Phán quyết của PCA sẽ là thước đó quan trọng để xác định tính hiệu quả thực sự của UNCLOS trong giải quyết các tranh chấp hàng hải.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Ảnh: AP / The Nation.
China Times ngày 8/5 đưa tin, ngày 6/5 Quỹ Hòa bình Sasakawa tổ chức Hội thảo An ninh Mỹ – Nhật lần thứ 3 tại Washington, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tham dự và có bài tham luận.
Xung quanh vấn đề nóng được dư luận quan tâm chú ý là việc Tòa Trọng tài Thường trực PCA sắp ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 – UNCLOS) trên Biển Đông, ông Chuck Hagel đánh giá, đây là vụ kiện rất quan trọng.
Bản thân vụ kiện này và phán quyết của PCA sẽ là thước đó quan trọng để xác định tính hiệu quả thực sự của UNCLOS trong giải quyết các tranh chấp hàng hải trên thế giới hiện nay, ông Chuck Hagel nhận xét.
“Bất kỳ bên nào liên quan đến vụ kiện nếu không tuân thủ phán quyết của PCA sẽ là vấn đề rất lớn, tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho trật tự quốc tế và biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận xét.
Theo ông, bất luận Biển Đông hay Hoa Đông thì đều có mối liên hệ đến nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế thương mại, tự do hàng hải hàng không cho đến chính trị, quân sự. Mỹ cũng có mối liên quan và lợi ích trong đó, do đó vụ kiện Biển Đông đối với ông là một sự kiện pháp lý quan trọng nhất hiện nay.
Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn ra sức chống phá vai trò và phán quyết của PCA bằng mọi thủ đoạn. China Times ngày 8/5 bình luận, mặc dù tuyên bố không tham gia phiên tòa và không chấp nhận phán quyết của PCA trong vụ này, nhưng Trung Quốc vẫn có hàng loạt hành động quân sự, ngoại giao để chống lại vai trò và phán quyết của PCA.
Theo Reuters ngày 7/5, hôm qua Thứ Bảy đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV phát video đưa tin về cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), trong đó phát cảnh quay lính hải quân Trung Quốc lăm lăm tay súng nhảy lên các tàu thương mại nước ngoài và lục soát.
Long Juan, một sĩ quan tham mưu hạm đội Nam Hải phụ trách tác chiến biển xa nói với CCTV: “Phương pháp quản lý và kiểm soát các vùng biển bao gồm các hoạt động trinh sát và giám sát, cảnh báo và trục xuất, kiểm tra và bắt giữ. Chúng tôi sẽ trục xuất, cảnh báo và bắt giữ tàu nước ngoài vi phạm quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Đây không chỉ là một thực tế phổ biến với lực lượng hải quân ở tất cả các nước, mà còn là một sự vận dụng hợp lý luật pháp quốc tế, do đó đây là một biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải của đất nước và duy trì trật tự quốc tế”.
Người viết cho rằng, phát biểu của Long Juan rõ ràng là một thông điệp của Bắc Kinh rằng, họ sẽ tiếp tục leo thang bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông, bởi lẽ các hành động ngăn chặn, xua đuổi, kiểm tra hay trục xuất, bắt giữ tàu thương mại quốc tế hoạt động hợp pháp trên các vùng biển quốc tế ở Biển Đông, kể cả khu vực Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là những hành vi Trung Quốc đang chống lại luật pháp quốc tế.
Ý nghĩa trong phán quyết lần này của PCA là làm rõ hiệu lực pháp lý của một số thực thể ở Trường Sa và Scarborough mà Philippines đề nghị cũng như căn cứ pháp lý của đường lưỡi bò, do đó sẽ thu hẹp đáng kể tranh chấp.
Lập luận từ chối tham gia và từ chối thừa nhận phán quyết của PCA từ phía Trung Quốc tiếp tục thủ đoạn đánh tráo khái niệm và bản chất vụ kiện.
Từ chỗ Philippines kiện Trung Quốc về áp dụng, giải thích và vi phạm UNCLOS và được PCA thụ lý theo đúng quy định của Phụ lục VII UNCLOS, Trung Quốc đang tuyên truyền biến bản chất vụ kiện thành thành tranh chấp “chủ quyền” đối với một số thực thể ở Trường Sa.
Bởi vậy rất có thể Trung Quốc sẽ leo thang và bắt giữ một số tàu thuyền thương mại các nước hoạt động hợp pháp ở khu vực gần các thực thể Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp tại Hoàng Sa và Trường Sa hòng chống đối, vô hiệu hóa phán quyết của PCA.
Phải chăng đó chính là “sức bật lò so” Trung Quốc mà một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao nước này đang đe dọa dư luận khu vực trước phán quyết của Tòa?
Bởi vậy, người viết cho rằng hơn lúc nào hết, lúc này các bên cần tỉnh táo nhận rõ bản chất vụ kiện và phán quyết của PCA cũng như lập luận ngụy biện, đánh tráo khái niệm của Trung Quốc để có ứng xử thích hợp, nhằm bảo vệ tính trong sáng của UNCLOS, công lý và công pháp quốc tế, hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Đặc biệt là một số quốc gia đã được Trung Quốc vận động cái gọi là “nhận thức chung 4 điểm” hay chống quốc tế hóa Biển Đông cần nhận thức rõ điều này. PCA không giải quyết tranh chấp chủ quyền, không ra phán quyết về chủ quyền, mà chỉ thụ lý vụ kiện Philippines trên phương diện áp dụng và giải thích UNCLOS. Bởi vậy, dù một số quốc gia có ủng hộ “đồng thuận 4 điểm” cũng không có nghĩa là họ sẽ phản đối phán quyết của PCA.