Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngNước cờ lợi hại của ông Tập Cận Bình

Nước cờ lợi hại của ông Tập Cận Bình

Obama đã có những nước cờ không hề dễ chịu với Putin, nhưng Obama cũng không thể dễ chịu với nước cờ đầy lợi hại của Tập Cận Bình.

Theo aiib.org, ngày 02/5 Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) Jin Liqun và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) về sự hợp tác giữa hai định chế tài chính quan trọng này. Theo thỏa thuận, AIIB và ADB đã thảo luận về các dự án đồng tài trợ trong lĩnh vực nước và giao thông. 

“Tôi rất vui mừng về một bước tiến xa hơn trong sự hợp tác với ADB. AIIB mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ vốn đã mạnh mẽ của chúng ta và mở rộng sự hợp tác của chúng ta trong tìm kiếm phương án để giải quyết nhu cầu tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực châu Á”, Chủ tịch AIIB Jin Liqun cho biết. 

Trong khi đó Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cũng thể hiện quan điểm: “Tôi rất hài lòng về sự hợp tác này với một đối tác mới và mạnh mẽ ở châu Á. ADB đã làm việc chặt chẽ với AIIB suốt quá trình thành lập. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, xóa đói giảm nghèo và việc chống lại biến đổi khí hậu”.

Trước đó cũng theo aiib.org, ngày 13/4 AIIB và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã ký thỏa thuận khung đồng tài trợ đầu tiên giữa hai tổ chức, vạch ra những cơ sở đồng tài trợ AIIB – WB cho các dự án đầu tư và mở đường cho hai định chế này cùng phát triển những dự án trong năm nay.

“Việc ký kết thỏa thuận này cho phép chúng tôi có thể đồng tài trợ cho các dự án phát triển và đó là một bước quan trọng cơ bản hướng tới cùng làm việc với đối tác mới để giải quyết các nhu cầu của thế giới về cơ sở hạ tầng.

Khi các ngân hàng phát triển đa phương của thế giới cộng tác chặt chẽ qua đòn bẩy tài chính và chuyên môn, những người được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những người nghèo trên thế giới”, theo Chủ tịch WB Jim Yong Kim.

AIIB được thành lập bởi sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi Trung Quốc bị Mỹ gạt khỏi TPP. AIIB chịu sự chi phối của Trung Quốc nhưng có rất nhiều nước thuộc G7, G20 đã về đầu quân dười trướng Bắc Kinh trước khi Ngân hàng này chính thức vận hành, ngoài Nhật và Mỹ.

Vì vậy, AIIB được xem là hành động trả đũa của Tập Cận Bình đối với Obama.

Với những luật bất thành văn, các định chế tài chính lớn trên thế giới hiện này đều bị chi phối bởi các thực thể kinh tế lớn. WB từ lâu đã được xem là công cụ tài chính của Mỹ, IMF thì như là của riêng EU và ADB luôn là nơi Nhật Bản thể hiện vai trò cường quốc của mình.

Trung Quốc đã thành lập AIIB làm đối trọng và là nơi thể hiện sức mạnh tài chính của mình. 

Như vậy, khi Nhật – Mỹ nằm ngoài AIIB thì WB và ADB được xem là đối thủ của AIIB và ai cũng nghĩ rằng với việc “sinh sau đẻ muộn” sẽ khiến cho AIIB lép vế trước hai định chế tài chính đàn anh khổng lồ này. Qua đó khiến cho Trung Quốc sẽ có thể bị Hoa Kỳ và Nhật Bản chèn ép qua các công cụ tài chính của WB và ADB.

Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) Jin Liqun và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao. Nguồn ảnh: ADB.

Tuy nhiên, với những động thái thể hiện sự liên kết, hợp tác giữa AIIB với WB và ADB trong thời gian qua cho thấy, chẳng những Washington và Tokyo không chèn ép được Bắc Kinh mà ngược lại còn có thể bị Bắc Kinh “làm hành làm tỏi” vì vị thế “hai mang” của họ.

Có thể thấy rằng đây là nước cờ rất lợi hại của Tập Cận Binh và khi WB và ADB có những thoả thuận với AIIB thì chứng tỏ nước cờ này của họ Tập rất hoàn hảo.

Bị Mỹ – Nhật gạt khỏi TPP, gạt Mỹ – Nhật khỏi AIIB nhưng Trung Quốc vẫn có thể hưởng lợi từ cả Nhật và Mỹ qua TPP và AIIB

Như người viết đã từng phân tích, tham gia TPP thì phải có hàng hoá và tiền bạc thì mới thấy lợi và hưởng được lợi từ TPP. Song trong số 12 thành viên của “ngôi nhà chung” TPP không phải quốc gia nào cũng có được cái điều kiện cần ấy. Và Việt Nam là một trong những quốc gia yếu ở cả hai yếu tố tạo nên điều kiện cần để có thể hưởng lợi từ TPP.

TPP là dạng hiệp định thương mại tự do với cơ chế vận hành là dựa vào lợi thế của mình để khai thác lợi ích từ đối tác, không có tương trợ hỗ trợ ở đây. Do vậy tham gia TPP có thể thành công trên sân khách nhưng cũng có thể thua ngay trên sân nhà và ranh giới giữa thành công – thất bại khi tham gia TPP là rất mong manh.

Mỹ gạt Trung Quốc ra ngoài khi khởi động TPP bởi lẽ Obama nhận thấy, Tập Cận Bình có đủ công cụ để tạo lợi thế qua đó khai thác tối lợi ích từ cơ chế này.

Song tài năng của Obama chỉ ngăn được Tập Cận Bình không có mặt trên bàn đàm phán. Sức mạnh Hoa Kỳ chỉ đủ ngăn Bắc Kinh không thể là thành viên của TPP mà thôi. Và đến lúc này thì Tập Cận Bình không cần điều đó nữa.

Tập Cận Bình thành lập AIIB không chỉ để trả đủa Obama về vụ TPP mà còn nhằm gây hại cho Mỹ ở nhiều nơi, nhiều chỗ khác nữa. Với Tập Cận Bình khi Trung Quốc không nằm trong TPP, thì cũng phải làm sao có thể đưa tiền cho thành viên TPP mua hàng từ đối tác để hưởng lợi.

Làm sao Trung Quốc có thể cung cấp hàng hoá cho các đối tác trong TPP mua đi bán lại để kiếm lời và làm sao Trung Quốc có thể khống chế Nhật – Mỹ qua TPP bởi AIIB mới là mối quan tâm của lãnh đạo Trung Nam Hải.

Tập Cận Bình thành lập AIIB và tạo cơ chế vận hành để có thể đáp ứng được những yếu cầu ấy. Và đến nay nước cờ lợi hại này đã thể hiện sự hoàn hảo trong chiến lược của ông ta.

“AIIB và ADB đồng ý tăng cường hợp tác, bao gồm cả đồng tài trợ ở cấp chiến lược và kỹ thuật trên cơ sở bổ sung giá trị gia tăng, sức mạnh thể chế, lợi thế so sánh và cùng có lợi. Việc đầu tiên là dự án đường cao tốc nối Shorkot đến Khanewal ở tỉnh Punjab của Pakistan”, theo aiib.org.

Có lẽ không cần phân tích nhiều cũng thấy lợi ích quá lớn mà Trung Quốc có được từ sự bắt đầu hoàn hảo này giữa AIIB và ADB. Bởi lẽ trong quan hệ đang “thăng hoa” giữa Bắc Kinh và Islamabad thì, kế hoạch phát triển của Trung Quốc – nhất là phát triển về cơ sở hạ tầng cũng là kế hoạch phát triển của Pakistan. Pakistan đã hơn cả “một Triều Tiên thứ hai” trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong khi đó theo aiib.org: “AIIB và WB đã thảo luận gần một chục dự án đồng tài trợ trong các lĩnh vực bao gồm giao thông, nước và năng lượng ở Trung Á, Nam Á và Đông Á. Theo thỏa thuận, Ngân hàng Thế giới sẽ chuẩn bị và giám sát các dự án đồng tài trợ theo các chính sách và thủ tục của mình trong các lĩnh vực như mua sắm, môi trường và an toàn xã hội”.

Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) Jin Liqun và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo nhận nhận định bởi các chuyên gia của WB thì có khoảng 1,2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với điện và 2,4 tỷ người không được tiếp cận với các dịch vụ vệ sinh cơ bản.

Trong khi AIIB lại tập trung vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các ngành sản xuất khác, bao gồm cả nhiên liệu, điện năng, giao thông, viễn thông, cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển nông nghiệp, cung cấp nước, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị và hậu cần.

Điều đó cho thấy sự hợp tác liên kết giữa AIIB và WB là tất yếu, như một sự tương tác và bổ khuyết cho nhau. Vậy là  AIIB không còn là đối thủ đáng gờm mà có thể là đối tác đáng tin cậy của cả WB và ADB.

Trong khi đó Hoa Kỳ và Nhật Bản không là thành viên của AIIB nhưng Trung Quốc lại là thành viên của cả WB và ADB. Vì vậy, Bắc Kinh có thể lấy tiền của cả Mỹ và Nhật để phục vụ cho lợi ích của mình qua cơ chế hai mang của Trung Quốc.

Tập Cận Bình có thể khiến Obama mất cả chì lẫn chài

Có thế thấy rằng chiến lược “Con đường Tơ lụa mới” là thể hiện tham vọng của Tập Cận Bình nuôi “giấc mộng Trung Hoa” và AIIB là một trong những công cụ quan trọng giúp hiện thực hoá giấc mộng ấy.

Trong khi đó TPP là hiện thực hoá một chiến lược mới của Obama là chuyển trọng tâm trong chiến lược ngoại giao về Châu Á – Thái Bình Dương và giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình có thể phá vỡ chiến lược mới này của Obama.

Tuy nhiên, cho đến giờ này có thể thấy TPP của Obama đã bị AIIB của Tập Cận Bình qua mặt về tính hiệu quả của nó. Dường như TPP được xem là thành công trên bàn đàm phán của nước Mỹ trước các đối tác khác trong TPP, nhưng thành quả thì chưa chắc nước Mỹ của Obama đã được hưởng.

Bởi lẽ hầu hết những đối tác của Washington trong TPP đều bị ảnh hưởng bới Bắc Kinh, còn chính nước Mỹ cũng đang mệt nhừ vì bị Trung Quốc quần thảo.

Khi Obama hướng nước Mỹ về Châu Á – Thái Bình Dương thì Tập Cận Bình đã nhanh chóng đưa Trung Quốc thế chân Mỹ tại bờ đông Đại Tây Dương. Khi TPP chưa thể vận hành và có thể bị Trung Quốc trục lợi thì Obama quay về khởi động nhanh TTIP với các đối tác EU lâu đời.

Ông chủ Nhà Trắng hy vọng ký được TTIP trước khi mãn nhiệm. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã không có được TTIP dễ dàng như TPP.

“Dù cả Washington và Brussels đều ráo riết vận động nhưng theo đánh giá của giới quan sát thì cơ may đạt được một sự đồng thuận về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), tiến tới thiết lập một khu vực mậu dịch tự do giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Nhà Trắng là rất mong manh”, theo Reuters ngày 2/5.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng sự cứng rắn, cương quyết không nhượng bộ của EU cho thấy, hợp tác với Mỹ không còn là lựa chọn tốt nhất, duy nhất có lợi cho EU. Có thể thấy rằng, hầu hết các thành viên chủ chốt của EU đều là “đồng minh kinh tế” của Trung Quốc qua cơ chế “sáng lập viên” AIIB.

Thậm chí Trung Quốc còn có những “bạn vàng” tại lục địa già và qua đó đòn bẩy kinh tế mà Bắc Kinh đưa ra khiến cho Brussels không dễ bỏ qua “lỗi lầm” cho Washington.

Mặt khác, Tập Cận Bình còn đang quyết tâm chặn đường lui của Obama qua việc khởi động và quyết tâm hoàn tất trong năm 2016 Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 16 thành viên do Bắc Kinh làm chủ. Đây là một công cụ nguy hiểm tiếp theo được Tập Cận Bình dùng để khống chế hoàn toàn Obama. 

Vì vậy, mặc dù chỉ trích RCEP không ngăn chặn việc cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp quốc doanh, được chính phủ hỗ trợ, cũng không bảo vệ một môi trường Internet mở và tự do, song ông Obama cũng đã phải thừa nhận Hiệp định này có thể chiếm một số thị trường đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đồng thời nó còn đẩy lĩnh vực việc làm, kinh doanh và hàng hóa Mỹ vào nhiều rủi ro, theo Reuters ngày 2/5.

Như vậy là với TPP thì chưa rõ khi nào mới được vận hành, với TTIP thì không biết khi nào mới được ký kết, Tổng thống Barak Obama đang đứng trước nguy cơ trắng tay khi rời nhiệm sở, còn nước Mỹ của ông thời điểm này chỉ có thể “bắt nạt” những anh “nhà nghèo cứng cổ” hay “nhà giàu cũng khóc” kiều như Nga hay Saudi Arabia mà thôi.

Có thể thấy rằng Obama đã thua Tập Cận Bình trong một ván cờ không thể đảo ngược, những quân cờ cả hai sử dụng đều không có gì mới lạ nhưng nước cờ của Tập Cận Bình cao hơn Obama cả ở độ thâm sâu trong tầm nhìn lẫn diện rộng của sự ảnh hưởng.

Với “Hoàng hôn nhiệm kỳ” của mình, Obama đã có những nước cờ không hề dễ chịu với Putin, nhưng Obama cũng không thể dễ chịu với nước cờ đầy lợi hại của Tập Cận Bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới