Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngTQ lại tuyên bố ngang ngược

TQ lại tuyên bố ngang ngược

Ngày 23-4, Tân Hoa xã cho rằng, Nhật Bản đã chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi Thế chiến thứ II và Trung Quốc có “sứ mạng quốc tế” lấy lại quần đảo này sau khi Tokyo đầu hàng đồng minh.

Không những tiếp tục bao biện cho đòi hòi chủ quyền phi lý đối với quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh còn ngang ngược tuyên bố, Việt Nam và Philippines là những nước xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc!? Cùng ngày, Tân Hoa xã còn dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Ngoại trưởng Vương Nghị thông báo, đã đạt được 4 điểm đồng về Biển Đông với Brunei, Campuchia và Lào nhân chuyến công du của ông.

Chức danh mới, thủ đoạn cũ

Giới truyền thông Trung Quốc gọi Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình là Tổng chỉ huy khi nói về chuyến thăm của ông tới Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp của Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên quân mới được thành lập trong bộ quân phục dã chiến. Và tại đây, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu các tướng lĩnh phải “tuyệt đối trung thành, vượt qua khó khăn trong chiến đấu, chỉ huy hiệu quả, can đảm, có khả năng chiến thắng trong chiến tranh”. Giới chuyên môn cho rằng, kể từ khi thành lập Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp hoạt động “âm thầm”, và việc xuất hiện của ông Tập Cận Bình cho thấy, quá trình cải tổ quân đội của Trung Quốc đã cơ bản hoàn tất.

Theo nhận định của Thiếu tướng Trung Quốc đã về hưu Từ Quang Dụ, việc ông Tập Cận Bình mặc bộ quân phục dã chiến cho thấy, Tổng bí thư là Tổng Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên quân  được thành lập để đáp ứng nhu cầu chiến tranh hiện đại. Còn theo chuyên gia quân sự Lương Quốc Lương, chức vụ mới của ông Tập Cận Bình trong quân đội giống như vị trí của Tổng thống Mỹ khi giữ chức Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang của nước này. Ngày 21-4, tờ South China Morning Post cho rằng, việc Tân Hoa xã và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc lần đầu công bố chức danh mới của ông Tập Cận Bình – Tổng Chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp là động thái đáng chú ý. Và điều này chứng tỏ, ông Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực ngang bằng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Ngày 20-4, tờ Đa Chiều cho rằng, việc Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Phạm Trường Long tới bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam vừa qua có thể nhằm dọn đường cho ông Tập Cận Bình “tuần tra Biển Đông” trong năm nay. Và có hai thời điểm ông Tập Cận Bình làm việc này – khi Hội nghị G-20 tổ chức tại Hàng Châu (tháng 9) và Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức tại Peru (tháng 11). Ngày 21-4, Tân Hoa xã cho biết, ngày 21-4, Trung Quốc đã khánh thành trái phép một thư viện tại đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là thư viện đầu tiên của Trung Quốc tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Chạy đua vũ trang

Theo tờ Nikkei, để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, nhiều quốc gia đang tiến gần hơn tới một mạng lưới an ninh hàng hải. Và chính phủ các nước Đông Nam Á đang nỗ lực thay thế phi đội máy bay chiến đấu lỗi thời, mở đường cho những thỏa thuận trị giá nhiều tỉ USD sau 5 năm. Ngày 22-4, Hãng Reuters cho biết, các quốc gia Đông Nam Á và hãng sản xuất máy bay sẽ chứng kiến một số hợp đồng sắm máy bay quân sự trị giá hàng tỉ USD. Và trong số các loại máy bay chiến đấu đang được nhắm tới có Typhoon (của liên doanh Eurofighter GmbH, bao gồm 4 nước Đức, Tây Ban Nha, Anh, Italia), Su-30 (Nga), Rafale (Pháp)…

trung quo c lai tuyen bo ngang nguoc
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị – Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon

Được biết, Kuala Lumpur có thể mua 18 chiến đấu cơ, với tổng trị giá hợp đồng hơn 2,5 tỉ USD. Hãng Boeing (Mỹ) đang tập trung chào hàng chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet cho Malaysia. Trong khi đó, Indonesia trang bị chiến đấu cơ F-16 (đã qua sử dụng) của Lockheed Martin, và sắp đạt được thỏa thuận với Nga để mua tiêm kích hiện đại Su-35, thay thế cho phi đội Su-30. Thái Lan đang sở hữu chiến đấu cơ F-5 của Northrop (Mỹ) và F-16 của Lockheed Martin (Mỹ), đã mua Saab Gripen và có thể đặt thêm loại máy bay này từ Thụy Điển. Theo nhận định của ông Craig Caffrey, chuyên gia phân tích cấp cao của Tạp chí Quốc phòng IHS Jane’s, căng thẳng leo thang tại Châu Á – Thái Bình Dương đã khiến quá trình hiện đại hóa quân sự trở thành một trong những ưu tiên của một số quốc gia. Theo tờ The Star, Malaysia đã mua 20 xuồng chiến đấu để trang bị cho quân đội nước này nhằm tăng cường bảo vệ an ninh cho vùng bờ biển phía đông bang Sabah. Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Malaysia, Tướng Zulkefli Mohd Zin cho biết, số xuồng chiến đấu trị giá 5,15 triệu USD được bố trí tại các vị trí chiến lược trên vùng biển bang Sabah, gồm Sandakan, Kudat và Semporna.

Ngày 21-4, Tân Hoa xã dẫn một nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đang tập trung phát triển các công nghệ tên lửa tái sử dụng. Việc này diễn ra sau khi bộ phận đẩy có thể tái sử dụng của tên lửa SpaceX Falcon 9 đã thực hiện cuộc hạ cánh lịch sử trên biển hồi đầu tháng 4. Trước đó (18-4), tờ Daily Mail cho biết, Mỹ đang nghiên cứu chế tạo một loại tàu ngầm không người lái giống như “búp bê Matryoshka” của Nga, trong đó “tàu mẹ” có thể thả tàu ngầm không người lái (UUV) có ngoại hình nhỏ hơn. Và việc này diễn ra nhằm đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông đang gia tăng. Còn theo tờ The Financial Times, trong 6 tháng qua, Lầu Năm Góc đã công khai chương trình phát triển UUV. Và tàu ngầm không người lái đang trở thành một bộ phận trong kế hoạch của Mỹ ngăn chặn Trung Quốc thống trị Biển Đông. Và nếu chạy thử thuận lợi, Mỹ sẽ thành lập trung đội UUV trước năm 2020. Theo Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, Bắc Kinh không thể bị động ứng phó, cần áp dụng các biện pháp hóa giải rõ ràng. Đồng thời cần chủ động nghiên cứu phát triển các loại vũ khí trang bị tiên tiến để ứng phó với các mối đe dọa từ Mỹ.

Những động thái nguy hiểm

Cũng theo Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi để cấp điện cho những khu vực hẻo lánh (bao gồm các giàn khoan dầu xa bờ cùng đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng trái phép). Và số nhà máy điện hạt nhân nổi kể trên do Tổng Công ty Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) xây dựng. Tờ báo này dẫn tuyên bố của chuyên gia hải quân của Trung Quốc  Lý Kiệt cho rằng, tầm quan trọng to lớn của dự án xây nhà máy điện hạt nhân di động tại Biển Đông có nhiệm vụ cung cấp nguồn điện ổn định cho các hải đăng, các thiết bị nghiên cứu – cứu nạn, các công trình quốc phòng, sân bay, cảng… tại khu vực Bắc Kinh đang kiểm soát một cách bất hợp pháp. Còn theo tờ Washington Post, tham vọng độc bá Biển Đông của Trung Quốc dường như đã tiến thêm một bước với kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân nổi. Và điều này có thể khiến Trung Quốc có thêm năng lực thiết lập vùng cấm xâm nhập, hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Đồng thời cảnh báo, việc sử dụng nhà máy điện hạt nhân nổi tại Biển Đông thực sự đáng quan ngại về lý do an ninh và môi trường. Giám đốc cấp cao Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới Patrick Cronin cho biết, các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ giúp quân đội Trung Quốc có nguồn năng lượng bền vững để thực hiện đầy đủ các hoạt động, từ cảnh báo sớm trên không tới các hệ thống điều khiển hỏa lực tấn công và phòng thủ, hay chống ngầm và nhiều hơn nữa. Đồng thời giúp Trung Quốc có thêm biện pháp để bảo vệ trước bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra. Nhiều chuyên gia lo ngại, Bắc Kinh sẽ áp đặt Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) xung quanh các thực thể Bắc Kinh chiếm đóng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 22-4, tờ Đa Chiều cho biết, khi phát biểu tại Đại học South California hôm 22-4, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, trong nhiều va chạm Mỹ – Trung, hành vi của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông là điều gây quan ngại nhất. Trước đó (19-4), khi phát biểu tại phiên điều trần ở Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông Daniel Russel cho biết, Washington buộc các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế ở những nơi Mỹ có quyền lợi kinh tế và an ninh sống còn. Theo tạp chí Foreign Policy, 5 chuyên gia của PCA đang xem xét đơn kiện của Philippines về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Và tuy PCA không ra phán quyết về chủ quyền lãnh thổ và biên giới trên biển, nhưng có thể xác định nhiều vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý của “đường lưỡi bò”. Và nếu Bắc Kinh bác bỏ kết quả phán quyết của PCA sẽ chứng tỏ, Trung Quốc không thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà nước này đã phê chuẩn.

RELATED ARTICLES

Tin mới