Sau khi xuất hiện những thông tin về Hồ sơ Panama liên quan đến giới lãnh đạo cấp cao Trung Nam Hải gây chấn động dư luận, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn giới báo chí, truyền thông trong nước đưa các thông tin có liên quan đến vụ việc, cũng như ngăn ngừa người dân tiếp cận các thông tin về vụ rò rỉ tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca. Tuy nhiên, một cổng thông tin của nước này lại âm thầm đăng tải và lặng lẽ xóa đi một bài viết không đề tên tác giả, với nội dung bảo vệ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc người thân của ông liên quan đến vụ Hồ sơ Panama.
Theo hãng tin Bloomberg, bài viết này có tựa đề “Liệu Tập Chủ tịch có quản lý tốt con cái và người thân?”, xuất hiện lần đầu tiên trên một diễn đàn ngoài nước Trung Quốc và được một trang tin trực tuyến ban đầu là Jiemian.com có trụ sở ở Thượng Hải đăng tải. Sau đó, bài viết đã được đăng lại trên công thông tin Internet Tencent và nhiều trang khá, rồi lan truyền trên các mạng xã hội ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, bài viết đã hoàn toàn biến mất.
Nội dung bài viết lập luận rằng ông Tập không có gì phải ngại những thông tin được tiết lộ trong Hồ sơ Panama và cho rằng, chiếu theo luật pháp quốc tế, ai làm thì người đó chịu. Hơn nữa ông Đặng Gia Quý – anh rể của ông Tập Cận Bình đã trả lời thẳng thắn, chuyện công ty ở quần đảo Virgin không có liên quan gì đến ông Tập.
Ông Tập từng phát biểu tại một Hội nghị Công tác chống tham nhũng: “Muốn quản lý tốt gia đình và người thân thích thì không được dùng quyền lực công mưu lợi riêng”.
Bài viết còn lấy dẫn chứng, sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, cô Tập Minh Trạch – con gái duy nhất của ông Tập Cận Bình đã bị yêu cầu trở về Trung Quốc. Sau khi về nước, Tập tiểu thư đã sống một cuộc sống âm thầm, không có hành vi “khác thường” nào. Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình quản lý con rất chặt chẽ. Là con gái của nhà lãnh đạo tối cao, cô Tập Minh Trạch đã chịu nhiều thiệt thòi, để giữ thể diện cho cha.
Anh rể ông Tập Cận Bình mua lại hai công ty ở nước ngoài vào năm 2009, nhưng cuối năm 2012 khi ông Tập Cận Bình nhậm chức thì tên của hai công ty này cũng không còn.
Còn người chị của ông Tập Cận Bình tại sao lại mang họ Tề? (tên là Tề Kiều Kiều). Vì thân phụ ông Tập Cận Bình là nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trung Huân cùng phu nhân là bà Tề Tâm quản lý gia đình rất nghiêm – họ không muốn nhà trường có ưu đãi đặc biệt nếu biết bà Tề Kiều Kiều là con gái của ông Tập Trung Huân, vì thế mà cho con gái theo họ mẹ.
Khi cô Tề Kiều Kiều làm kinh doanh thì ông Tập Cận Bình chưa có thế lực gì, thành công của cô Tề nhiều nhất chỉ dựa vào những mối quan hệ của người cha chứ không liên quan đến ông Tập Cận Bình.
Theo bài viết, “trên thực tế, người chị gái và anh rể của ông Tập Cận Bình đã hi sinh nhiều vì ông Tập Cận Bình. Từng có thông tin chỉ ra, cái quán bar của anh rể ông Tập Cận Bình ở Hongkong nằm trên con phố xoàng xĩnh”.
Như vậy, “Hồ sơ Panama không hề tiết lộ thông tin bất lợi nào đối với Tập Chủ tịch, mà, ngược lại còn chứng minh ông Tập đã quản lý nghiêm người thân từ nhiều năm trước vụ rò rỉ và đưa mọi thứ vào tầm kiểm soát”, bài viết nhận định.
Bài viết được đăng vào thời điểm 17h hôm 12/4/2016 cũng nói: “Chẳng có nghĩa lý gì khi dùng hồ sơ Panama để chỉ trích Tập Chủ tịch”.
Đây là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc đại lục đăng tải bài viết phản hồi về Hồ sơ Panama liên quan đến ông Tập Cận Bình, bởi từ sau khi vụ việc vỡ lở, Tuyên giáo Trung Quốc được cho là đã ban hành một loạt các chỉ thị cấm các tổ chức truyền thông trong nước xuất bản các báo cáo độc lập hoặc bình luận về vụ rò rỉ.
Ngoài một bài xã luận tiếng Anh duy nhất của tờ Thời báo Hoàn cầu đánh giá vụ rò rỉ tài liệu này là nhằm mục đích đánh vào các quốc gia không thuộc thế giới phương Tây, truyền thông nhà nước Trung Quốc gần như im lặng về vụ việc. Bên cạnh đó, các lệnh tìm kiếm liên quan đến Hồ sơ Panama từ nước này cũng hoàn toàn bị chặn.
Trang Bowenpress đưa tin cho rằng, theo thông lệ của chính quyền Trung Quốc, loại bài viết này nếu không được cho phép sẽ không thể xuất hiện công khai, chắc chắn đã được bản thân ông Tập, hoặc người nhà ông Tập cho phép đăng.
Cho dù ban đầu bài viết xuất hiện trên blog ở ngoài nước, nhưng nó có lý do quan trọng để xuất hiện. Theo người cung cấp thông tin, đây chính là phản hồi của gia đình ông Tập Cận Bình hoặc thế lực hỗ trợ công việc đối ngoại giúp nhà lãnh đạo này, nhằm thanh minh cho bản thân và gia đình về những thông tin có liên quan đến họ trong Hồ sơ Panama.
Theo Bloomberg, văn phòng biên tập trang tin Jiemian.com tại Thượng Hải – nơi đầu tiên đăng tải bài viết trên đã từ chối yêu cầu bình luận của báo chí nước ngoài về các động thái đăng rồi gỡ bài của họ. Một nhân viên trả lời điện thoại cho biết, họ không biết gì về chuyện đó.
Tuy nhiên, một nhân viên tại văn phòng Bắc Kinh của trang tin thì lại tiết lộ rằng, các quan chức từ bộ phận tuyên giáo trung ương và Cục Quản lý không gian ảo của Trung Quốc đã đến thăm cơ quan họ vào buổi sáng, mặc dù người này không biết mục đích của chuyến viếng thăm trên là gì.
Giáo sư Dali Yang , thuộc Trung tâm Đại học Chicago tại Bắc Kinh cho rằng bài viết trên có thể là “một động thái có chủ ý của một đơn vị truyền thông mới khởi nghiệp”, hoặc cũng có thể là một nỗ lực “tính toán có chủ ý” nhằm xoa dịu dư luận trong vụ Panama Papers.
“Thông tin có trong bài viết không mới, nhưng cách mà những thông tin này được gộp chung lại rõ ràng nhằm bảo vệ ông Tập”, vị giáo sư nhận định. Ông Yang cũng nói “sự xuất hiện chóng vánh của bài viết đã đạt được mục đích”.
Theo Hồ sơ Panama được tung ra vào hồi đầu tháng 4 vừa qua, ông Đặng Gia Quý, chồng bà Tề Kiều Kiều – chị gái ông Tập Cận Bình – là cổ đông trong hai “công ty ảo” ở quần đảo Virgin thuộc Anh – một trong những thiên đường thuế nổi tiếng thế giới. Có những dấu hiệu cho thấy ông Đặng và bà Tề đã bán ít nhất một phần tài sản trước khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012. Vào năm đó, ông Đặng nói với Bloomberg rằng ông đã về hưu. Còn theo Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế, hai công ty ở quần đảo Virgin có liên quan đến ông Đặng đã bị vô hiệu hóa trước thời điểm tháng 5/2011.