Saturday, July 27, 2024
Trang chủBiển nóngTQ tung hô quan điểm Nga về Biển Đông

TQ tung hô quan điểm Nga về Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam phản ứng nhanh nhạy với thông tin quan điểm của Nga về vấn đề Biển Đông được Trung Quốc đăng tải.

Tân Hoa Xã ngày 18/4 đưa tin, cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ngày 17/4 đều lên tiếng phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua “đàm phán và tham vấn”.

Theo cơ quan thông tấn này, cả Trung Quốc và Nga chống lại lạm dụng cơ quan tài phán quốc tế “bắt buộc” xử lý tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh nói Trung Quốc “có quyền lựa chọn giải pháp giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp có liên quan”.

Vương Nghị tiếp tục nhắc lại lập trường của nước ông rằng, Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện của Philippines về việc Trung Quốc áp dụng, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông.

Đồng thời Bắc Kinh cũng sẽ không chấp hành phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về việc này.

Ông Nghị và ông Lavrov đưa ra tuyên bố này trong một cuộc họp báo chung cùng ngày. Vương Nghị đang có mặt tại Moscow  để tham dự cuộc họp Ngoại trưởng Nga – Trung – Ấn lần thứ 14.

Trong khi đó, đàm phán về tình hình nóng trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có những phản ứng nhanh nhạy và rõ ràng.

Tại buổi họp báo Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14/4, khi phóng viên hỏi quan điểm của Việt Nam về phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, đã được nhắc lại nhiều lần.

Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở khu vực này thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và trên tinh thần của Tuyên bố của các bên (DOC)”.

Ông Bình lý giải, đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương, đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.

“Những vấn đề liên quan đến các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thì phải được bàn bạc, giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm”, ông Bình nói.

“Việt Nam đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 12/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã trả lời phỏng vấn báo chí về lập trường của Nga xung quanh tình hình căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Lavrov nói: “Lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông là, tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm con đường giải quyết bằng chính trị ngoại giao mà các bên đều có thể chấp nhận được.

Cần phải dừng lại mọi hành vi can thiệp vào hoạt động đàm phán trực tiếp của các bên liên quan hòng quốc tế hóa những vấn đề này. Chúng tôi tích cực ủng hộ Trung Quốc và các nước ASEAN lựa chọn giải pháp trên, đầu tiên là phải căn cứ vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Ngoài ra, còn có Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002. Sau đó, là nhận thức chung mà Trung Quốc và ASEAN đã đạt được năm 2011.

Theo những gì tôi biết, hiện nay Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trong đó quy định nghĩa vụ pháp lý của các bên.

Tôi cho rằng đó là phương án khả thi duy nhất. Tôi từng nhiều lần tham dự các diễn đàn hợp tác khu vực như khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Đông Á, hợp tác an ninh giữa ASEAN với các đối tác. Trong những hoạt động này tôi thường thấy có người muốn quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.

Tôi tin rằng đó là việc làm vô ích. Chỉ có đàm phán, con đường mà Trung Quốc và ASEAN đã đi, mới có thể mang lại kết quả cho các bên, đó chính là một thỏa thuận mà các bên chấp nhận được”.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới