Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhững hệ thống lá chắn của nước Mỹ

Những hệ thống lá chắn của nước Mỹ

Ngày 11-3-2016, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa phản đối kế hoạch lắp hệ thống tên lửa bắn chặn THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Jung Youn­kuk, phát ngôn viên của Tổng thống Park Geun­hye nói rằng, việc triển khai THAAD là nhu cầu “tự vệ trước mối đe dọa tên lửa và hạt nhân đang tăng dần của Bắc Triều Tiên”…

 

Kỹ thuật bắn chặn tên lửa

Có thể nói, chương trình lá chắn tên lửa là một trong những nghị sự quan trọng nhất của hầu hết mọi đời Tổng thống Mỹ. Thời George W. Bush, Mỹ đã chuẩn bị kế hoạch chiến lược triển khai hệ thống tên lửa bắn chặn bằng việc rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM – ký năm 1972 giữa Tổng thống Richard Nixon và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev) vào ngày 13-12-2001. Khi chưa nhậm chức, Tổng thống Bush cũng từng đề cập điều này, tại buổi diễn thuyết ở khách sạn The Citadel vào tháng 9-1999 trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Trong thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ (NMD; được đổi thành hệ thống phòng thủ bắn chặn từ mặt đất – GMD vào năm 2002) đã được đầu tư mạnh với nhiều thiết bị phòng chống tên lửa khác. Hệ thống quốc phòng tên lửa đạn đạo Aegis (Aegis BMD) là một ví dụ. Được trang bị dàn tác chiến Aegis với hệ thống radar AN/SPY-1 và tên lửa SM-3, Aegis BMD từ tàu chiến USS Lake Erie đã hạ được một mục tiêu thử nghiệm, bắn từ Trung tâm tên lửa Thái Bình Dương thuộc quân đội Hoa Kỳ tại đảo Kauai (Hawaii) vào tháng 1-2002. Trong cuộc thử nghiệm vào tháng 6-2003, Aegis BMD thất bại nhưng lần thử nghiệm vào tháng 6-2006 (lần đầu tiên bắn từ tàu USS Shiloh) lại thành công. Hải quân Mỹ hiện có 15 tàu khu trục trang bị Aegis (tính đến tháng 6-2006, USS Lake Erie, USS Shiloh và USS Port Royal đều được lắp hệ thống bắn chặn).

Hệ thống Aegis là một trong những chương trình dài hơi của quân đội Mỹ. Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ bắt đầu nhận ra tính thiết yếu của phản ứng kịp thời từ hiểm họa tên lửa đối phương. Tháng 12-1969, Aegis (viết tắt từ Advanced Electronic Guidance Information System) ra đời, được sản xuất từ Lockheed Martin, trong khuôn khổ chương trình tên lửa bắn chặn (anti-ballistic missile, ABM), chuyên dùng trong cuộc chiến tiêu diệt tên lửa liên lục địa (ICBM) đối phương. Tên lửa sử dụng trong hệ thống ABM là LIM-49A Spartan và Sprint. Thập niên 60-70, Mỹ tung ra hệ thống Nike X, gồm hai tên lửa, dàn radar và dàn điều khiển. Phiên bản Nike Zeus (sau đó đổi tên thành Spartan) được thiết kế có thể phá đầu đạn đối phương với loạt tia X bắn vào khí quyển (dùng bắn chặn tên lửa tầm xa). Mỹ còn phát triển tên lửa Sprint thế hệ mới có tốc độ cực nhanh (tăng tốc lên 13.000km/h chỉ trong 4 giây)…

Về kỹ thuật, điểm quan trọng của chương trình lá chắn tên lửa nằm ở dàn radar di động SBX (Sea-Based X-band). Cho đến nay, thế giới chưa có hệ thống radar nào tương tự Hệ thống radar cảnh báo SBX (Sea-Based X-Band). Điểm khác biệt giữa SBX với các hệ thống radar khác của Mỹ là SBX dùng dải băng X trong khi Aegis dùng băng S và Patriot dùng băng tần số cao C. Tần số băng X vừa cao vừa ổn định; và bước sóng ngắn của nó (8-12 gigahertz) giúp chụp được ảnh độ phân giải cao. Di chuyển với vận tốc 15km/h, nằm trên một bệ nổi có chiều dài 116m; cao 85m và nặng 50.000 tấn (trị giá 900 triệu USD), nó có hệ thống ăngten hình cầu (Hãng Raytheon chế tạo theo hợp đồng của Boeing), với diện tích 384m2, trên đó có khoảng 45.000 module nhận – phát tín hiệu. Quả cầu ăngten nặng 8,1 tấn (cao 31,1m với đường kính 36,5m) được làm chất liệu sợi đặc biệt có thể chịu được bão táp mưa sa với sức gió hơn 210km/h…

Tướng Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Tên lửa Phòng không Hoa Kỳ Trey Obering cho biết, SBX có thể nhận biết một vật thể nhỏ chỉ bằng quả bóng chày ở San Francisco (California) khi nó nhìn từ một địa điểm cực xa chẳng hạn Chesapeake Bay ở Virginia, tức ở khoảng cách 4.700km! SBX được sử dụng để theo dõi tên lửa đối phương từ mọi ngóc ngách thế giới và cảnh báo tức thì để lực lượng phòng không Mỹ bắn chặn. Nó không chỉ kết nối với các bộ chỉ huy tư lệnh mặt đất mà còn “ăn rơ” với các tàu chiến Mỹ đậu rải rác khắp nơi. Về lý thuyết, SBX có thể dễ dàng nhận biết sự khác biệt giữa đầu đạn tên lửa thật với đồ dỏm ngụy trang (decoy). “Bạn có thể thấy rõ đinh tán, cánh đuôi và nhiều bộ phận khác của tên lửa rơi cháy trong quá trình bay” – theo Larry Briggs, Giám đốc chương trình SBX của Raytheon. Tầm quan sát SBX hiệu quả nhờ nó có thể di chuyển chứ không cố định như hầu hết hệ thống radar; và ăngten được thiết kế hình cầu để nó có thể khắc phục yếu tố tự nhiên mặt cong của trái đất (gọi là “chân trời radar”).

Trong cuộc thử nghiệm 2008, SBX-1 đã giúp bắn trúng một vệ tinh hỏng. Nó dò được vệ tinh khi mục tiêu cách Trái đất khoảng 241km và đang di chuyển với vận tốc 17.000 dặm/giờ (tức khoảng 27.358km/giờ)! SBX-1 cung cấp thông tin cho USS Lake Erie và khu trục hạm này đã bắn tên lửa không đầu đạn “hạ gục” vệ tinh “ngay tại chỗ”! SBX được bảo vệ bởi một biên đội tàu chiến trong đó có tàu ngầm.

Theo lý thuyết, trong vài phút đầu sau khi tên lửa đối phương được bắn ra, hệ thống vệ tinh phòng thủ sẽ nhận biết được, nhờ khói từ tên lửa. Đường đi tên lửa sẽ được giám sát bởi hệ thống radar mặt đất đặt ở Alaska, California, Greenland và Anh. Giai đoạn phóng của một tên lửa xuyên lục địa (ICBM) kéo dài chừng 4 phút – thời gian mà tên lửa còn “loạng choạng” trên đường bay và cũng là lúc lý tưởng để bắn hạ nó. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các kỹ sư của chương trình lá chắn tên lửa Mỹ vẫn chưa tìm được cách bắn chặn một ICBM ở giai đoạn phóng (và do đó, một số ý kiến đề xuất việc dùng súng laser đặt trên một máy bay Boeing 747 để hạ tên lửa địch nhưng kỹ thuật này vẫn chưa được hoàn thiện). Do vậy, trong hầu hết trường hợp, sẽ có khả năng tên lửa địch vượt qua giai đoạn phóng (boost) và chuyển sang giai đoạn bay giữa đường (midcourse) để chuẩn bị tiếp cận mục tiêu. Nếu tên lửa thuộc loại tầm trung, nó có thể dễ dàng bị hạ gục từ một trong ba tàu chiến Aegis của Hải quân. Nếu tên lửa địch là ICBM tầm xa, nó cần đến 20 phút để bay đến mục tiêu, thời gian đủ để bắn chặn. Đó là lúc mà nhân viên SBX thật sự có việc để làm. Với thiết bị radar cực nhạy, SBX sẽ cung cấp thông tin chính xác về vị trí tên lửa cho trung tâm chỉ huy và một tên lửa bắn chặn từ Alaska hoặc California sẽ được phóng lên để “nghênh tiếp” đối phương.

Hệ thống siêu hiện đại THAAD

Một trong những át chủ bài nữa trong lá chắn tên lửa là hệ thống phòng thủ Patriot (do Hãng Raytheon chế tạo; không phải mang nghĩa “ái quốc” như được tưởng mà là viết tắt từ Phased Array Tracking to Intercept Of Target), được trang bị một trong những hệ thống radar hiệu quả nhất công nghiệp quốc phòng thế giới. Hệ thống Patriot có 4 chức năng chính: liên lạc; chỉ huy; do thám; và điều khiển đường bay tên lửa (toàn bộ hệ thống được lắp đặt và khai hỏa sau 45 phút). Tầm hoạt động radar Patriot là 100km và cùng lúc có thể nhận biết 100 tên lửa địch. Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa (Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3). Trong cuộc chiến Vùng Vịnh 2003, Patriot bắn chặn được ít nhất 8 TBM (tên lửa đạn đạo chiến thuật) của Iraq đồng thời bắn chặn được tất cả 11 TBM Iraq bay về phía các căn cứ quân sự lực lượng đồng minh (trong đó có Bộ Chỉ huy Sư đoàn không kỵ 101). Hai loại TBM, Al Samoud-2 và Ababil-100, đều bị Patriot bắn gục.

Hiện đại nhất trong tất cả hệ thống bắn chặn là THAAD (Terminal High Altitude Area Defense). “Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa có kỹ thuật hiện đại nhất thế giới” – theo Alan Wiernicki, Đại tá chỉ huy Lữ đoàn Pháo binh phòng không 11th của quân đội Mỹ. Hiện tại quân đội Mỹ có 5 dàn THAAD với mỗi dàn được điều khiển bởi 100 người. Tháng 4-2013, một dàn THAAD đã được đưa đến Guam để phòng thủ khu vực trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Điều đáng chú ý nhất là thiết bị bắn chặn của THAAD không mang đầu đạn. Nó là tên lửa sử dụng động năng (kinetic energy) để bắn hạ tên lửa đạn đạo từ ngoài tầng khí quyển. Mỗi lần phóng nó bắn ra 8 tên lửa và phóng thải hàng loạt thiết bị bắn chặn. Trong khi dàn phóng được Lockheed Martin sản xuất, hệ thống radar AN/TPY-2 là do Raytheon chế tạo. Đây là dàn radar di động chỉ bằng một xe bus nhưng có thể quét các khu vực rộng bằng toàn bộ diện tích nhiều quốc gia! Đến cuối năm nay (2016), Cơ quan Phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ (MDA) sẽ giao thêm 48 dàn THAAD, nâng tổng số hệ thống THAAD lên 155.

RELATED ARTICLES

Tin mới