Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngCơ hội để TQ ve vãn Philippines về Biển Đông

Cơ hội để TQ ve vãn Philippines về Biển Đông

Trung Quốc muốn lập một “chương mới” với Philippines, trong khi ứng viên tổng thống Philippines muốn đàm phán song phương với Bắc Kinh về Biển Đông.

Thị trưởng thành phố Davao Rodrigo Duterte

Bên lề sự kiện 25 năm thiết lập quan hệ Liên minh châu Âu -Philippines hôm 5/5, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jinsua phát biểu rằng, Trung Quốc muốn lập một “chương mới” trong quan hệ với Philippines, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực về vụ Manila kiện Trung Quốc theo chiều hướng nào.

“Dĩ nhiên, hai bên có khác biệt. Chúng tôi hy vọng là hai nước có thể giải quyết thỏa đáng bất đồng và không để điều này là điểm chi phối”, ông Jinsua nói.

Ông Zhao Jinsua cũng nói rằng thay vì bất đồng, đối đầu, Trung Quốc và Philippines nên hướng nỗ lực vào quan hệ song phương, nhất là trong các lĩnh vực đưa lại lợi ích cho cả hai. Về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Đại sứ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã từng giải quyết thành công vấn đề biên giới với một số nước, dù có phải mất nhiều thời gian. Đơn cử với Nga, hai bên ký hiệp ước phân định đường biên giới sau hơn 50 năm đàm phán và đó là thỏa thuận mang tính ràng buộc.

Theo Đại sứ Trung Quốc, hai nước không nên xung đột vì đều là bạn, láng giếng và đối tác của nhau. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ đủ thông minh, đủ kiên nhận để tiếp tục hay nối lại các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm ra một giải pháp chấp nhận được đối với cả hai phía”, ông Zhao Jinsua bày tỏ, đồng thời khẳng định sẵn sàng gặp mặt với vị Tổng thống tới đây của Philippines.

Tòa trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (La Haye)/Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ Manila kiện Bắc Kinh về “đường 9 đoạn” phi lý bao trùm gần hết Biển Đông. Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố không tham gia vào tiến trình này và không chấp nhận phán quyết.

Liên quan đến cuộc tổng tuyển cử tại Philippines vào ngày 9/5 tới, ông Zhao Jinsua nói rằng: “Chúng tôi đã theo dõi những bình luận và phát biểu của các ứng cử viên. Tôi nghĩ hầu hết trong số họ đều nhấn mạnh đến sự sẵn lòng đối thoại với Trung Quốc. Họ sẵn sàng phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc”.

Có lẽ một trong những ứng viên tổng thống Philippines mà ông Jinsua muốn nhắc đến là Rodrigo Duterte, người thường được so sánh với Donald Trump, ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ . Những tuyên bố của ông này về việc những gì mà ông sẽ làm nếu đắc cử Tổng thống Philippines khiến giới quan sát quốc tế có nhiều lý do để lo lắng. Thậm chí, nhà phân tích quân sự người Mỹ John Ford trong bài viết đăng trên tờ Diplomat ngày 5/5 còn gọi đây là một ý kiến quá ngây thơ và mang mầm mống thất bại ngay từ đầu.

Theo đó, ông Duterte cho biết nếu được bầu làm tổng thống Philippines năm nay, ông sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Trung Quốc cũng như mở ra các cuộc thăm dò tài nguyên chung trên Biển Đông. Đây là một “chiến thuật mới”, đi ngược lại nỗ lực kêu gọi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng luật pháp quốc tế và đàm phán đa phương, theo The Wall Street Journal ngày 4/5.

Trong cuộc vận động tranh cử ngày 2/5, ông Duterte khẳng định mình hoàn toàn có thể đi ca nô nước tới các khu vực tranh chấp với Trung Quốc và cắm cờ Philippines trên đó, mặc dù không thể chắc chắn hiện nay phải có đối sách gì đối với các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi bãi cạn Scarborough gần đây đang là đề tài nóng giữa Manila và Bắc Kinh.

Trong các bài phỏng vấn trước đây, ông Duterte cũng khẳng định sẽ đàm phán trực tiếp với Trung Quốc nếu các nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp không hiệu quả trong vòng 2 năm tới.

Điều đáng nói, những tuyên bố của vị ứng viên tổng thống Philippines này được đưa ra trong khi chính quyền của đương kim Tổng thống Benigno Aquino lúc này đang căng thẳng với Trung Quốc. Philippines đang kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế ở The Hague (Hà Lan), và không chấp nhận đàm phán song phương với Bắc Kinh.

Nguy cơ rơi vào bẫy của Trung Quốc

Theo nhà phân tích quân sự Mỹ John Ford, các nước láng giềng đang cố gắng đối phó với Trung Quốc thông qua các biện pháp ngoại giao tại các diễn đàn đa phương. Bởi vì Trung Quốc lớn mạnh hơn rất nhiều so với bất kỳ nước láng giềng nào, nhiều nước có chung đường biên giới với CHND Trung Hoa đã rất chật vật trong việc bảo vệ lợi ích của minh khi đàm phán song phương với Bắc Kinh. Trung Quốc luôn thúc ép đàm phán song phương, trong khi các nước láng giềng lại nhấn mạnh đến các diễn đàn đa phương. Ở Biển Đông, Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với các bên tranh chấp khác nhau.

Với đề nghị đàm phán song phương, ứng viên tổng thống Duterte đã rơi vào cái bẫy của Trung Quốc, Diplomat dẫn lời John Ford nhận định. Bởi vì khi Philippines chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có được lợi thế rất lớn vì Manila thiếu cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm để bảo vệ hiệu quả tuyên bố chủ quyền của mình. Philippines cần phải hợp tác với các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác, như Việt Nam và Malaysia, để chống lại các hành động cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc.

Khi Duterte bước vào đàm phán song phương với Bắc Kinh, mặt trận ngoại giao thống nhất chống Trung Quốc độc chiếm Biển Đông sẽ sụp đổ. Thị trưởng Duterte dường như quên mất điều này.

Theo cách tiếp cận hiện nay của Philippines, việc Manila thách thức Trung Quốc chiếm đóng các tính năng hàng hải đang nhận được sự hỗ trợ của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.

Trong khi đó, nếu làm theo cách tiếp cận Duterte, Bắc Kinh sẽ chỉ phải chờ thêm hai năm cho tới khi Philippines tự phá vỡ mặt trận thống nhất giữa các nước Đông Nam Á cũng có tuyên bố chủ quyền Biển Đông và tự rơi vào cái bẫy mà Trung Quốc đã giăng sẵn. Trong đàm phán song phương, Trung Quốc luôn chiếm lợi thế tuyệt đối trước Philippines.

Cam kết gần đây của Duterte rằng ông ta sẽ “từ bỏ” những tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, nếu Trung Quốc chi tiền xây dựng một tuyến đường sắt chạy vòng quanh đảo Mindanao và một tuyến đường sắt khác giữa Manila và Bicol.

Bất kể giá trị đầu tư mở rộng các tuyến đường sắt ở Philippines là bao nhiêu, cái giá của nó làm sao sánh bằng cái giá của việc Manila nhượng lại quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa cho Trung Quốc.

Nếu Bắc Kinh củng cố được các tiền đồn quân sự ở đảo Trường Sa, Trung Quốc có thể dễ dàng triển khai sức mạnh chống lại Philippines và đảm bảo sự thống trị quân sự ở Biển Đông chống lại tất cả các đối thủ. Trung Quốc sẽ có thể tự tạo ra một thực tế mới, thay thế bất cứ điều gì trong luật pháp quốc tế.

Nhà phân tích quân sự người Mỹ John Ford cho rằng, đề nghị của ứng viên tổng thống Duterte cho thấy sự thiếu sáng suốt (nếu không nói là quá ngờ ngệch) trong chính sách ngoại giao nói chung và trong chính sách ngoại giao với Trung Quốc nói riêng. Cách tiếp cận của ông ta về cơ bản sẽ là “tự mình rơi vào bẫy” của Trung Quốc và khiến cho Manila lâm vào vị thế yếu nhất trong đàm phán song phương với Bắc Kinh, trong khi phớt lờ các nguy cơ quân sự có tính chất sống còn của việc từ bỏ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới