Tới đây khi PCA ra phán quyết vụ kiện lưỡi bò, Moscow chí ít hãy biết giữ im lặng, đừng hùa theo Bắc Kinh mà bán rẻ vai trò, vị thế…
Thời điểm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague về vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông càng tới gần, Bắc Kinh càng điên cuồng tìm cách chống phá.
Trung Quốc đã có một loạt động thái vận động hành lang nhằm chống lại phán quyết này, trong đó Bắc Kinh không ngại cả thủ đoạn bịa đặt.
Điên cuồng, bất chấp thủ đoạn chống phá phán quyết của PCA
Thủ đoạn 1 – bịa đặt: Ngày 14/4, chính phủ Fiji phải ra tuyên bố giải thích với dư luận quốc tế rằng, hoàn toàn không có chuyện nước này ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông như tuyên bố (bịa đặt trắng trợn) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh đã gắn lời mình vào miệng Ngoại trưởng Fiji Ratu Inoke Kubuabola khi ông đang thăm chính thức Trung Quốc.
Thủ đoạn 2 – dùng sức ép kinh tế đe dọa phủ đầu: Ngày 17/4, ngay khi Thủ tướng New Zealand John Key đặt chân tới Bắc Kinh thăm chính thức Trung Quốc, Tân Hoa Xã đăng bài xã luận cảnh cáo ông nên đứng ngoài chuyện Biển Đông, bất kỳ nỗ lực nào nhằm “phá vỡ cam kết trung lập” sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến hợp tác thương mại với Trung Quốc.
“Wellington được khuyến cáo nên kín đáo hơn trong lời nói và hành động của mình”, Tân Hoa Xã nạt nộ. Chỉ một vài ngày trước đó, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng đã bị Bắc Kinh giáng đòn phủ đầu hôm 14/4 đúng lúc vừa đặt chân đến Thượng Hải bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc.
Vẫn chước cũ lâu nay, Trung Quốc đe dọa Úc có thể bị tổn hại lợi ích kinh tế trong quan hệ với Bắc Kinh, nếu có phát biểu hay động thái làm “tổn hại vị thế của Bắc Kinh ở Biển Đông.” Tuy nhiên, dọa nạt của Bắc Kinh không làm 2 vị Thủ tướng thay đổi lập trường trong vấn đề chống quân sự hóa Biển Đông, bảo vệ tự do hàng không hàng hải và luật pháp quốc tế.
Thủ đoạn 3 – phát ngôn thay nước khác: South China Morning Post ngày 22/4 cho biết, hôm 21/4 ông Vương Nghị công du Brunei, sau đó ông tự nói với báo giới rằng Brunei ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông: Giải quyết qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp, không chấp nhận can thiệp của bên thứ 3, kể cả trọng tài.
Theo thông báo trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/4, Ngoại trưởng nước này ông Vương Nghị đã có 2 ngày công du đến Campuchia để vận động chính phủ Hun Sen ủng hộ lập trường Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố:
“Hai bên đã đạt được nhận thức chung quan trọng: Tôn trọng quyền lợi của quốc gia có chủ quyền và các quốc gia thành viên UNCLOS có quyền tự chủ lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp. Tư pháp quốc tế hay cơ quan tài phán quốc tế cần tôn trọng tuyên bố bảo lưu của các nước thành viên UNCLOS theo tinh thần Điều 298 UNCLOS”.
Xin lưu ý, việc Trung Quốc bảo lưu không chấp nhận giải pháp thông qua cơ quan tài phán hoặc các biện pháp pháp lý trong giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và phân định biển.
Còn vụ kiện của Philippines chỉ thuần túy là kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOS, không liên quan gì đến tranh chấp lãnh thổ hay phân định biển. Tiến trình thụ lý, tố tụng vụ kiện này của PCA hoàn toàn phù hợp với quy định trong Phụ lục VII, UNCLOS mà Trung Quốc đã phê chuẩn và có nghĩa vụ phải chấp hành.
Điều đáng nói là, đây chỉ là phát biểu đơn phương của Vương Nghị hoặc Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Brunei chưa lên tiếng xác nhận điểu này. Trong bản tin của Thông tấn xã Campuchia KNA ngày 22/4, không có bất cứ nội dung nào về Biển Đông được đề cập trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Sen hay Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Prak Sokhonn khi tiếp Vương Nghị.
Còn theo thông tấn Mỹ AP, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Campuchia Prak Sokhonn, Vương Nghị đã nói thay chủ nhà rằng ông rất vui mừng vì Campuchia ủng hộ lập trường Trung Quốc về Biển Đông, hai Bộ trưởng khẳng định Campuchia ủng hộ kêu gọi của Bắc Kinh cho một giải pháp “không liên quan đến sự can thiệp từ bên ngoài”.
Hãng tin Kyodo Nhật Bản thì cho biết, khi tiếp Vương Nghị, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn chỉ làm rõ rằng, nước ông không phải một bên tranh chấp ở Biển Đông, do đó Campuchia trung lập.
Ông kêu gọi các bên tranh chấp giải quyết tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế, phù hợp với Tuyên bố chung của các bên trên Biển Đông DOC. Về Biển Đông, ông Prak Sokhonn chỉ nói có vậy.
Sau ngày 22/4, Vương Nghị tiếp tục sang Viêng Chăn vận động Lào, nhiều khả năng cũng bằng thủ đoạn “mớm lời” tương tự hòng vận động hành lang, lòe bịp dư luận chống phá đến cùng phán quyết của PCA từ khi nó chưa được tuyên bố.
Học giả Nga phân bua cho phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov về Biển Đông
Ngày 22/4 học giả Anton Tsvetov từ Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga bình luận trên Russian Council về việc, liệu phát biểu của ông Sergei Lavrov có đồng nghĩa với việc Moscow đứng về phía Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông hay không. Bản thân ông Tsvetov cũng đanh giá, phát biểu của ông Lavrov phản đối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông là khá “bất thường”.
Ngoại trưởng Nga chỉ trích các nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế như ARF, hội nghị cấp cao Đông Á, hội nghị Á – Âu và kêu gọi: “Các quốc gia không có yêu sách phải kiềm chế việc lợi dụng tranh chấp để có bất kỳ lợi thế đơn phương địa chính trị nào trong khu vực, hoặc để cô lập một quốc gia nào đó.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức “vỗ tay”, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình họp báo khẳng định, các tranh chấp đa phương phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình với sự tham dự của tất cả các bên liên quan.
Học giả Nga Anton Tsvetov. Ảnh: Russian Council. |
Ông Anton Tsvetov bình luận: “Nhiều chuyên gia đã xem điều này là bằng chứng của sự bùng nổ hợp tác Nga – Trung và nó có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ tốt đẹp giữa Nga với Việt Nam. Đây là điều Việt Nam đã quan tâm từ lâu.
Hà Nội lo ngại Nga quá tập trung vào Trung Quốc và Bắc Kinh có thể lợi dụng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng để lôi kéo Nga ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhưng cho phép tôi nói thẳng: Nga phản đối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông chẳng phải chuyện gì mới. Đây là một lập trường liên tục trong chính sách ngoại giao của Nga được chính ông Sergei Lavrov tuyên bố từ tháng 8/2015 khi trả lời phỏng vấn hãng Channel News Asia của Singapore.
Có thể lý giải về sự chú ý của dư luận với phát biểu vừa rồi của Ngoại trưởng Nga, đó là vì các xung đột trên Biển Đông đang là tâm điểm của truyền thông quốc tế. Chúng ta nghe nhiều về vấn đề này gần nhất là ở hội nghị Ngoại trưởng G-7.
Ngoài ra, PCA sắp ra phán quyết về đường lưỡi bò, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter vừa thăm Philippines. Tất cả điều này cộng lại tạo ra bối cảnh bất lợi cho phát biểu của Ngoại trưởng Nga.
Mặc dù cả Moscow và Bắc Kinh đều phản đối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, nhưng mỗi bên có một động cơ khác nhau. Bắc Kinh muốn trở thành bên mạnh nhất trong các bên tranh chấp và đàm phán một đối một với từng nước.
Với Bắc Kinh, khái niệm quốc tế hóa Biển Đông cũng bao gồm cả giải pháp trọng tài, pháp lý mà các nước nhỏ hơn nhận được sự tham gia, ủng hộ của các nước ngoài Biển Đông.
Còn đối với Nga, phản đối quốc tế hóa Biển Đông là triết lý tổng thể trong chính sách đối ngoại của mình. Moscow chỉ trích nhiều lần các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, EU, NATO can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác ở Đông Âu, các nước vùng Balkan…
Biển Đông không phải là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Gánh nặng khó khăn kinh tế trong nước, việc tiếp tục can thiệp vào Syria và xung đột lợi ích với phương Tây khiến Nga tập trung chú ý vào Trung Quốc, nhưng không quá háo hức tham gia vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Người ta có thể lập luận rằng, mối quan tâm chính của Moscow ở đây là làm sao giữ gìn mối quan hệ song phương tốt đẹp với cả 2 đối tác chiến lược, Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi Việt Nam chắc chắn sẽ khó chịu với những phát biểu gần đây từ Moscow.
Nga vẫn là đối tác thương mại, nhà cung cấp vũ khí chủ lực cho Việt Nam, bán cho Việt Nam các hệ thống vũ khí để đối phó với một cuộc tấn công giả định từ Trung Quốc.
Hơn nữa Biển Đông là một vấn đề phức tạp. Chủ quyền, kiểm soát thực tế, quân sự hóa, bồi lấp đảo, tự do hàng hải và quản lý tài nguyên ở Biển Đông là tất cả các vấn đề Nga không có lập trường đứng về bên nào”.
Nga muốn thanh minh ông Lavrov lỡ lời, không hùa theo Trung Quốc, không khó
Đọc những lời “trần tình” của học giả Nga Anton Tsvetov, người viết có cảm giác dường như ông đã cố né tránh và quên đi một nội dung quan trọng cần làm rõ trong phát biểu của Ngoại trưởng Nga hôm 12/4 rằng:
“Chỉ có đàm phán, con đường mà Trung Quốc và ASEAN đã đi, mới có thể mang lại kết quả cho các bên, đó chính là một thỏa thuận mà các bên chấp nhận được.” Ông còn nhấn mạnh thêm, đàm phán giữa các bên trực tiếp trên cơ sở UNCLOS, DOC và nhận thức chung Trung Quốc – ASEAN đạt được năm 2014 là biện pháp khả thi “duy nhất”.
Như người viết đã từng phân tích, điều này đồng nghĩa với việc Nga đã phủ nhận vai trò của cơ quan tài phán quốc tế, gạt phắt PCA và phán quyết của Tòa sang một bên.
Lập trường này của Nga tự nó mâu thuẫn, chân nọ giẫm chân kia. Bởi lẽ Nga đã thừa nhận rất rõ vai trò nền tảng, căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp hàng hải ở Biển Đông là UNCLOS, nhưng lại phủ nhận chính các giải pháp thông qua cơ quan tài phán quốc tế được quy định trong UNCLOS.
Phiên tòa do PCA thụ lý và phán quyết của Tòa tới đây là hoàn toàn diễn ra đúng thủ tục, trình tự quy định trong Phụ lục VII, UNCLOS mà không ai có thể phủ nhận.
Nếu đúng như học giả Anton Tsvetov nói, phát biểu của ông Lavrov “bị hiểu lầm” do bối cảnh quá bất lợi, hoặc giả ông Lavrov có lỡ lời chứ không cố ý phủ nhận vai trò của PCA, UNCLOS đi nữa, thì chứng minh điều này đâu có khó gì.
Tới đây khi PCA ra phán quyết vụ kiện lưỡi bò, Moscow chí ít hãy biết giữ im lặng, đừng hùa theo Bắc Kinh mà bán rẻ vai trò, vị thế siêu cường, thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Nếu dũng cảm hơn nữa, thì Nga hãy chung sức bảo vệ phán quyết của PCA, nhân danh Công lý và lẽ phải, nhân danh Công pháp Quốc tế. Đó vừa là một hành động văn minh không ai bắt bẻ được, vừa là trách nhiệm của một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước sự sống còn của UNCLOS – bộ luật được xem như Hiến pháp của Đại dương.
Người viết cho rằng, có thể vì tình thế nào đó Nga, Campuchia hay quốc gia nào khác muốn lấy lòng Bắc Kinh để đổi lại các lợi ích khác mà chấp nhận theo Bắc Kinh chống “quốc tế hóa Biển Đông” cũng có thể hiểu được.
Bởi lẽ “quốc tế hóa Biển Đông” không phải khái niệm pháp lý, có thể có nhiều kiểu định nghĩa khác nhau như chính ông Tsvetov đã nói, trong khi nhân dân tệ Bắc Kinh chìa ra là thật chứ không phải “tiền âm phủ”.
Nước nào cũng phải đặt quyền lợi của mình lên trên hết, nói như một nhà lãnh đạo Indonesia: “Trung Quốc có tiền, còn chúng tôi cần tiền”. Vấn đề còn lại là làm sao biết giới hạn để nhận các ưu đãi từ Trung Quốc, vì xưa nay miếng ngon thường chỉ có trên bẫy chuột!
Nhưng một khi đã chống lại PCA và phán quyết của PCA về đường lưỡi bò, các hành vi của Trung Quốc vi phạm UNCLOS ở Biển Đông theo đúng tinh thần Công pháp quốc tế, thì đó là một sự chà đạp lên công lý và lẽ phải, vứt Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 vào sọt rác.
Đó sẽ là một sự cam tâm khấu đầu làm tay sai cho chủ nghĩa thực dân kiểu mới độc chiếm Biển Đông, làm bàn đạp xưng hùng xưng bá trong thiên hạ. Biển Đông lại dậy sóng, khu vực khó bình yên thì những nước góp phần làm tăng cái rối ren, phức tạp, nguy hiểm ấy e rằng cũng khó bề thoát phận chư hầu kiểu mới của mẫu quốc Trung Hoa.