Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông tuần thứ 12

Bản tin Biển Đông tuần thứ 12

Như là hệ quả tất yếu, điều Trung Quốc không hề mong đợi từ tuần trước đã xảy đến. Việc các hành động khiêu khích trên Biển Đông của Trung Quốc bị công khai và phê phán trong Tuyên bố chung Ngoại trưởng các nước G7 về an toàn hàng hải ngày 11/4 chứng tỏ nước này đang dần đánh mất ảnh hưởng và uy tín của mình trên trường quốc tế, tự chuốc lấy thất bại được tạo ra bởi chính những hành động đơn phương và cách hành xử thiếu thiện chí đã thực hiện trên Biển Đông từ trước đến nay.

Đối với một quốc gia “đang trỗi dậy”, luôn canh cánh nỗi lo “bị mất mặt” như Trung Quốc, một tuyên bố chung được sự nhất trí cao của nhóm nước G7 dĩ nhiên sẽ “chọc giận” nước này và vì vậy sẽ không lấy gì để đảm bảo sóng nước Biển Đông sẽ không bị khuấy động. Nhưng mặt khác, những biến chuyển của tình hình hiện nay do tác động mà Tuyên bố chung này đem lại cho thấy những dấu hiệu khả quan, rằng một Trung Quốc quyết đoán hoàn toàn có khả năng bị kiềm chế.

Theo một số hãng tin quốc tế như Reuters, Nikkei, Bloomberg, PhilStar Global đưa tin ngày 11/4, trong tuyên bố về an ninh trên biển, Ngoại trưởng các nước công nghiệp G7 đã bày tỏ quan ngại về tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông, lên tiếng phản đối rõ ràng, mạnh mẽ và công khai “đối với bất kỳ hành động khiêu khích đơn phương hay ép buộc, hay hăm dọa nào, vốn dĩ có thể thay đổi nguyên trạng hoặc làm gia tăng căng thẳng. Bản Tuyên bố còn kêu gọi các bên không nên có những hành động như bồi đắp đảo, xây dựng các tiền đồn hoặc sử dụng các công trình này vào mục đích quân sự. Liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò”, nhóm G7 cũng kêu gọi các quốc gia tôn trọng luật biển quốc tế và thực thi bất kỳ phán quyết nào mang tính ràng buộc do tòa án đưa ra. Tuy Tuyên bố không nêu đích danh Trung Quốc nhưng với phông hiểu biết thông thường về tranh chấp Biển Đông, ai cũng dễ dàng nhận ra được rằng những nội dung được thể hiện trong bản Tuyên bố rõ ràng đang chỉ trích những tham vọng của Bắc Kinh tại các vùng biển.

Tuyên bố chung đã thể hiện được nhận thức chung và sự nhất trí cao độ của tất cả các nước G7 về mức độ nghiêm trọng của vấn đề, và điều này rất quan trọng. Quan trọng ở chỗ trong nhóm nước G7 đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu về liên kết với các nước trong khu vực để Trung Quốc chấm dứt các hoạt động đơn phương, áp đặt ở đây. Có lẽ Tuyên bố cũng sẽ có tác động nhất định đến thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines khi ra phán quyết vào tháng 6 tới đây.

Rõ ràng là vậy nhưng “có tật giật mình”, dù không được nhắc đến nhưng ngay sau khi Tuyên bố chung về an toàn hàng hải được đưa ra, Trung Quốc vẫn nhảy dựng lên để phản đối Nhóm 7 nước công nghiệp ngay ngày hôm sau với thái độ không chút nể nang. Không có gì bất ngờ khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lớn tiếng lập lại luận điệu bấy lâu, rằng các Ngoại trưởng G7 không nên “thổi phồng” vấn đề. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn triệu đại diện Đại sứ quán các nước G7 tại Bắc Kinh lên phản đối, mạnh mồm yêu cầu các nước G7 phải đáp ứng cam kết của họ là không bè phái trong vấn đề lãnh thổ và ngừng “nhận xét vô trách nhiệm”, “dạy bảo” các nước G7 chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ quản trị kinh tế toàn cầu và hợp tác, chứ không phải là thổi phồng lên các vấn đề hàng hải và khiêu khích xung đột khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã ngay lập tức ra thông cáo phản đối, thể hiện thái độ không hài lòng ra mặt đối với Tuyên bố chung của G7 và ngang nhiên khẳng định “Chẳng có vấn đề gì đối với tự do hàng hải và tự do hàng không ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”. Đây không phải là lần đầu tiên, trước đó Trung Quốc đã nhiều lần và đặc biệt chỉ chĩa mũi dùi nhằm công kích Nhật Bản – Chủ tịch của G7, và cả Mỹ, đồng thời gọi họ là “người ngoài” để loại trừ sự can dự bên ngoài vào các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Ông Lục cũng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục “việc ai nấy làm”, chỉ cam kết giải quyết lãnh thổ thông qua đàm phán với các nước có liên quan trực tiếp “dựa trên luật pháp quốc tế và thực tế lịch sử” nhưng lại cương quyết không tham gia vào bất kỳ cơ chế trọng tài “bất hợp pháp” áp đặt vào mình. Trước đó, Tân Hoa Xã ngày 10/4, cũng như nhiều tờ báo khác của Trung Quốc đã đăng tải bài viết với nội dung hoàn toàn thiếu khách quan và hầu như chỉ nhằm chỉ trích Nhật Bản “cố tình lạm dụng cuộc họp G7”, chế giễu Nhật Bản là “kẻ gây rối chỉ thích phá hoại của khu vực”, trái ngược với toàn bộ sự thật là những nỗ lực của Nhật Bản trong duy trì ổn định khu vực thời gian gần đây. Như vậy, có rất ít khả năng Bắc Kinh sẽ để vụ việc này đi qua một cách dễ dàng và êm thấm, theo The Diplomat.

Malcolm Davis, một nhà phân tích chính sách cao cấp của Viện Chính sách Chiến lược Úc khẳng định hành động của các nước G7 là lời cảnh báo cho Trung Quốc để nước này thấy rằng họ sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu tiếp tục có thêm bất kỳ động thái nào, và “Tuyên bố chung này sẽ thúc đẩy tốt hơn quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt như Úc và khuyến khích sự phối hợp lẫn nhau”. Ông nhận xét, “Tuyên bố của G7 có thể là biện pháp tốt nhất Mỹ đang có trong thời điểm này”. Theo bài viết đăng trên tờ The Diplomat ngày 12/4, so với Tuyên bố năm ngoái của các nhà lãnh đạo tại Lubeck, Đức, Tuyên bố chung năm nay đã có nhiều thay đổi rõ rệt, với nhiều câu chữ mang tính chất cụ thể hoá nhiều hơn nhưng tổng thể vẫn là tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).

Liên quan đến chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo nhận định của ông John McCain, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Hoa Kỳ trong bài viết cho tờ The Financial Time ngày 12/4, chính sách “3 không” của chính quyền Obama đã tỏ ra không hiệu quả đối với sự bá quyền và vô trách nhiệm của Trung Quốc. Theo ông, sự cẩn trọng thái quá của Obama muốn tránh hết sức sự đối đầu gây căng thẳng cho quan hệ hai nước đã dẫn đến chính sách thất bại trong việc ngăn chặn Trung Quốc, đồng thời gây khó hiểu và lo lắng cho các đồng minh và đối tác tại khu vực của Mỹ. Hơn nữa, sự thiếu quyết liệt của Mỹ cũng là một điểm sơ hở cho truyền thông Trung Quốc tận dụng, đả kích các chính sách và hoạt động của Hoa Kỳ.

