Saturday, November 16, 2024
Trang chủThâm cung bí sửChuyện anh Ba Dũng và người cứu mạng (Kỳ 3)

Chuyện anh Ba Dũng và người cứu mạng (Kỳ 3)

Sau 30 tháng 4, đất nước thống nhất. Anh Ba Dũng luôn canh cánh trong lòng chuyện về Tư Kiên…

Kỳ 3 – Chuyện của người cứu mạng anh Ba Dũng

Hai người được du kích đưa về trạm quân y. Và hôm sau, cơ sở của ta báo về là trái đạn B40 của anh Ba và loạt đạn AK bắn bồi của Tư Kiên đã diệt hơn hai chục tên địch, quan trọng nhất là Ban chỉ huy một tiểu đoàn lính Việt Nam Cộng hòa bị xóa xổ gần hết.

Được ít hôm, ông Tư Kiên nói với anh Ba: “Tao nhớ đơn vị. Tao phải về đây. Mày cứ ở đây, bao giờ khỏi thì tính sau”. Anh Ba đáp lời: “Mày về đơn vị đi. Tao khỏi thì lại đi chiến đấu, chứ không làm bác sĩ đâu”.

Thế là hai người bịn rịn chia tay nhau. Trước khi rời đi, ông Tư Kiên và anh Ba cũng chỉ nói với nhau rằng, sau này hòa bình, nếu còn sống thì phải tìm  nhau.

Từ sau lần ấy, hai người bặt tin nhau.

Sau 30 tháng 4, đất nước thống nhất. Anh Ba Dũng luôn canh cánh trong lòng chuyện về Tư Kiên. Nhưng công việc thì lu bu, và lại xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam với quân Pol Pot nên cũng không mấy lúc đã tập trung đi tìm Tư Kiên được. Rồi khi còn là Bí thư thị ủy Rạch Giá, rồi Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, anh Ba Dũng đã nhiều lần nhờ người đi tìm ông Kiên, nhưng vẫn không tìm thấy.

Ngày ở cùng nhau, hai người không ở cùng đơn vị, mà thời gian ở với nhau lại ngắn, lại cũng không hỏi kỹ hỏi quê quán, gốc tích của, nên giờ cũng chỉ tìm với cái tên ngày xưa mà thôi. Chính vì vậy, mặc dù đã nhờ cả một số tướng lĩnh, sĩ quan của Quân khu 9 tìm giúp, nhưng cũng không thấy.

Mãi đến năm 2009, trong một lần về khởi công cảng Cái Cui, khi anh Ba Dũng gặp đồng chí Hai Quang, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và ông Sáu Líu, Giám đốc bệnh viện huyện Kế Sách, Anh kể lại câu chuyện rằng ngày xưa anh bị thương ở khúc sông này, người cứu anh tên là Kiên, gọi là Tư Kiên, rồi sau này không biết ở đâu.

Nghe nói thế, ông Sáu Líu nhớ ngay đến ông Tư Kiên cũng ở bệnh viện huyện Kế Sách, là Phó giám đốc bệnh viện. Hỏi thêm ít chi tiết thì anh Ba Dũng tin chắc rằng người đó chính là Tư Kiên, đã cứu anh hồi nào.

Mọi người định đi đón ông Tư Kiên tới, nhưng trong lòng anh Ba Dũng lại dấy lên một nỗi niềm. Anh can mọi người và nói rằng: “Bây giờ mà nói tới gặp tôi, chưa chắc anh ấy đã đi. Bao năm qua anh ấy không tìm tôi, biết đâu anh ấy giận tôi thì sao. Anh ấy đã cứu tôi, nên tôi phải đến gặp anh ấy trước”.

Vậy là ông Hai Quang “bày binh bố trận”, cho người mời ông Tư Kiên đến nhà với lý do có đám giỗ. Vì ngày xưa, ông Hai Quang và ông Tư Kiên ở cùng Sư đoàn, nên ông Kiên nhận lời ngay. Trời xẩm tối, xe đưa anh Ba Dũng tới, nhìn thấy anh Ba Dũng bước vào nhà, ông Tư Kiên đang ngồi, thì đứng phắt dậy, nói giọng run run: “Ba Dũng đó mày?”.

Nhận ra đồng đội cũ, hai người ôm nhau khóc. Sau giây phút ấy, anh Ba Dũng mới kể lại câu chuyện ông Tư Kiên đã cứu mạng mình như thế nào cho mọi người nghe. Cũng từ lúc đó, mọi người trong gia đình mới biết câu chuyện cảm động đến vậy. Hóa ra, điều bí mật đó, suốt bao nhiêu năm, ông Kiên đào sâu chôn chặt trong lòng. Đồng đội không biết, thậm chí vợ con cũng không biết”.

Tôi hỏi ông Tư, sau này bác có biết anh Ba Dũng làm các chức vụ đó không? Ông Tư cười và nói: “Biết chứ! Từ khi Ba Dũng làm Bí thư Thị ủy, Bí thư Tỉnh, rồi Phó Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng, rồi Thủ tướng, có mấy ngày tôi không coi Ba Dũng trên tivi đâu. Nhưng chuyện anh em cứu nhau ngày xưa, chỉ có mình với Ba Dũng biết, có ai hay đâu. Bây giờ kể lại, không khéo người ta lại nói mình bịa chuyện”.

Tôi lại hỏi: “Sao bác không đi tìm anh Ba?”. Ông cười hồn nhiên: “Tôi biết là sớm muộn Ba Dũng cũng sẽ tìm tôi. Một người đã nằm lại để chặn giặc và giục tôi rút đi thì không bao giờ bỏ bạn bè. Chỉ có điều là Ba Dũng bận quá. Gặp nhau, thấy mình khó khăn, Ba Dũng lại phải lo giùm, trong khi còn bao nhiêu việc phải lo cho dân, cho nước. Mình còn sức khỏe, còn điều kiện làm ăn, thì phải tự lực cánh sinh”.

chuyen anh ba dung va nguoi cuu mang ky 3 406021
Tác giả và ông Tư Kiên.

Ông Tư Kiên rời khỏi quân ngũ năm 1983, sau đó làm Phó giám đốc Bệnh viện huyện Kế Sách, nhưng nhà ông vẫn nghèo lắm. Bà vợ ông bị ung thư, nên suốt bao nhiêu năm, ông phải lo chữa bệnh cho vợ. Thân phụ ông có nghề bốc thuốc Nam và ngày xưa cũng nhờ nghề thuốc ấy mà có điều kiện đi móc nối, gây dựng cơ sở cách mạng.

Sau này, chỉ bằng thuốc Nam, ông đã chữa được ung thư trực tràng cho vợ. Bài thuốc chữa ung thư mà ông cho là hay nhất là hoa đu đủ đực và bẹ dừa nước. Ông phân tích cho tôi, rằng lá và hoa cây đu đủ đực làm cho tế bào ung thư không phát triển được, rồi “gom” tế bào ung thư thành một cục. Lúc ấy chỉ cần cắt bỏ đi là hết. Thực tế là bà vợ ông bị bệnh viện trả về với kết luận chỉ sống được bằng ngày bằng tháng đã khỏe lại và giờ đang ở nhà con gái chơi.

Chuyện ông lấy vợ cũng đầy chất tiểu thuyết lãng mạn.

Số là khi ông Tư Kiên ở đại đội DKZ, có một người đồng ngũ tên là Trương Văn Thành rất quý ông. Ông Thành tuyên bố xanh rờn “Sau này, nếu còn sống, tao gả em gái tao cho mày”. Tưởng nói chơi, hóa ra thiệt. Năm 1976, ông Thành dắt Tư Kiên về nhà, và thủng thẳng bảo em gái “Anh đã gả cô cho thằng Tư Kiên này rồi”. Cả nhà ngớ người, còn ông bà già thì vui mừng khôn xiết… Thế là họ nên vợ nên chồng.

Rời khỏi quân ngũ, ông Tư Kiên chẳng bao giờ kể lại công lao chiến đấu ngày xưa với ai. Cho đến khi gặp lại anh Ba Dũng, Bộ tư lệnh Quân khu 9 và các đồng đội của ông mới tìm lại hồ sơ cho ông. Trong chiến tranh, ông đã không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ quân y sĩ, mà còn là dũng sĩ diệt Mỹ, diệt Ngụy. Những đồng đội cũ đã xác nhận thành tích của ông và năm 2010, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong danh hiệu Anh hùng LLVT. Bộ Tư lệnh Quân khu 9 xây tặng ông một căn nhà đồng đội khá khang trang trong một con hẻm ở TP Sóc Trăng. Hai người con của ông hiện đều là cán bộ công an tỉnh Sóc Trăng.

Bây giờ ông Tư Kiên sống ung dung, tự tại. Với ông, ngày nào cũng là những ngày vui, bởi lẽ ông bảo “sống được đến lúc hòa bình đã là “lãi” lắm rồi. Biết bao nhiêu đồng đội của tôi và anh Ba nằm lại trên các cánh rừng U Minh…”.

Tôi hỏi ông rằng: “Bác có hay gọi điện nói chuyện với anh Ba không?”. Ông cười: “Không. Thỉnh thoảng Ba Dũng có gọi điện về hỏi thăm tôi. Mấy đứa con anh Ba thì về thăm tôi thường xuyên. Tôi cũng ngại hỏi, vì Ba Dũng là Thủ tướng, bận nhiều việc lắm. Đừng để người ta phân tâm về mình. Nhưng tới đây, chắc gặp nhau thường hơn”.

Nói rồi, ông cười vẻ mãn nguyện.

Ghi chép của Nguyễn Như Phong

RELATED ARTICLES

Tin mới