Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông chia rẽ hội nghị ngoại trưởng G7

Biển Đông chia rẽ hội nghị ngoại trưởng G7

Cuộc họp bắt đầu với lời kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng các nước tham dự hội nghị đang bất đồng sâu sắc với những căng thẳng trên Biển Đông.

Hôm 10/4, Bộ trưởng Ngoại giao của nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới bắt đầu nhóm họp tại Hiroshima (Nhật Bản) với lời kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, người chủ trì cuộc họp thường niên kéo dài hai ngày, tuyên bố các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về an ninh hàng hải.

“Tôi hy vọng một thông điệp mạnh mẽ về hòa bình, ổn định và thịnh vượng sẽ được truyền tới cả thế giới tại hội nghị ngoại trưởng các nước G7 ở Hiroshima”, ông Kishida nói tại phiên khai mạc hội nghị.

Phía Trung Quốc lập tức cảnh báo “những mối quan tâm thích đáng” có thể bị lu mờ bởi việc Nhật Bản đẩy vấn đề Biển Đông trở thành chủ đề then chốt của chương trình nghị sự, Reuters đưa tin.

Phía Nhật Bản hy vọng, các bộ trưởng G7 sẽ lên tiếng phản đối các hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng của các vùng biển cũng như khuyến khích phương Tây góp tiếng nói nhiều hơn để thay mặt các nước Đông Nam Á đang có lợi ích ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của các bộ trưởng ngoại giao G7.

Theo Bắc Kinh, việc Nhật Bản đề cập tới những tranh chấp trên biển là “sự khiêu khích” làm ảnh hưởng tới “những mối quan tâm thích đáng hơn”.

Trung Quốc cũng yêu cầu Nhật Bản đưa vấn đề Biển Đông khỏi chương trình nghị sự.

Sự đối đầu trên biển, đặc biệt giữa Trung Quốc và Mỹ, đang gây ra những căng thẳng ngày càng lớn.

Mỹ đã tăng cường chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như tiến hành các cuộc tuần tra, giám sát nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên tuyến hàng hải huyết mạch.

Các nước châu Âu cũng kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế.

Đáp trả, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo việc đưa vấn đề Biển Đông ra Hội nghị G7 sẽ không mang lại giải pháp.

Trả lời tờ Tân Hoa Xã, ông Vương cho rằng mục đích thực sự của Nhật Bản khi đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị bộ trưởng các nước G7 là để khiêu khích phương Tây chống lại Trung Quốc.

Trong sự kiện năm 2015 diễn ra tại Lubeck, Đức, Ngoại trưởng G7 đã ban hành tuyên bố chung về an ninh hàng hải, trong đó kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các phán quyết của tòa án liên quan tới an ninh hàng hải cần được tôn trọng. Trung Quốc và các hành động của Bắc Kinh không được nêu đích danh trong tuyên bố chung.

Trung Quốc đang nỗ lực tiến hành các hoạt động cải tạo, quân sự hóa trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền, nơi Bắc Kinh tuyên bố sở hữu hơn 80% diện tích.

Bắc Kinh cũng mâu thuẫn với Nhật Bản ở Hoa Đông quanh nhóm đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Bản đồ các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn, bãi Chữ Thập và đá Châu Viên. Đồ họa: NASA

Bản đồ các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn, bãi Chữ Thập và đá Châu Viên. Đồ họa: NASA

 

RELATED ARTICLES

Tin mới