Giữa tháng 3/2016 chứng kiến hai vụ việc liên quan đến tàu cá của Trung Quốc mở rộng hoạt động đánh bắt xuống phía nam Biển Đông gây ra căng thẳng với nước trung lập Indonesia và nước kín tiếng Malaysia.
Vụ việc thứ nhất xảy ra vào ngày 19/3/2016 khi lực lượng tuần tra Indonesia phát hiện tàu cá 200 tấn Kway Fey 10078 của Trung Quốc tại vị trí 05°05’866” Vĩ độ Bắc/109°07’646” Kinh độ Đông, cách đảo Natuna 4,34 km, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Sau đó, tàu tuần tra của Bộ nghề cá và hải sự Indonesia mang số hiệu KP HIU 011 được điều đến và bắt giữ tàu cá của Trung Quốc cùng tám thuyền viên và hộ tống tàu này về vùng biển Natuna để tiếp tục điều tra. Chiều ngày hôm sau, 20/3, một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào chiếc tàu cá của Trung Quốc để ngắt máy và ngăn lực lượng tuần tra Indonesia lai dắt tàu cá này vào nội thủy của Indonesia. Sau đó, một tàu hải cảnh khác của Trung Quốc đến ép tàu tuần tra của Indonesia thả tàu cá của Trung Quốc. Để tránh va chạm, lực lượng tuần tra Indonesia đã thả tàu cá của Trung Quốc nhưng bắt giữ tám thuyền viên để điều tra xét xử.
Vụ việc làm dấy lên căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc trong những ngày tiếp theo. Ngày 21/3, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi triệu tham tán công sứ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta Sun Weide để phản đối hành động của Trung Quốc, bác bỏ lập luận của Trung Quốc là vụ việc xảy ra trong vùng đánh cá truyền thống của Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc giải thích về vụ việc cũng như ý nghĩa của cụm từ “khu vực đánh cá truyền thống” mà phía Trung Quốc đề cập. Ngoại trưởng Marsudi cũng cho biết nỗ lực ngoại giao của Indonesia đã bị hủy hoại, mặc dù Indonesia và Trung Quốc có quan hệ tốt nhưng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) phải được tôn trọng. Bà Marsudi cũng cho biết Indonesia đã gửi công hàm phản đối hành động của Trung Quốc với 3 điểm: (i) Chính phủ Indonesia phản đối các hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Indonesia ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; (ii) Indonesia phản đối sự vi phạm của lực lượng chấp pháp của Indonesia can thiệp vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; (iii) Chính phủ Indonesia phản đối sự vi phạm của tàu hải cảnh Trung Quốc vào chủ quyền trong lãnh hải của Indonesia. Trong khi đó, Bộ trưởng Nghề cá và Hải sự Susi Pudjiastudi chỉ trích hành động của Trung Quốc là ngạo mạn, phương hại đến cuộc chiến chống đánh bắt cá trái phép của Indonesia và yêu cầu chính phủ Trung Quốc trao tàu cá vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền Indonesia.
Vụ việc thứ hai xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ngoài khơi bãi cạn Nam Luconia. Chỉ trong ba ngày từ 24-27/3/2016, khoảng 100 tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần bãi cạn Nam Luconia sau đó được tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống rút ra hết. Điểm thú vị là khi Malaysia phát hiện sự diện diện của các tàu cá của Trung Quốc và điều máy bay ra giám sát thì các tàu cá của Trung Quốc giấu hết cờ và số hiệu tàu để cơ quan chấp pháp Malaysia không nhận diện được các tàu này thuộc về nước nào. Khi cơ quan chấp pháp Malaysia liên lạc với các tàu này qua kênh radio để kiểm tra danh tính các tàu thì không có trả lời. Sau đó, toàn bộ các tàu cá này được tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống rút hết ra khỏi vùng biển của Malaysia. Malaysia sau đó triệu Đại sứ Trung Quốc tại Kuala Lumpur để phản đối và yêu cầu giải thích về vụ việc.
Việc các tàu cá Trung Quốc mở rộng hoạt động xuống phía nam Biển Đông vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và Malaysia được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng từ cá cho hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc vì các khu vực biển gần Trung Quốc bị đánh bắt quá mức. Bên cạnh đó, hành động này còn nằm trong âm mưu của Trung Quốc lấn chiếm không gian biển và mở rộng khu vực tranh chấp ở Biển Đông thông qua công cụ là các tàu cá dân sự.
Thập kỷ qua Trung Quốc sử dụng các tàu cá để tăng cường hiện diện ở các vùng nước tranh chấp như là tai mắt cho các tàu hải cảnh và tàu chiến. Việc này được giới lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ và khuyến khích. Năm 2013, Tập Cận Bình thăm làng chài Đàm Môn (Tanmen) ở Hải Nam và phát biểu rằng nhiệm vụ của ngư dân của Trung Quốc không chỉ là các hoạt động đánh bắt cá trong khu vực mà còn cả việc thu thập thông tin đại dương, cũng như hỗ trợ các hoạt động xây dựng cải tạo đảo và bãi đá của chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, tờ Straits Times của Singapore gần đây cho biết ngư dân của Trung Quốc còn được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính (khoảng 27.700 USD) để ra đánh bắt ở khu vực tranh chấp, nhất là ở Trường Sa và bất kể là đánh bắt được cá hay không.
Không những được chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ tài chính, các tàu cá của nước này còn được các tàu hải cảnh bảo vệ để vươn xa. Hai vụ việc với Indonesia và Malaysia cho thấy rõ sự phối hợp và hỗ trợ hoạt động của tàu hải cảnh cho các tàu cá của Trung Quốc. Các tàu cá của Trung Quốc hoạt động có tổ chức hơn. Không những thế, các tàu cá của Trung Quốc còn được đào tạo, huấn luyện để trở thành lực lượng “dân quân biển” như là cánh tay nối dài của hải quân Trung Quốc tham gia vào các hoạt động quân sự và bán quân sự ở Biển Đông. Ví dụ, lực lượng dân quân biển Đam Châu (Danzhou) ở bờ biển phía tây Hải Nam tham gia vào cuộc xâm lược Hoàng Sa năm 1974. Lực lượng dân quân biển ở làng chài Đàm Môn ở Hải Nam thành lập năm 1985 cung cấp vật tư thiết bị cho các đơn vị đồn trú của Trung Quốc ở Trường Sa và trực tiếp tham gia vào vụ Scarborough năm 2012 với Philippines. Trong khi đó, lực lượng dân quân biển Tam Á (Sanya) thuộc công ty đánh bắt cá Phú Cương (Fugang) ở bờ biển nam Hải Nam thành lập năm 2001 tham gia vào việc ngăn chặn tàu Impeccable của Mỹ năm 2009 và vụ HD981 năm 2014. Ngoài ra còn có lực lượng dân quân biển ở “thành phố Tam Sa” (Sansha) thành lập năm 2013 được cho là can dự vào các hoạt động xung quanh Hoàng Sa.
Rõ ràng, lực lượng tàu cá của Trung Quốc hoạt động phi pháp ở vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ven biển khác, nơi mà Trung Quốc không có bất cứ quyền nào chiểu theo các quy định của luật pháp quốc tế đương đại. Điều 56 của UNCLOS 1982 quy định các quốc gia ven biển có đặc quyền liên quan đến khai thác các loại tài nguyên sinh vật hoặc phi sinh vật. Trong khi đó, Điều 62 của UNCLOS 1982 quy định công dân của các quốc gia khác (trong trường hợp này là ngư dân Trung Quốc) khi tiến hành đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác (Indonesia và Malaysia) phải tuân theo các biện pháp bảo tồn và các thể thức, các điều kiện khác được đề ra trong các luật và quy định của nước ven biển khác (Indonesia và Malaysia). Hay nói cách khác, điều kiện tiên quyết là ngư dân Trung Quốc phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền của Indonesia và Malaysia mới được đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước này. Cả hai vụ việc đều cho thấy không có ngư dân nào của Trung Quốc có giấy phép của Indonesia và Malaysia.
Ngoài ra, cái gọi là “vùng đánh cá truyền thống” mà Trung Quốc viện dẫn để bảo vệ cho hành động đánh bắt cá phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác xuất phát từ “yêu sách lịch sử” mà nước này vẫn thường tuyên bố.
Lập luận thường thấy là Trung Quốc yêu sách theo khám phá và kiểm soát hòa bình không bị gián đoạn đối với các đảo và vùng biển xung quanh các đảo đá ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nguyên tắc và khái niệm pháp lý về chủ quyền bao gồm mối liên hệ lịch sử với lãnh thổ không được quy định cụ thể trong UNCLOS 1982. Trung Quốc không thể có yêu sách lịch sử đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vì cả hai khái niệm này đều là khái niệm hiện đại (Khái niệm thềm lục địa lần đầu tiên được Tổng thống Mỹ Truman nêu ra năm 1945, còn khái niệm vùng đặc quyền kinh tế đến năm 1982 mới được chính thức pháp điển hóa trong UNCLOS 1982). Mặc dù UNCLOS 1982 đề cập đến “vịnh lịch sử” và “danh nghĩa lịch sử” trong một số điều khoản nhưng liên quan đến hoạch định ranh giới lãnh hải, không có danh nghĩa lịch sử đối với việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trong trường hợp Trung Quốc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các thực thể nước này chiếm đóng ở Trường Sa là “đảo” theo Điều 121 của UNCLOS 1982 thì yêu sách vùng biển các đảo phải xuất phát từ nguyên tắc đất thống trị biển. Trong khi vấn đề chủ quyền với các thực thể này còn mập mờ (vì Trung Quốc chiếm bằng vũ lực năm 1988), vấn đề về quy chế pháp lý của các thực thể này cũng chưa rõ ràng vì chưa xác định được đó là “đảo”, “đá” hay bãi cạn nửa chìm nửa nổi. Nếu là đảo có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì mới xác định có chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Malaysia và Indonesia hay không. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Trung Quốc không thể có chủ quyền đối với Trường Sa do lần đầu tiên Trung Quốc đặt chân lên Trường Sa năm 1988 là do việc sử dụng vũ lực chiếm đóng một số thực thể do Việt Nam đang quản lý.
Ngoài ra, quyền lịch sử là khái niệm thiếu tính chắc chắn trong việc áp dụng và chưa được chấp nhận rộng rãi. Chưa có trường hợp tiền lệ nào trong luật quốc tế về quyền lịch sử theo kiểu mà Trung Quốc tuyên bố, trong khi các nước láng giềng ven Biển Đông phản đối, bao gồm Malaysia và Indonesia.
Như vậy, việc các tàu cá của Trung Quốc mở rộng hoạt động xuống phía nam Biển Đông, xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Indonesia là phi pháp. Indonesia có quyền bắt giữa và xét xử theo luật pháp của Indonesia phù hợp với luật quốc tế. Malaysia có quyền thực thi luật pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hơn nữa, Trung Quốc đã đi quá xa khi đẩy Indonesia, quốc gia trước nay luôn giữ vai trò trung lập vì không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, và Malaysia thì luôn theo đuổi cách tiếp cận “kín tiếng” tránh va chạm với Trung Quốc vào tình thế buộc phải mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ tài nguyên và quyền lợi biển của mình. Trong khi Indonesia và Malaysia luôn giữ quan hệ tốt và theo đuổi cách tiếp cận an toàn ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng yêu sách mà không đếm xỉa đến lợi ích của Malaysia và Indonesia. Do đó, Malaysia và Indonesia chắc chắn sẽ xem xét và điều chỉnh chính sách của mình, quyết liệt và cứng rắn hơn trong việc đối phó với Trung Quốc, liên kết chặt chẽ hơn với các nước yêu sách khác ở Đông Nam Á, thúc đẩy lập trường chung thống nhất trong ASEAN và lôi kéo các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông để ép Trung Quốc thay đổi lập trường và hành động ở Biển Đông, hạn chế các hành động đơn phương xâm lấn vào vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước láng giềng ven biển khác.