Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao nhiều ngân hàng không muốn lên sàn?

Vì sao nhiều ngân hàng không muốn lên sàn?

Mặc dù cả nước hiện có 35 ngân hàng thương mại, nhưng mới chỉ có 10 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán. Vậy đâu là nguyên nhân để hơn 2/3 số ngân hàng còn lại “chần chừ” với việc đáng ra phải làm sớm trong nền kinh tế thị trường.

Các ngân hàng vẫn dè dặt với kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.

Dè dặt

Theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 254), năm 2015 là năm cuối cùng của lộ trình thực hiện các bước tái cơ cấu. Một trong những mục tiêu được nhấn mạnh là phải lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng qua việc tăng tính minh bạch thông qua việc áp dụng cơ chế mới về công bố thông tin, thực hiện niêm yết cổ phiếu các ngân hàng TMCP trên thị trường chứng khoán.

Thế nhưng, vào đầu năm 2015, trước việc các ngân hàng không mấy mặn mà với việc lên sàn chứng khoán, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Bình đã phải ra văn bản số 657/NHNN-TTGSNH về việc triển khai niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ngân hàng TMCP theo Đề án 254.

Theo đó, Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các ngân hàng TMCP đặt trụ sở chính trên địa bàn hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, đồng thời theo dõi, giám sát việc triển khai kế hoạch; kịp thời báo cáo và đề xuất Thống đốc NHNN các biện pháp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu NHNN đưa ra yêu cầu niêm yết cổ phiếu đối với các ngân hàng thương mại. Trước đó, cuối năm 2013 và năm 2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và NHNN cũng đã hối thúc các ngân hàng TMCP lên sàn để tăng cường kiểm soát và xử lý dần tình trạng sở hữu chéo trong lộ trình đến năm 2015.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn chưa được như mong muốn, khi chỉ có chưa đến 1/3 số lượng ngân hàng thương mại thực hiện. Những cái tên nằm trong danh sách chưa lên sàn có cả ngân hàng vừa và nhỏ, nhưng cũng có cả những “ông lớn”. Nguyên nhân được các ngân hàng này đưa ra phần lớn là chưa đến “thời điểm” để các ngân hàng niêm yết, hoặc các ngân hàng này vẫn đang “bận rộn” trong công cuộc tái cơ cấu, mua bán và sáp nhập với các tổ chức tín dụng khác…

Đến “mùa” Đại hội cổ đông gần đây, một số ngân hàng mới đề xuất và dự tính phương án lên sàn như Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank)… Tuy vậy, động thái này vẫn còn khá “dè dặt”, tiêu biểu như nghị quyết Đại hội cổ đông của Nam Á Bank nêu rõ, Đại hội đồng cổ đông thông qua việc thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng trên cơ sở cân nhắc diễn biến của thị trường và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông cho lần kế tiếp.

Không thể hay không muốn?

Nhận định về tình hình lên sàn chứng khoán của các ngân hàng thương mại Việt Nam, chuyên gia kinh tế – TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, các ngân hàng vừa không muốn lại vừa không thấy cần thiết để lên sàn. Bởi nếu niêm yết trên sàn chứng khoán, các ngân hàng sẽ phải cân đối giữa cái được và mất, nhất là trong bối cảnh nước ta không chọn việc lên sàn chứng khoán và mua bán cổ phiếu như một công cụ đắc lực để tái cơ cấu.

“Nếu cân đối lợi ích giữa hoạt động thương mại của ngân hàng cũng như quan điểm về quản lý của Nhà nước với hệ thống ngân hàng thì chưa có động cơ cụ thể để các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thậm chí, ngay cả trong những ngân hàng đang niêm yết thì cũng có một số ngân hàng, sau khi cân đối lợi ích giữa được và mất, họ đang mong rút ra sẽ tốt hơn.

Bởi lên sàn chứng khoán là một xu thế chung, nhưng việc tham gia vào thị trường chứng khoán cần có 2 động lực để thực hiện, một là động lực “đẩy” – sự thúc ép từ phía cơ quan Nhà nước, hai là động lực “kéo” – các ngân hàng phải thấy được sự hấp dẫn và lợi ích khi niêm yết cổ phiếu. Nhưng ở nước ta hiện nay, cả hai động lực này vẫn chưa mạnh mẽ để hấp dẫn các ngân hàng”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.

Nhìn nhận từ phía tổ chức tư vấn tài chính nước ngoài, ông William Mah, chuyên gia tài chính, Chủ phần hùn Công ty TNHH Tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC) cho hay, các ngân hàng chưa có nhu cầu cấp bách về việc lên sàn bởi họ vẫn đang có thể hoạt động tốt với nguồn vốn hiện tại, chưa có nhu cầu kêu gọi đầu tư hoặc bản thân các ngân hàng không muốn tuân thủ với yêu cầu niêm yết thông tin khi lên sàn chứng khoán. Thông thường việc lên sàn là một chọn lựa đối với các công ty có yêu cầu tăng vốn, lựa chọn này cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí hoạt động để đáp ứng các yêu cầu báo cáo đối với công ty niêm yết và tăng mức độ công bố thông tin, do vậy, có những tập đoàn có quy mô và danh tiếng toàn cầu vẫn duy trì sở hữu của các nhóm cổ đông tư nhân mà không phải là công ty niêm yết .

Tại Việt Nam, theo ông William Mah, nếu xét trên khía cạnh đảm bảo công bố thông tin minh bạch, với việc NHNN đang yêu cầu các ngân hàng phải áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II, thì việc lên sàn chứng khoán hay không, các ngân hàng vẫn phải đáp ứng yêu cầu công bố thông tin chi tiết, minh bạch và hoàn chỉnh. Do đó, việc lên sàn chỉ còn là vấn đề về nhu cầu tăng vốn.

Theo quy định, room “ngoại” của các tổ chức tín dụng hiện là 30%, con số này khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp lĩnh vực khác. Trong khi, các nhà đầu tư “đầu tàu” bỏ vốn mạnh nhất, bền vững nhất lại là các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, đã không ít lần, lãnh đạo của một vài ngân hàng lớn lên tiếng đề nghị nới room, bởi thị trường chứng khoán chỉ thực sự hấp dẫn khi các ngân hàng tìm được một nguồn vốn đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về vốn của ngân hàng. Theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng lên sàn chứng khoán chỉ là chuyện sớm hay muộn, nhưng điều quan trọng là cần xuất phát từ nhu cầu của họ thì thị trường mới phát triển bền vững, nếu cứ chỉ hô hào, thúc ép thì các ngân hàng nếu lên được cũng có phần “gượng ép” mà thị trường cũng không thể phát triển đúng hướng.

RELATED ARTICLES

Tin mới