Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÂm mưu của Đài Loan can thiệp bất ngờ và khả năng...

Âm mưu của Đài Loan can thiệp bất ngờ và khả năng phán quyết của PCA

Phán quyết của PCA sẽ gợi mở cho Việt Nam những cánh cửa pháp lý để giải quyết các vấn đề cụ thể trên Biển Đông.

Tiến sĩ  Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông xung quanh việc Đài Loan bất ngờ can thiệp vào vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông và khả năng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục đến quý bạn đọc. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Ngày 10/5 hãng thông tấn Reuters đưa tin, có khả năng PCA sẽ “trì hoãn” việc ra phán quyết vụ kiện của Philippines chống lại yêu sách đường lưỡi bò bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sau khi một nhóm người Đài Loan khiếu nại với PCA về đảo Ba Bình với lập luận, đảo này đủ điều kiện hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Điều 121 UNCLOS.

Động thái này xuất hiện bất ngờ trong bối cảnh phán quyết của PCA về vụ kiện đã cận kề và dư luận đang nóng lòng chờ đợi phân xử của Tòa bởi những hành động leo thang quân sự hóa ngày càng lộng hành ngang ngược từ phía Trung Quốc. 

Nó khiến cho dư luận băn khoăn và nảy sinh nhiều câu hỏi khác nhau xung quanh vụ kiện, ví dụ như liệu sự can thiệp bất ngờ ở phút chót của Đài Loan, hay kết quả bầu cử Tổng thống mới ở Philippines, hoặc là những vận động ngoại giao ráo riết của Trung Quốc gần đây liệu có ảnh hưởng bất lợi đến phán quyết của PCA hay không?

Thậm chí có khả năng PCA phải “trì hoãn” hoặc không ra phán quyết vì Đài Loan can thiệp hay không?

PCA sẽ ra phán quyết những nội dung gì và phán quyết như thế nào? Đó cũng là vấn đề dư luận đang rất quan tâm, chờ đợi bởi nó có thể tác động ảnh hưởng trực tiếp tới tính toán của các bên liên quan, cũng như khả năng diễn biến tiếp theo trên Biển Đông.

Trong khuôn khổ bài viết này, xin làm rõ mấy vấn đề dư luận đang quan tâm như đã nêu trên mà người viết nhận được qua nhiều kênh khác nhau.

Philippines không kiện về Ba Bình, Đài Loan can thiệp vào phút chót là có ý đồ nhưng vô hiệu

Thông cáo báo chí của PCA ngày 29/10/2015 về thẩm quyền thụ lý vụ việc của Tòa cho biết, Philippines khởi kiện Trung Quốc 15 nội dung, trong đó không có nội dung nào liên quan đến đảo Ba Bình.

Các nội dung Philippines đề nghị PCA làm rõ hiệu lực pháp lý một số thực thể ở Biển Đông chủ yếu tập trung vào 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, cụ thể:

(3) Bãi cạn Scarborough không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

(4) Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, đá Xu Bi ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển khi thủy triều lên, do đó không tạo ra một lãnh hải, không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, không phải thực thể có thể tạo ra hiệu lực pháp lý.

(6) Ga Ven và bãi McKennan (bao gồm cả đá Tư Nghĩa hay còn gọi là Huy Gơ) ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển khi thủy triều lên và không tạo ra một vùng lãnh hải, một vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa riêng, nhưng mép nước của các thực thể này khi thủy triều thấp có thể được sử dụng để tính đường cơ sở xác định chiều rộng lãnh hải tương ứng của đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn.

(7) Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập không tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Đá Châu Viên bị Trung Quốc đảo hóa và quân sự hóa bất hợp pháp, một đối tượng của vụ kiện. Ảnh: CSIS.

Như vậy có thể thấy, Philippines chỉ tập trung vào làm rõ hiệu lực pháp lý của các thực thể Trung Quốc đã và đang chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông bao gồm Scarborough và 7 thực thể ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) cũng như một thực thể Trung Quốc đang lăm le thôn tính là bãi Cỏ Mây, tránh đề cập đến hiệu lực pháp lý của các đảo, trong đó có Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất.

Vậy tại sao Đài Loan lại ráo riết vận động, tác động nhằm gây ảnh hưởng đến phán quyết của PCA về đảo Ba Bình, một thực thể không nằm trong nội dung Philippines khởi kiện?

Người viết cho rằng, cả Đài Loan và Trung Quốc đều lo sợ đường lưỡi bò mà chính quyền Trung Hoa Dân quốc vẽ ra năm 1947 với 11 đoạn yêu sách độc chiếm Biển Đông, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “kế thừa” năm 1949 và sau này sửa thành 9 đoạn đang có nguy cơ bị PCA bác bỏ vì nó chẳng có căn cứ nào.

Phần lớn giới học giả và luật gia quốc tế cũng có chung nhận định, khả năng PCA bác bỏ đường lưỡi bò là rất cao. Đặc biệt là Hoa Kỳ, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc làm rõ đường lưỡi bò, ép Đài Loan công bố hồ sơ đường lưỡi bò.

Thậm chí Tổng thống Obama đã trực tiếp lên tiếng yêu cầu làm rõ. Tất cả những điều này khiến cho ai đó tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng đường lưỡi bò đều hết sức lo sợ, trong đó có chính quyền Đài Loan sắp mãn nhiệm Mã Anh Cửu.

Bản thân ông Cửu đã đổ bộ trái phép lên đảo Ba Bình trước thềm phán quyết của PCA chỉ để chứng minh rằng Ba Bình là một đảo có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Tính toán của Đài Loan, mà cụ thể là của chính quyền Mã Anh Cửu theo cá nhân người viết, là hòng bảo vệ tham vọng độc chiếm Biển Đông từ cả phía Đài Loan lẫn Trung Quốc.

Bởi lẽ theo tính toán của họ, dù đường lưỡi bò không giữ được, thì chí ít cũng hy vọng “kiếm được” 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế thông qua phán quyết của PCA mà họ nghĩ rằng Tòa sẽ xét xử nội dung họ đề nghị.

Tuy nhiên, sẽ chẳng có phán quyết nào của PCA về Ba Bình trong vụ kiện của Philippines.

Còn việc Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán PCA thành lập thụ lý vụ kiện tiếp nhận hồ sơ, lắng nghe ý kiến của Đài Loan cho dù thực thể này không phải thành viên Liên Hợp Quốc, cũng chẳng phải thành viên UNCLOS cho thấy cơ quan tài phán này rất công tâm lắng nghe tiếng nói từ nhiều phía, nhưng chắc chắn nó không ảnh hưởng, tác động gì đến phán quyết của PCA về vụ kiện này.

Lý do Philippines không kiện về Ba Bình và tính toán của các bên

Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất ở Trường Sa hiện do Đài Loan chiếm đóng và kiểm soát (bất hợp pháp) từ năm 1956 đến nay. Đài Loan lập luận đảo này có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vì nó có nước ngọt và con người có thể sinh sống, “vận dụng” theo Điều 121 UNCLOS.

Ông Mã Anh Cửu đổ bộ bất hợp pháp lên đảo Ba Bình, cầm trái bí ngô để chứng minh đảo này con người có thể sống được, có thể hưởng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Ảnh: gdnonline.com.

Tuy nhiên, hiểu như thế nào về tiêu chí “thích hợp cho con người sinh sống hoặc có đời sống kinh tế riêng” mà Điều 121 UNCLOS quy định để 1 đảo có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cũng còn nhiều tranh cãi.

Bởi tiêu chí để đánh giá 2 nội dung này không được UNCLOS quy định, và cơ quan tài phán phải lục tìm trong các án lệ, tập quán quốc tế để vận dụng nó, nếu như có đơn kiện hay khiếu nại về vấn đề này.

Do đã thấy trước được sự phức tạp của việc giải thích Điều 121 UNCLOS, cũng như tính toán của các bên về khả năng yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế cho một số đảo lớn ở Trường Sa mà các bên đang đóng giữ, nên Philippines không lựa chọn các đảo này để yêu cầu PCA ra phán quyết về hiệu lực pháp lý của chúng.

Mặt khác, đối tượng chính của vụ kiện là Trung Quốc và nội dung chính là Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước, vi phạm Công ước trên Biển Đông đang gây ra căng thẳng leo thang và rất nhiều hệ lụy nguy hiểm cho hòa bình, an ninh khu vực, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông, an ninh quốc gia cũng như sinh kế của ngư dân Philippines…

Bởi vậy Ba Bình hay các đảo lớn khác không phải đối tượng Philippines đưa ra tòa trong vụ kiện này.

Qua đây nó cũng cho thấy, các bên tranh chấp ở Trường Sa dường như vẫn đang “thủ thế” bởi cho đến nay ngoài Đài Loan đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế cho Ba Bình thì chưa bên nào lên tiếng chính thức về hiệu lực pháp lý của các đảo lớn hay các thực thể mà mình yêu sách ở Trường Sa có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, có lãnh hải tối đa 12 hải lý hay không.

Sự “thủ thế, chờ thời” này xuất phát từ thực tế áp dụng, giải thích UNCLOS đặc biệt là Điều 121 còn nhiều nhận thức khác nhau. Nếu công khai không đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế thì sợ sẽ bị “hớ”, mà công khai đòi lúc này càng làm cho tranh chấp ở Trường Sa thêm phức tạp, đặc biệt là có thể vô hình chung làm lợi cho Trung Quốc và Đài Loan.

Bởi lẽ, yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế cho một hoặc một vài thực thể nào đó ở Trường Sa, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp chính là một con đường, một thủ đoạn để hiện thực hóa đường lưỡi bò về mặt pháp lý.

Do đó nếu kiện về Ba Bình, có một tâm lý lo ngại là cái được cho mình chưa thấy đâu, nhưng cái được cho đối thủ, cụ thể là Trung Quốc hay Đài Loan lại rất rõ.

Kết quả bầu cử Tổng thống Philippines hay việc Trung Quốc vận động hành lang không ảnh hưởng đến PCA ra phán quyết

Việc ông Rodrigo Duterte được bầu làm Tổng thống Philippines và có những quan điểm mới trong tiếp cận với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại có thể ảnh hưởng đến phán quyết của PCA.

Ông Rodrigo Duterte, ảnh: AP.

Lo ngại này xuất phát từ việc ông Rodrigo Duterte tuyên bố khi vận động tranh cử, nếu sau 2 năm tiếp theo khi ông đắc cử Tổng thống, Philippines tiếp tục theo đuổi các giải pháp pháp lý mà không hiệu quả thì sẽ đàm phán với Trung Quốc.

Tuy nhiên người viết cho rằng lo ngại này không có cơ sở.

Thứ nhất là vì Philippines khởi kiện Trung Quốc với tư cách một quốc gia kiện một quốc gia khác, khó có khả năng dễ dàng thay đổi lập trường vì quan điểm cá nhân.

Thứ hai, ngay từ khi khởi kiện thì chính quyền Tổng thống Aquino đã xác định, kiện là để tạo bàn đạp thượng phong về mặt pháp lý trong đàm phán.

Tất nhiên những tranh chấp song phương như Scarborough thì có thể đàm phán song phương, còn những tranh chấp đa phương như ở Trường Sa thì bắt buộc phải có sự tham dự của các bên liên quan, bản thân ông Rodrigo Duterte cũng thừa nhận điều này.

Với những gì Bắc Kinh thể hiện, kể cả Philippines hay bất kỳ bên liên quan nào khác ở Biển Đông, không ai ảo tưởng Trung Quốc sẽ dễ dàng chấp nhận và thực thi phán quyết của PCA, nhất là khi phán quyết bất lợi cho họ.

Tuy nhiên, phán quyết của PCA vẫn có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với UNCLOS, đối với Biển Đông, hòa bình và ổn định trong khu vực.

Nó không chỉ củng cố niềm tin cho dư luận vào công lý và công pháp quốc tế trước sức ép cường quyền, mà còn là cơ sở để củng cố đoàn kết nội bộ dư luận Philippines, rộng ra là nội bộ ASEAN trước rất nhiều thủ đoạn chia rẽ từ Trung Quốc.

Quan trọng hơn nữa, phán quyết của PCA bác đường lưỡi bò sẽ thu hẹp đáng kể tranh chấp ở Biển Đông.

Thứ ba, vụ kiện của Philippines chỉ là nhát cuốc pháp lý đầu tiên bổ vào âm mưu và cuồng vọng của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông, mở màn cho công cuộc đấu tranh chống bành trướng bằng con đường pháp lý, chứ không phải PCA phán quyết xong là mọi thứ có thể giải quyết ổn thỏa.

Trên cơ sở phán quyết này, Philippines và các bên liên quan bao gồm Việt Nam sẽ phải tính toán những bước đi tiếp theo để phát huy tối đa hiệu ứng, ảnh hưởng lan tỏa trong phán quyết của Tòa.

Còn những hoạt động vận động hành lang của Trung Quốc chống lại PCA và phán quyết của Tòa cho thấy, Trung Quốc vẫn cần thể diện, vẫn còn biết sợ dư luận, sợ bị cô lập. Chỉ có điều phản ứng của họ càng làm cho tình trạng tồi tệ hơn chứ không thể ảnh hưởng đến phán quyết của PCA.

Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều đã lên tiếng ủng hộ phán quyết của PCA và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ. Duy chỉ có Nga vì tính toán lợi ích chiến lược của riêng mình mà có quan điểm ngược lại, nhưng điều này không ảnh hưởng gì đến PCA và phán quyết của Hội đồng Trọng tài.

Khả năng phán quyết của PCA

Philippines khởi kiện Trung Quốc 15 nội dung, PCA xác định có thẩm quyền thụ lý và phán quyết 7 nội dung, các nội dung còn lại sẽ để lại xem xét trong quá trình thụ lý sau khi đã xác định thẩm quyền của Tòa. 7 nội dung PCA xem xét có thể gói gọn trong 3 phương diện.

Hình minh họa: Internet.

Một là bác bỏ đường lưỡi bò với lập luận “quyền lịch sử”, “vịnh lịch sử” hay “vùng đánh cá truyền thống” mà Trung Quốc đưa ra; Hai là xác định hiệu lực pháp lý của các thực thể mà Philippines đề cập, chủ yếu là các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa;

Ba là Trung Quốc vi phạm UNCLOS khi xây đảo nhân tạo, phá hủy môi trường biển, ngăn cản các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines yêu sách…

Nhiều quan điểm cho rằng, rất có khả năng PCA sẽ ra phán quyết trên 2 nhóm vấn đề hay 2 phương diện đầu tiên. Còn việc Trung Quốc phá vỡ hiện trạng, quân sự hóa Biển Đông, ngăn cản sinh kế của ngư dân Philippines, phá hủy môi trường biển thì ít khả năng PCA ra phán quyết.

Tuy nhiên người viết cho rằng, khả năng PCA sẽ ra phán quyết cụ thể về đường lưỡi bò và các hoạt động phá vỡ hiện trạng, quân sự hóa Biển Đông, phá hủy môi trường biển và ngăn chặn sinh kế của Philippines cao hơn nhiều.

Riêng nhóm nội dung liên quan đến việc áp dụng giải thích UNCLOS về hiệu lực pháp lý của các thực thể, người viết cho rằng rất có thể PCA sẽ ra một phán quyết “trung dung” đối với một số thực thể, tức không thừa nhận cũng không phủ nhận mà sẽ chờ đợi điều tra thêm.

Bởi lẽ như phân tích phía trên, việc xác định các tiêu chí hiệu lực pháp lý cho các thực thể ở Trường Sa là vô cùng khó khăn. Không chỉ bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mà quan trọng hơn là tình trạng tranh chấp và đặc biệt là cấu trúc, địa hình địa mạo bị biến dạng bởi bàn tay con người, cụ thể nhất là các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Do đó việc xác định, xác minh các tiêu chí thế nào là thích hợp cho con người sinh sống, thế nào là đời sống kinh tế riêng là những vấn đề kỹ thuật thuần túy, nhưng trong bối cảnh hiện nay xác minh nó không phải việc dễ dàng.

Còn đường lưỡi bò và các hành động leo thang cua Trung Quốc phá vỡ hiện trạng, phá hủy môi trường, leo thang quân sự hóa Biển Đông, đe dọa và ngăn chặn sinh kế của ngư dân Philippines thì đã quá rõ.

Bởi vậy với tư cách là một bên liên quan ở Trường Sa nói riêng, Biển Đông nói chung mà Philippines khởi kiện, được hưởng lợi ích từ phán quyết của PCA trong vụ kiện này, Việt Nam cần chuẩn bị các bước đi tiếp theo cho mình, tiếp tục các nỗ lực bảo vệ công lý và luật pháp, bảo vệ UNCLOS và phán quyết của PCA mà không có gì phải lo ngại về tác động tiêu cực đến yêu sách chủ quyền của mình ở Trường Sa.

Ngược lại, phán quyết của PCA sẽ gợi mở cho Việt Nam những cánh cửa pháp lý để giải quyết các vấn đề cụ thể trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới