Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngTrinh sát cơ quân sự trá hình TQ điều ra Trường Sa

Trinh sát cơ quân sự trá hình TQ điều ra Trường Sa

Sự hiện diện của các trinh sát cơ đội lốt máy bay vận tải có thể giúp Trung Quốc đẩy mạnh quá trình quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông.

Ngày 17/4, chiếc máy bay vận tải Y-8, mang số hiệu 9271 của Hải quân Trung Quốc đã hạ cánh trái phép xuống đường băng trên đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo China News.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, chiếc Y-8 đáp xuống đá Chữ Thập chỉ đơn thuần là một máy bay vận tải quân sự, có mục đích đưa ba công nhân bị bệnh bay về thành phố Tam Á, đảo Hải Nam để điều trị.

Shaanxi Y-8 hay Thiểm Tây Y-8 là máy bay vận tải tầm trung do tập đoàn hàng không Thiểm Tây, Trung Quốc sản xuất. Đây là một biến thể được cấp phép sản xuất của máy bay vận tải quân sự An-12 của Nga.

Về hình dáng khí động học, Y-8 là bản sao của máy bay vận tải An-12. Y-8 được trang bị 4 động cơ phản lực tuabin cánh quạt, được bố trí giống như các cánh quạt tạo lực đẩy trên máy bay Tu-95 và An-12 của Nga.

Kể từ chuyến bay đầu tiên vào ngày 25/12/1974, Y-8 đã trở thành một trong những máy bay vận tải quân sự và dân sự phổ biến nhất ở Trung Quốc, được sản xuất với hơn 30 biến thể khác nhau bao gồm cả xuất khẩu.

Tuy nhiên, thông tin trên trang mạng APL-Chine của quân đội Trung Quốc cho thấy chiếc Y-8 mang số hiệu 9271 là một trong 4 chiếc thuộc phiên bản Y-8X (9261, 9271, 9281, 9291), một loại máy bay trinh sát, tuần tra biển và tác chiến điện tử của Bắc Kinh chứ không phải máy bay vận tải.

Đầu những năm 1990, để phục vụ kế hoạch tăng cường nhiệm vụ tuần tra trinh sát trên biển của hải quân, Bắc Kinh đã phát triển biến thể máy bay tuần tra Y-8G, trang bị một radar mạnh hơn và hệ thống điện tử đặc biệt được thiết kế bởi cả Trung Quốc và phương Tây.

trinh-sat-co-quan-su-tra-hinh-trung-quoc-dieu-ra-truong-sa-1

Dưới mũi Y-8X được bố trí một hộp lớn để chứa ăng ten. Ảnh: APL-Chine

Máy bay trinh sát Y-8X là biến thể nâng cấp của Y-8G, được phát triển với nhiệm vụ cơ bản là trinh sát, tuần tra chống ngầm.

Y-8X dài 34,02 m, sải cánh 38 m, cao 11,16 m, tốc độ bay tối đa 662 km/h, có thể bay lên cao 10.400 m, đạt tầm bay tối đa 5.620 km.

Phi hành đoàn của Y-8X gồm tổ bay 5 người và 2-4 quân nhân chuyên phụ trách điều khiển các hệ thống trinh sát, tác chiến điện tử.

Phiên bản Y-8X dựa trên khung thân của Y-8 được trang bị thêm các thiết bị tác chiến điện tử hiện đại như AN/APS-504 có khả năng phát hiện tàu mặt nước trong phạm vi khoảng 300 đến 450 km, hệ thống định vị dẫn đường toàn cầu Omega Navigation, các hệ thống trinh sát quang học và hồng ngoại hiện đại.

Điểm khác biệt dễ phân biệt Y-8X so với Y-8 là dưới mũi máy bay bố trí thêm một hộp lớn có thể để chứa ăng ten chuyên dụng. Phía trước cánh đuôi đứng có thêm một ăng ten liên lạc vệ tinh để máy bay có thể gửi trực tiếp thông tin qua vệ tinh cho sở chỉ huy ở phía sau.

trinh-sat-co-quan-su-tra-hinh-trung-quoc-dieu-ra-truong-sa-2

Chiếc Y-8 hạ cánh trái phép xuống đá Chữ Thập có một hộp lớn màu trắng ở dưới mũi. Ảnh: Sina

Bên cạnh đó, Y-8X còn được trang bị một hệ thống định vị thủy âm để phục vụ nhiệm vụ săn ngầm.

Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định máy bay Y-8X của hải quân Trung Quốc khi triển khai trên đường băng dài 3.000 m trên đá Chữ Thập sẽ có khả năng xác định vị trí và theo dõi các tàu và máy bay hoạt động trong bán kính lên tới 1.600 km.

Bên cạnh hoạt động của các máy bay Y-8X, sự hiện diện của các phương tiện tình báo, giám sát, và trinh sát (ISR), điển hình là hệ thống radar cao tần tại các đảo nhân tạo mới được bồi đắp phi pháp ở khu vực Trường Sa của Việt Nam, sẽ giúp Trung Quốc thu thập tin tức tình báo cũng như giám sát các mục tiêu quan trọng khác nhằm đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, Glaser nhấn mạnh.

Quân đội Mỹ hôm qua cũng đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự xuống đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa. “Chúng tôi có biết một máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống đá Chữ Thập hôm Chủ nhật, trong hoạt động Trung Quốc mô tả là chiến dịch nhân đạo nhằm sơ tán ba công nhân bị bệnh”, Jeff Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hôm qua nói với CNN. “Hiện chưa rõ vì sao người Trung Quốc sử dụng một máy bay quân sự chứ không phải dân sự”.

“Chúng tôi hối thúc Trung Quốc tái khẳng định rằng họ không có kế hoạch triển khai hoặc luân phiên máy bay quân sự tại các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa, tuân thủ những lời đảm bảo trước đó của Trung Quốc”, ông Davis cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới