Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBãi cạn Scarborough, mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc?

Bãi cạn Scarborough, mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc?

Đứng trước những diễn biến mới của tình hình ở khu vực Biển Đông do các hành động lấn chiếm đơn phương ngày càng gia tăng của Trung Quốc, một vấn đề hiện đang khiến dư luận Philippines và quốc tế lo lắng là liệu Trung Quốc có kế hoạch bồi đắp rồi sau đó sẽ đưa quân ra đồn trú tại bãi cạn Scarborough như nước này vừa qua đã tiến hành trên các thực thể ở Trường Sa hay không?

Mặc dù các thông tin tình báo và vệ tinh chưa thấy có dấu hiệu của việc bồi đắp tại khu vực bãi cạn này, song theo lời Đô đốc hải quân Mỹ Richardson phát biểu với báo chí gần đây thì đã có hiện tượng gia tăng hoạt động của các tàu, kể cả tàu khảo sát của Trung Quốc một cách không bình thường tại khu vực.

Chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên sự kiện năm 2012 Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough vốn được Philippines quản lý. Bãi cạn Scarborough là một thực thể độc lập ở Biển Đông, có hình tam giác với diện tích khoảng 150km2, không nằm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Luzon của Philippines khoảng 135 hải lý, trong khi cách Trung Quốc khoảng trên 543 hải lý. Philippines khẳng định bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và trước đó, từ những năm 1990, thường xuyên bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản trái phép trong khu vực này.

Ngày 08/4/2012, khi máy bay trinh sát của Hải quân Philippines phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc đậu trong vụng thuộc bãi cạn, Tổng thống Philippines đã ra lệnh tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát tại bãi cạn này và cử tàu chiến hải quân BRP Gregorio del Pilar mà phía Philippines vừa mua của Mỹ ra tiến hành khám xét các tàu cá trên. Ngày 10/4/2012, qua khám xét tàu thứ nhất trong 8 tàu, phía Hải quân Philippines phát hiện các ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trái phép một số lượng lớn san hô, trai biển khổng lồ và cá mập, những loại nằm trong danh mục cấm bắt và bảo tồn của Philippines.

Khi Hải quân Philippines tiến hành khám xét các tàu cá khác khi 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiến hành cản trở bằng cách chặn giữa tàu chiến BRP Gregorio del Pilar và các tàu cá Trung Quốc. Căng thẳng giữa 2 bên leo thang tại khu vực này với sự hiện diện nhiều hơn của các tàu chấp pháp của cả hai bên.

Để giảm nguy cơ căng thẳng có thể dẫn đến xung đột quân sự, phía Philippines đã thay tàu chiến có mặt tại đây bằng tàu nhỏ hơn của cảnh sát biển nước này. Tuy nhiên, điều trớ trêu là thiện chí này của phía Philippines đã bị lợi dụng và Philippines phải trả giá với cái giá cuối cùng là bãi cạn Scarborough rơi vào tay Trung Quốc. Thay vì cùng thiện chí như Philippines, rút bớt tàu để giảm căng thẳng, Trung Quốc đã cho triển khai tàu tuần tra hiện đại nhất của mình tại đây, tàu Ngư Chính 310 và tiếp đó cho triển khai thêm các tàu chiến ở khu vực này nhằm bảo trợ cho tàu cá cũng như ngăn cản các hoạt động của Philippines. Bên cạnh căng thẳng trên thực địa, quan hệ giữa hai nước rơi vào tình trạng rất xấu do vụ việc nêu trên. Trung Quốc tiến hành trả đũa Philippines bằng việc hạn chế công dân nước này đi du lịch đến Philippines, lấy lý do kiểm dịch thực vật để không nhập khẩu chuối – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Philippines vào Trung Quốc… Philippines thì rút Đại sứ của mình về nước.

Theo thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc được Philippines công bố, hai bên cùng lúc sẽ rút hết tàu ra khỏi khu vực bãi cạn Scarborough. Ngày 15/6/2012, Philippines đã cho rút hết tàu ra khỏi khu vực, đánh dấu việc kết thúc 10 tuần căng thẳng giữa hai bên. Song Trung Quốc sau khi rút tàu đã cho tàu quay trở lại và duy trì sự hiện diện thường xuyên ở vùng biển xung quanh bãi cạn, thậm chí còn dùng dây thừng chăng ở lối vào duy nhất để ngăn cản tàu đánh cá vào trong khu vực đầm của bãi cạn.

Có nhiều lý do để cộng đồng quốc tế lo lắng về việc Trung Quốc sẽ sử dụng cách mà họ làm trái phép ở quần đảo Trường Sa đối với bãi cạn Scarborough. Cụ thể là:

Thứ nhất, Việt Nam và cộng đồng quốc tế không có biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu việc Trung Quốc cải tạo, bồi đắp quy mô lớn các thực thể mà Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Việc lên án bằng ngôn từ và sức ép ngoại giao chưa đủ làm Trung Quốc chùn bước. Do đó, Trung Quốc có lý do để tự tin có thể lấn tới;

Thứ hai, Trung Quốc đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc bồi đắp, cải tạo các thực thể ở Trường Sa để có thể áp dụng cho bãi cạn Scarborough;

Thứ ba, với vị trí chiến lược của mình, bãi cạn Scarborough nếu được bồi đắp, cải tạo và tiến hành quân sự hóa sẽ giúp Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự khá gần với eo biển Luzon chia cắt Philippines và đây là con đường hàng hải thuận tiện nhất để Hải quân Trung Quốc tiếp cận vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn, thỏa mãn nhu cầu trở thành cường quốc hải dương và vươn ra xa cả vùng biển Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Thứ tư, hiện vẫn còn chưa rõ liệu Trung Quốc có hoàn tất việc tiến hành biến bãi cạn này thành đảo nhân tạo trước khi Tòa trọng tài vụ kiện Philippines – Trung Quốc ra phán quyết được cho là vào tháng 6 hay không, song việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp, cải tạo bãi cạn Scarborough được cho là cách mà Trung Quốc thể hiện việc chống đối lại phán quyết. Đối với vụ kiện của Philippines, cho đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm ba không: không chấp nhận vụ kiện; không tham gia và không chịu ràng buộc của phán quyết.

Trong bối cảnh trên, Philippines cần vận dụng mọi khả năng cho phép, đặc biệt là liên minh đã hình thành với Mỹ và các thỏa thuận quân sự để ngăn chặn khả năng Trung Quốc biến bãi cạn Scarborough thành một căn cứ quân sự mới ở Biển Đông, kết nối với các điểm đồn trú khác hình thành một tam giác căn cứ quân sự có khả năng bao trùm toàn bộ Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới