai, ông Phubet cho biết đã liên lạc với công ty kia và yêu cầu ngừng việc bơm nước sông, cũng như hỗ trợ người dân đi thử máu và kiểm tra vệ sinh môi trường.
Nói không với đầu tư Trung Quốc
Theo Hội đồng đầu tư Thái Lan, Trung Quốc là nước đầu tư lớn thứ tư vào nước này.
Chính phủ Thái Lan từng tuyên bố năm 2016 là “Năm Thúc đẩy Đầu tư Đặc biệt” đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều chính sách đặc quyền thúc đẩy đầu tư được đưa ra như giảm một nửa giá thành bất động sản, đẩy nhanh hợp tác công tư (gọi tắt là PPP), cũng như rất nhiều cắt giảm và miễn trừ khác về thuế.
Tuy nhiên hôm 26/3, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã quyết định nói không với đầu tư Trung Quốc.
Theo The National Thái Lan sẽ tự thực hiện dự án đường sắt cao tốc từ thủ đô Bangkok lên tỉnh Nakhon Ratchasima, chứ không hợp tác với Trung Quốc như dự kiến.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, ông Sansern Kaewkamnerd nói Thái Lan từ chối vốn đầu tư nhưng vẫn thuê nhà thầu Trung Quốc được chính phủ nước đảm bảo để thực hiện một phần trong dự án hợp tác đường sắt Thái-Trung.
Dùng nguồn nước làm công cụ chính trị
Trên tờ Nikkei Asian Review hôm 16/3, Giáo sư Brahma Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, Ấn Độ, cho rằng việc Trung Quốc kiểm soát nguồn nước cung cấp nước ngọt cho các quốc gia láng giềng đã trở thành một công cụ chính trị.
Bắc Kinh muốn dùng công cụ này để gây tác động đến chính sách của các quốc gia láng giềng ở hạ nguồn sông Mê Kông cũng như Trung Á. Do đó, các quốc gia này đối mặt với việc chịu ảnh hưởng nặng nề và phải thận trọng khi cùng khai thác nguồn nước với Trung Quốc, Giáo sư Chellaney nhận định.
Trong khi đó, tại Diễn đàn Bác Ngao trên đảo Hải Nam ngày (22-24/3/2016), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng “khu vực Lan Thương – Mekong là ngôi nhà chung“, và các nước láng giềng “là một gia đình“.
Tham gia diễn đàn này có phái đoàn từ Việt nam do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh dẫn đầu.