Wednesday, May 1, 2024
Trang chủBiển nóngTàu cá TQ mang vũ khí: Việt Nam thận trọng

Tàu cá TQ mang vũ khí: Việt Nam thận trọng

Việc các tàu cá của Trung Quốc được trang bị vũ khí ra biển Đông đã xuất hiện từ lâu và nằm trong một chiến lược dài hạn của nước này.

Tàu cá Trung Quốc trang bị vũ khí từ lâu

Mới đây hãng tin Reuters đưa tin, Trung Quốc đang huấn luyện các ngư dân tại đảo Hải Nam để trở thành “dân quân” rồi xua xuống biển Đông, mang danh tàu đánh cá. Thậm chí nhiều ngư dân  tại Hải Nam còn khẳng định các tàu này được trang bị vũ khí hạng nhẹ, cũng như thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) để dễ dàng liên lạc với Hải cảnh Trung Quốc với mục đích đối phó tàu nước ngoài.

Trao đổi với Đất Việt trước thông tin này, ông Lê Bình – Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Trị cho biết, bằng kinh nghiệm thực tế và nhiều năm tiếp xúc với ngư dân đi biển, việc các tàu cá Trung Quốc được trang bị vũ khí hiện đại đã xuất hiện từ lâu.

“Tôi có thời gian dài đi biển, đến năm 1984 mới lên làm công tác trên bờ. Tôi thấy việc trang bị này đã có từ lâu và nằm trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc, chủ yếu nhằm mục đích đe dọa các ngư dân, khiến họ sợ hãi không dám ra biển khai thác, đánh bắt. Tôi còn nhớ cách đây khoảng hơn 10 năm, tàu cá của ngư dân ở Thanh Hóa cũng đã bị tàu cá của Trung Quốc dùng súng bắn, bị hư hỏng nặng. Cộng đồng quốc tế khi đó cũng đã lên án rất mạnh mẽ việc này”, ông Bình khẳng định.

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho rằng, Trung Quốc đã có một kế hoạch bài bản và rất chuyên nghiệp để từng bước gia tăng ảnh hưởng trên vùng biển tranh chấp thông qua các tàu quân sự giả danh tàu cá.

“Trung Quốc có một lực lượng hải thuyền, bao gồm các con tàu cấp cho những binh đoàn của hải quân, họ đặt tên rồi đưa ra vùng biển, các khu vực đang tranh chấp.

Chúng tôi vẫn thường gặp khi đi biển. Họ xua ra biển cả ngàn tàu như vậy. Thậm chí tàu buôn của Trung Quốc phần thân vỏ tàu cũng có những khiên nhọn để đâm va. Các tàu cá cũng được trang bị những vũ khí hiện đại. Nó không chỉ đơn thuần là đánh cá mà mục tiêu vừa dân sự vừa quân sự”, ông Lĩnh nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng còn cho rằng, khả năng dùng định vị để thu thập thông tin của các tàu Trung Quốc trên biển rất tốt, khả năng chính xác cao.

Việt Nam chủ động phòng tránh

Bàn về giải pháp, theo ông Lĩnh, trước đây các ngư dân Việt Nam cũng được trang bị, huấn luyện để chủ động phòng tránh, bảo vệ nhau trên biển cũng như phối hợp với các lực lượng Hải quân khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên khoảng 5 năm trở lại đây, người đi biển không được phép mang các vũ khí trên thuyền ngoài các dụng cụ phục vụ hoạt động đánh bắt thủy, hải sản.

“Cộng đồng quốc tế cũng phản đối việc các tàu cá trang bị vũ khí. Vì thế hiện nay khi ngư dân của Việt Nam gặp phải các tàu Trung Quốc gây rối sẽ rất khó khăn để phòng tránh. Tàu của chúng ta nhỏ, trong khi các tàu của họ là tàu cỡ lớn, được trang bị nhiều vũ khí đi kèm. Trong những trường hợp này, người dân nên chủ động phòng tránh rồi nhanh chóng báo cho các lực lượng chấp pháp trên biển để phối hợp xua đuổi tàu cá Trung Quốc”, ông Lĩnh nói.

Nhìn nhận một cách toàn diện, ông Lĩnh cho rằng, chúng ta cần phải có một phương pháp đấu tranh đủ cứng rắn nhưng vẫn tuân thủ các quy định của luật biển để bảo vệ ngư dân cũng như chủ quyền của đất nước.

“Quan điểm xuyên suốt của chúng ta từ trước đến nay là giải quyết các tranh chấp trên cơ sở hòa bình tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên Trung Quốc họ không làm như vậy.

Ngư dân của chúng ta ra biển chỉ đi tay không, nếu không kiên quyết như vậy thì sẽ rất khó để khai thác, đánh bắt sau này. Tôi thấy vui rằng, thời gian gần đây, Quốc hội và các lược lượng chấp pháp đã có những hành động cứng rắn như cho thuyền ra xua đuổi tàu Trung Quốc khỏi vùng chủ quyền của nước ta. Cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, để ngư dân tin tưởng ra khơi, đánh bắt cá”, ông Lĩnh nếu quan điểm.

Dù tỏ ra lạc quan, nhưng Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng vẫn trăn trở trước việc các chính sách hỗ trợ dành cho ngư dân chưa thật sự phát huy hiệu quả.

“Tiền hỗ trợ ngư dân vẫn còn rất ít và hạn chế. Chẳng hạn như người dân đi biển mà tàu bị đâm va, hỏng hóc, để lấy được bảo hiểm, có thêm vốn để sửa chữa, trang bị các tàu mới phải chờ rất lâu hoặc làm rất nhiều thủ tục, giấy tờ. Tôi cho rằng cần phải thực sự hỗ trợ người dân trong việc này.

Thứ hai là các chính sách, chiến lược dự báo cũng chưa thật sự đầy đủ và hiệu quả. Chẳng hạn như nghị định 87, trong đó cũng chỉ nói đến tàu thôi. Tuy nhiên đánh cá là cả 1 ngành công nghiệp, ngoài tàu ra còn cả một loạt các vấn đề kèm theo như lưới, công nghệ, sự hiểu biết hay dự báo luồng cá, thăm dò tài nguyên. Tất cả cái đó phải được đưa ra cùng một lúc, đồng bộ thì ngư dân mới hiểu biết được”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới