Còn trước đó, dù báo chí và dư luận đã vạch rõ cái sự phi lí, trái luật của vụ án nhưng Đại tá Nguyễn Văn Quý – Trưởng Công an huyện Bình Chánh vẫn khăng khăng cho rằng việc khởi tố chủ quán cà phê “Xin Chào” đối với ông Nguyễn Văn Tấn là hoàn toàn đúng pháp luật và đầy đủ quy trình.
Dường như cái gọi là đúng luật, đúng quy trình đã trở thành một thứ “vi rút” lây nhiễm hết miệng quan chức này đến quan chức khác.
Vụ thứ hai là trường hợp của ông Nguyễn Văn Bỉ – chủ khu đất cho ông Nguyễn Văn Tấn thuê một phần đất để mở quán cà phê “Xin Chào”.
Ông Bỉ cũng bị chính Trưởng Công an huyện và Viện phó Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh truy tố hình sự vì hành vi dựng cái chòi vịt trên vườn nhà.
Dựng cái chòi vịt bằng tre lá là chuyện thường ngày ở huyện, vậy mà Đại tá Quý đã trổ tài phù phép ngôn từ để khép người dân vào trọng tội:
“Hành vi của bị can Bỉ là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tình hình trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung tại địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương do đó cần phải đưa ra xét xử trước pháp luật để răn đe giáo dục chung”.[1]
Đọc những dòng luận tội của cơ quan điều tra, nếu hành xử như thế thì bất cứ một người dân nào cũng có thể trở thành tội phạm trong con mắt đại tá.
Vụ thứ ba là vụ án của ông Nguyễn Văn Thành, thủ trưởng cơ quan điều tra tiến hành vụ án này cũng là đại tá Nguyễn Văn Quý và người ký cáo trạng truy tố vẫn là ông Lê Thanh Tòng, phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh.
Ông Thành bị kết án 1 năm tù (án treo) và phạt 10 triệu đồng về tội kinh doanh trái phép. Cái tội của ông Thành theo bản án đã tuyên là đăng ký kinh doanh ngành nghề mua bán nông ngư cơ, cho thuê máy phát điện nhưng lại… bán máy phát điện.
Cơ quan tố tụng luận tội “bị cáo” Thành: “Hành vi của bị cáo Thành là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quy định của Nhà nước trong hoạt động quản lý kinh tế, cụ thể là hoạt động đăng ký kinh doanh”.[2]
Trong con mắt của vị Đại tá và vị Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân thì hành vi “phạm tội” của ba “dân oan” nói trên đều được khẳng định là “nguy hiểm cho xã hội”.
Trời Bình Chánh vẫn xanh một màu xanh yên ả nhưng ai biết được dưới khoảng trời ấy là giang sơn riêng của hai vị công bộc đang cần mẫn chăm chỉ ngày đêm thực thi chức phận của mình, quyết ngăn chặn cho bằng được những hành vi gây “nguy hiểm cho xã hội” bằng một thứ chân lí rất giản đơn của vị Đại tá:
“Nếu hỏi tôi vì sao xử lý hình sự vi phạm nhỏ, pháp luật đã quy định rồi, nếu tôi không xử lý thì có thể bị xem xét về việc bỏ lọt tội phạm. Tôi chỉ nghĩ là cần xử lý nghiêm nên phát hiện vi phạm là phải xử lý thôi”.[3]
Trên thảm, dưới đinh, ở giữa linh tinh vừa còng vừa … lệ(GDVN) – Khi người dân chưa hiểu rõ pháp luật thì phải hướng dẫn, giải thích, nếu ngoan cố chống đối thì mới dùng đến biện pháp hình sự. |
“Nếu tôi không xử lý thì có thể bị xem xét về việc bỏ lọt tội phạm”, câu nói này dường như là “chân lí” của người thi hành công vụ: Thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót?
Còn dân thì chỉ biết âm thầm lặng lẽ mà chịu đựng như bao đời nay họ vẫn âm thầm lặng lẽ như thế. Biết thân biết phận nên dẫu bị hàm oan vẫn phải cắn răng bấm bụng.
Ông Bỉ đã thổ lộ rằng: “Khiếu nại thì mình biết đi đâu? Mình sợ. Học lực mình đâu có biết. Rồi thấy người ta làm dữ quá không dám thưa kiện”.[4]
Phải rồi, với những liên minh như thế kia, người dân mà dám khiếu nại thì liệu có còn đất sống? “Người ta làm dữ” thế cơ mà. Cao xanh thì xa vời, thôi đành cắn răng chịu đựng. Phận dân trời đã định thế thì phải thế thôi!
Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn. Sự thật đã phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật. Những kẻ gieo gió sẽ gặt bão.
Trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Đăng Quang – Trưởng văn phòng luật sư Đăng Quang và cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng:
Việc ông Tấn kinh doanh trước khi được cấp đăng ký kinh doanh 5 ngày và ông Bỉ dựng cái lều để chăn vịt không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, không thể coi đó là hành vi tội phạm.
Không phải vô cớ mà luật sư Quang đề xuất: “Những người tiến hành tố tụng truy tố một người không có tội thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội để họ nếm trải tâm trạng của một người bị khởi tố bị can”.[5]
Chỉ có như vậy thì mới lập lại được kỉ cương phép nước để không còn những cán bộ lạm dụng chức quyền, hành dân vô cớ; để trời Bình Chánh không là khoảng trời riêng của những ai chỉ biết “cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”[6] như lời của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự hồi tháng 5 năm ngoái.