Ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thăm tàu sân bay USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ khi tàu đang di chuyển trên Biển Đông.
Cùng đi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn có người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin. Tại đây, ông Carter đã gặp binh sĩ Mỹ và thị sát các hoạt động phóng máy bay, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực là nguyên nhân khiến căng thẳng gia tăng.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Carter lên thăm tàu sân bay Mỹ. Hồi tháng 11 năm ngoái, ông đã có chuyến thăm tương tự tới tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khi nó di chuyển trên Biển Đông gần Malaysia.
Chuẩn Đô đốc Ronald Boxall, Chỉ huy nhóm tấn công của tàu sân bay USS John C. Stennis cho biết, tàu đang được triển khai thường lệ tại Tây Thái Bình Dương trong ba tháng.
Trong chuyến công du kéo dài 6 ngày tới châu Á, ông Carter khẳng định rằng chiến lược của Mỹ là nhằm duy trì hòa bình và ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, không kích động một cuộc xung đột với một cường quốc khác.
“Chúng tôi đã ở đây trong nhiều thập kỷ. Lý do duy nhất ở đây là cách hành xử của Trung Quốc”, ông Carter nhấn mạnh.
Ngoài các chuyến tuần tra chung giữa Mỹ-Philippines được thông báo hôm 14/4, hàng trăm binh sĩ và một số máy bay chiến đấu Mỹ sẽ được triển khai luân phiên tới các căn cứ quân sự của Philippines.
Những hoạt động của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy Washington đang tỏ rõ thái độ với cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời nó cũng cho thấy căng thẳng tồn tại giữa Washington và Bắc Kinh liên quan tới vấn đề Biển Đông. Trước đó, ông Carter đã không lựa chọn điểm dừng chân ở Trung Quốc trong chuyến công du châu Á lần này, dù ông nhận lời mời của Bắc Kinh từ trước.
Phản ứng lại, Trung Quốc tiếp tục có động thái thách thức khi công bố thông tin: Phạm Trường Long – Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc đã đi thị sát, kiểm tra lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú (bất hợp pháp) trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
The Japan Times ngày 15/4 dẫn lời Nghê Lạc Hùng, một nhà bình luận quân sự từ Thượng Hải nhận xét, động thái Phạm Trường Long ra Trường Sa mang thông điệp khá rõ ràng, Trung Quốc muốn vỗ mặt Hoa Kỳ và thể hiện thái độ (ngông cuồng) không thỏa hiệp trong vấn đề Biển Đông.
“Phạm Trường Long như muốn nói với người Mỹ, tôi ở đây chờ các ông”, ông Hùng bình luận.
Đa Chiều ngày 15/4 thì cho rằng, hành động của Phạm Trường Long còn nhằm trả đua việc ông Ashton Carter đột ngột hoãn thăm Trung Quốc, đồng thời cũng thể hiện sự hỗ trợ tinh thần cho lực lượng bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Trường Sa.