Ông cho rằng cần phải sớm “đổi hướng” trong giai đoạn hai tháng quan trọng sắp tới, khi mà Tòa Trọng tài thường trực sẽ ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở bởi những sự kiện xảy ra gần đây đang cho thấy Trung Quốc đang sử dụng khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại để tiếp tục hoặc tiến hành thêm những hình thức ép buộc mới để mở rộng lợi ích hiện có của mình, phòng trừ nguy cơ một phán quyết bất lợi. Đó có thể là mở rộng hoạt động cải tạo đảo và tiến tới quân sự hóa bãi Scarborough, một vị trí chiến lược ở Biển Đông nhằm gia tăng ưu thế về mặt quốc phòng trong tranh chấp chủ quyền hoặc tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không tại một phần hoặc toàn bộ Biển Đông. Quân đội Hoa Kỳ cho biết đã xuất hiện mối “lo ngại thực sự” về việc Trung Quốc đã bắt đầu khảo sát khu vực quanh bãi Scarborough để tiến hành hoạt động bồi đắp… Bài viết của tác giả Edward Linczer trên tạp chí The National Interest mới đây cũng đã đề cập đến những mối lo ngại nói trên, bao gồm nguy cơ thiết lập một vùng Nhận diện Phòng không trên Biển Đông, từng bước tạo ra “những khu vực hạn chế đi lại mi-ni” và dùng mọi cách để ỷ mạnh hiếp yếu đối với các nước Đông Nam Á, hòng biến Biển Đông thành “cái hồ của Trung Quốc” trước năm 2030.

Ông McCain hối thúc các nhà hoạch định rằng đây cũng là thời điểm để Mỹ tiến xa hơn là những cử chỉ mang tính biểu tượng và khởi động một “chiến dịch tự do hàng hải” mạnh mẽ. Trên thực tế, kể từ khi đưa ra Chiến lược Xoay trục sang Châu Á năm 2011, Mỹ đã thực hiện nhiều sáng kiến nhằm xây dựng năng lực cho đối tác ở Đông Nam Á. Tuy nhiên tình hình Biển Đông đang nóng lên từng ngày đặt ra ngày càng nhiều nguy cơ đòi hỏi Washington vẫn phải có nhiều hành động hơn để buộc Trung Quốc phải chấm dứt các hành động phi lý của mình. Một số giải pháp cho hoạt động của Mỹ ở Biển Đông đã được tính đến để kiềm chế Trung Quốc, trong số đó quan trọng nhất là (1) cung cấp thêm khí tài và tăng cường nâng cao năng lực hoạt động trên biển của các đối tác, (2) công khai hợp tác với Nhật Bản trong việc hỗ trợ an ninh cho các đối tác và (3) xác lập các chuẩn thực tế cho mọi chương trình năng lực đối tác mở rộng. Tuy nhiên yêu cầu trước mắt đặt ra cho chính quyền tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ là tập trung chủ yếu vào nâng cao năng lực tình báo, giám sát và trinh thám cho các nước đối tác Đông Nam Á, điều tối quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang rốt ráo thực hiện các hoạt động của nước này trên các vùng biển của các quốc gia ven biển ở Biển Đông nhằm phần nào ngăn chặn nước này lấy thêm đảo ở Trường Sa.

Những biểu hiện tích cực và tiêu cực của tình hình Biển Đông hiện nay đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á liên kết và hợp tác trên Biển Đông nhằm đối phó và kiềm chế Trung Quốc tại các vùng biển nóng, đặc biệt là trong các hoạt động thỏa thuận ký kết và tập trận hải quân. Ngày 14/4, theo thông tin do REUTERS cung cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bay đến Philippines để khẳng định vai trò hỗ trợ của Mỹ đối với đồng minh trong khu vực, đồng thời thông báo kế hoạch của Washington về việc sẽ tăng cường hơn nữa các quan hệ hợp tác quốc phòng với Philippines sau khi ký kết thoả thuận cho phép Hoa Kỳ sử dụng luân phiên 5 căn cứ quân sự của Philippines. Ngày 15/4, Philippines và Việt Nam đã nhất trí tiến hành các hoạt động làm sâu sắc hơn nữa hợp tác an ninh giữa hai nước trước một Trung Quốc hiếu chiến và quyết đoán, trước mắt là “Kế hoạch Hành động” 6 năm với nội dung cam kết tập trận chung trong vòng 12 tháng.

Bên cạnh Mỹ, Nhật Bản cũng hứa hẹn sẽ là đối tác triển vọng cho các nước Đông Nam Á, nhất là các nước đang có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc triển khai các hoạt động hợp tác an ninh tại khu vực. Theo Patrick Cronin, giám đốc cấp cao của Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương, trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới, Nhật Bản đang bắt đầu tăng cường góp mặt trong an ninh khu vực; bên cạnh xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam Nhật Bản cũng đang đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Úc, Ấn Độ và các nước khác.

Bất lực trước sự “đoàn kết” đang tăng dần của các nước trong khu vực với các nước ngoài khu vực, phía Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài giở lại chiêu bài vu cáo và đổ lỗi cho Mỹ và Philippines thách thức “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, xem nhẹ những hệ quả gây ra cho ổn định khu vực; chính Mỹ và Philippines đã thôi thúc Trung Quốc phải “tăng cường sự quản lý” đối với khu vực Biển Đông nhằm đối phó với mọi nguy cơ, theo phân tích của một bài viết trên báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 14/4. Đặc biệt sau khi Washington công bố chiến lược hợp tác quân sự với đồng minh Manila, Bắc Kinh đã cố tình làm trầm trọng hóa vụ việc bằng cách cáo buộc kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines là biểu hiện của việc khơi dậy một cuộc “chiến tranh lạnh”. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Philippines nhân dịp hải quân 2 nước tập trận chung Balikatan ngày 14/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực “không nhằm gây xung đột với Trung Quốc”.

Không chỉ vậy, Trung Quốc dường như đang tập trung toàn bộ khả năng và các mối quan hệ hiện có để điều hướng dư luận theo hướng có lợi cho mình trước khi phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Philippines được đưa ra, nhưng thực chất Trung Quốc đang tìm cách gây sức ép cho các quốc gia, nhất là các nước trong khu vực Thái Bình Dương gần gũi có quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc. Quađánh giá của Nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Biển Đông Quốc gia Chen Xiangmiao, quyết định mời các nhà lãnh đạo Úc và New Zealand đến thăm Trung Quốc thể hiện quyết tâm của nước này nhằm dùng sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của mình hướng sự chú ý của các nước này vào tăng cường quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước, qua đó có thể xử lý được áp lực gây ra do ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của cho Mỹ và đồng minh ở khu vực Biển Đông. Ông Chen Xiangmiao cho hay thông qua động thái mới này, Trung Quốc đang muốn gửi đi thông điệp rất rõ ràng rằng Bắc Kinh không muốn các quốc gia ngoài khu vực đi theo Mỹ và đối đầu với Trung Quốc.

Tuy nhiên mưu đồ của Trung Quốc một lần nữa lại thất bại. Những hành động của Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông chỉ khiến Úc và New Zealand thêm cứng rắn về lập trường Biển Đông của họ. Sau chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đãduy trì lập trường cứng rắn và thẳng thắn với những hành động của Trung Quốc, tiếp tục lên tiếng hối thúc nước này thực hiện kiềm chế trên Biển Đôngthông qua việc nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ giữa sự thịnh vượng của khu vực với hòa bình và ổn định. Ông cũng phủ nhận những thông tin cho rằng quan hệ kinh tế giữa Úc và Trung Quốc có thể bị tổn hại do lập trường của Úc về vấn đề Biển Đông, bởi lập trường của Úc về vấn đề này đã rõ ràng, và Trung Quốc cũng đã biết về điều này. Còn quan điểm của New Zealand dù chưa thể hiện được mạnh mẽ như Úc nhưng đã có nhiều thay đổi lớn so với trước kia, đặc biệt là lập trường của New Zealand về đường chín đoạn đòi hỏi một sự rõ ràng, minh bạch trước khi Phán quyết được đưa ra giữa năm 2016 và còn khẳng định rằng New Zealand đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài.

Ngay sau khi thông tin được đưa ra trên tờ The JapanTimes của Nhật Bản ngày 17/4 về việc New Zealand, Úc, Malaysia, Singapore và Anh sẽ tham gia vào các cuộc tập trận trên Biển Đông, Tân Hoa Xã ngày 18/4 bất ngờ đưa tin, Trung Quốc nhiệt liệt hoan nghênh cả Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua “đàm phán và tham vấn”, cố chớp lấy cơ hội vàng để nhai lại câu chuyện chẳng có gì mới: “Trung Quốc có quyền lựa chọn giải pháp giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp có liên quan”, “từ chối không tham gia vụ kiện của Philippines”, “không chấp hành phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực”. Tuy nhiên, để có được sự ủng hộ của Nga vào thời điểm nước rút như thế này, Trung Quốc đã phải chờ đợi trong một khoảng thời gian dài và phải đánh đổi bằng sự tự cô lập của mình trong khu vực Trung Quốc xem là có “lợi ích cốt lõi”. Vẫn dưới chiêu bài đánh lừa dư luận, Tân Hoa Xã ngày 15/4 có bài viết đưa tin Fiji, một quốc gia nhỏ bé ở Thái Bình Dương, cũng đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, tuy nhiên ngay lập tức thông tin này đã bị báo chí quốc tế bác bỏ.

Thất bại trên trường chính trị và ngoại giao dường như vẫn là chưa đủ để Bắc Kinh từ bỏ thái độ hiếu thắng và quyết đoán, tiếp tục thực hiện hàng loạt các hành động đơn phương trên Biển Đông. Trong tuần qua, Trung Quốc liên tiếp thực hiện các hoạt động trên thực địa làm căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục leo thang. Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đangtiến hành các cuộc tập trận hiện đại trên Biển Đôngmô phỏng điều kiện chiến đấu thực tế nhằm tăng cường khả năng tác chiến. Tham vọng chủ quyền tiếp tục được củng cố khi Bắc Kinh lầnđầu tiên đáp phi cơ quân sự xuống đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, ngay lập tức bị Mỹ phản đối. Điều gây sốc là lần đầu tiên Trung Quốc đã chính thức thừa nhận có sự việc nói trên, tuy nhiên nước này vẫn quanh co, bao biện một cách trắng trợn rằng đây chỉ làhoạt động cứu trợ khẩn cấp, nằm trong phạm vi hoạt động quân sự trên “lãnh thổ của nước này”. Quan ngại trước động thái gây hấn này của Trung Quốc và những diễn biến khó lường có thể xảy đến, ngay lập tức Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg, ngày 18/4 đã tuyên bố Washington sẽ cung cấp cho Manila, “đồng minh châu Á – Thái Bình Dương lâu đời nhất của Mỹ”, một số lượng lớn thiết bị đo đạc, radar và các thiết bị liên lạc trị giá 42 triệu đô la Mỹ, theotin tức thời báo Bưu điện Buổi sáng.

Bên cạnh những hành động đang đặt ra dấu hỏi về khả năng Trung Quốc tăng cường quân sự hóa trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên cho triển khai nhiều hoạt động phi pháp khác trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chẳng hạn như mớiđăng thông tin du lịch đảo Hoàng Savà đưa tin rộng rãi về chuyến thăm củaPhó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đến các đảo và san hô trên Biển Đông. Mặc dù ảnh hưởng của những vụ việc này với sự ổn định của khu vực là chưa đáng kể, bất cứ động thái đơn phương nào của Trung Quốc cũng đều nằm trong một chuỗi các hoạt động khiêu khích nhằm củng cố những yêu sách phi lý trên các đảo và đá nước này đang chiếm đóng và xây dựng trái phép, làm căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục leo thang.

RELATED ARTICLES

Tin mới