Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông số 13

Bản tin Biển Đông số 13

Như tin đã đưa, thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp gặp phải thất bại trên mặt trận chính trị và ngoại giao khi bị chỉ trích trong Tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước G7 và bị Fiji bóc mẽ, khẳng định nội dung tuyên bố báo chí mà Bắc Kinh đưa ra không đúng sự thật. Những sự việc này rõ ràng không làm cho Trung Quốc cảm thấy hài lòng. Đúng như bản chất, Trung Quốc không chịu ngồi yên. Bằng chứng là nước này tiếp tục triển khai các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông song song với việc sử dụng các phương tiện truyền thông để tô vẽ cho các hoạt động ngoại giao nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các nước trong vấn đề Biển Đông.

Điều mà cộng đồng quốc tế lo ngại bấy lâu nay cuối cùng đã xảy ra: Bắc Kinh quyết định đưa máy bay quân sự đến một trong các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông, khiến cho tình hình an ninh khu vực ngày càng trở nên căng thẳng. Tin tức về việc máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa ngày 17/4 tràn ngập trên trang nhất các báo, các hãng thông tấn như CNN, BBC, Reuters, ABC News, Inquirer,… Thông tin này được đưa ra bởi chính tờ báo là cánh tay của Nhân dân Nhật báo, tờ báo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu. Theo thời báo Hoàn Cầu, một máy bay Trung Quốc đang tuần tra trên vùng trời Biển Đông đã nhận được yêu cầu khẩn cấp phải hạ cánh xuống đá Chữ Thập để sơ tán 3 công nhân bị thương. Đầu năm 2016, Trung Quốc đã từng tiến hành hoạt động bay thử nghiệm, đưa máy bay dân sự hạ cánh tại đường băng dài 3000m mà Trung Quốc đã xây dựng trên đá Chữ Thập. Tuy nhiên, việc công khai sử dụng máy bay quân sự tại đây thì là lần đầu tiên.

Sự việc này nhanh chóng thu hút sự chú ý cũng như quan ngại của cộng đồng thế giới. Ngày 18/4, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis đã đưa ra phát biểu, chất vấn Trung Quốc về lý do nước này sử dụng máy bay quân sự thay vì máy bay dân sự để tiến hành “hoạt động nhân đạo”. Trong tuyên bố của mình, ông Davis cũng yêu cầu Trung Quốc phải khẳng định rằng họ không có kế hoạch triển khai hay luân phiên các máy bay quân sự tại tiền đồn của họ ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với những cam kết trước đó củaTrung Quốc. Đáp lại, Cục Báo chí Bộ Quốc phòng Trung Quốc biện hộ rằng “truyền thống quân đội nước này là giúp đỡ những người gặp khó khăn như một phần cam kết quân đội đểphục vụ nhân dân tận tụy”. Cùng chung một giọng điệu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 19/4 tiếp tục giải thích việc máy bay quân sự tham gia cứutrợ thiên tai,hỗ trợ nhân đạovà sơ tán người dânlàcáchlàmphổ biếncủa các nướctrên thế giới và Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Không chỉ có vậy, cả đại diện của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều nhân cơ hội này chỉ trích ngược lại Mỹ, cho rằng Mỹ sử dụng tàu chiến và máy bay chiến đấu để thực hiện chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông là không có cơ sở. Đây là cách làm thường thấy của Bắc Kinh mỗi khi bị phê phán do những hành động sai trái của mình gây ra. Đáng chú ý, Hoa Xuân Oánh đã khôn khéo đưa từ “trong lãnh thổ Trung Quốc” vào nội dung tuyên bố của mình, cho rằng máy bay quân sự và quân nhân Trung Quốc sẽ kịp thời xuất hiện ở bất cứ nơi nào cần thiết. Có thể thấy bà Hoa đang ám chỉ đến yêu sách chủ quyền đầy phi lý của nước này đối với các thực thể trên quần đảo Trường Sa. Cùng một sự việc mà Trung Quốc có thể nhắm mũi tên trúng hai đích: vừa tranh thủ đòi hỏi yêu sách chủ quyền, vừa thừa cơ phản bác Mỹ. Điều này cho thấy chính sách bá quyền của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông, gạt tất cả các nước ra khỏi khu vực không hề thay đổi mà được áp dụng một cách triệt để, mọi lúc mọi nơi.

Việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự đến đá Chữ Thập cho thấy đường băng trên cấu trúc này có thể tương thích với các tiêu chuẩn quân sự và có thể trở thành căn cứ cho máy bay chiến đấu trong trường hợp có chiến tranh. Điều này đã khiến cho cộng đồng quốc tế tỏ ra lo ngại về việc Bắc Kinh không sớm thì muộn cũng sẽ đặt căn cứ cho máy bay quân sự tại đây. Theo thông tin cho biết, hiện Trung Quốc đã bố trí ở đảo Phú Lâm khoảng 10 máy bay chiến đấu, bao gồm J-11, JH-7, ngoài ra còn có 8 tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 trong đó có 4 tổ hợp đã vận hành bình thường cùng với hệ thống radar hiện đại.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã tiết lộ khả năng cải tạo bãi Scarborough mà nước này chiếm từ tay Philippines năm 2012. Theo kế hoạch, rất có thể một đường băng mới sẽ được xây dựng tại đây nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát của lực lượng không quân nước này ở Biển Đông lên ít nhất 1.000km đến tận quần đảo Luzon. Thậm chí, với việc hoàn thành cải tạo bãi Scarborough, căn cứ quân sự Basa của Mỹ ở Pampanga cũng sẽ nằm trong tầm kiểm soát 24/24h của Trung Quốc khi radar và các thiết bị khác được lắp đặt tại đây.

Ngày 22/4, các trang mạng Hoàn Cầu, South China Morning Post, Reuters, New York Times,… đưa tin Trung Quốc đang xúc tiến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển, trong đó một nhà máy thí điểm dự kiến sẽ hoàn thiện năm 2018 và đi vào hoạt động một năm sau đó. Theo thời báo Hoàn Cầu, các nhà máy điện hạt nhân này có thể di chuyển đến vùng sâu vùng xa và thành một nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho “đèn biển, thiết bị tìm kiếm và cứu hộ, tiền đồn quân sự, sân bay và cảng biển tại Biển Đông”. Thoạt nghe thì dự án này rất có triển vọng, vìmục đích hòa bình. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, ai cũng có thể nhận ra ý đồ đằng sau hoạt động xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển này không nằm ngoài mục tiêu hỗ trợ cho các căn cứ và hoạt động quân sự của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù Bắc Kinh luôn rêu rao rằng hầu hết những gì Trung Quốc đang xây dựng đều là nhằm mục đích dân sự, nhưng trước những căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua, không ai có thể tin những lời nói này của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông giờ đây không chỉ còn là nguy cơ mà đã hiện hữu, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa với nhiều hình thức khác nhau cho thấy rõ ràng nước này đang chạy đua với thời gian, tiến hành một cách khẩn trương, rầm rộ các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, nhằm tạo “hiện trạng đã rồi”, đồng thời giảm bớt áp lực của cộng đồng quốc tế trước khi có phán quyết nhiều khả năng bất lợi cho Trung Quốc từ Tòa Trọng tài vụ kiện của Philippines.

Cùng với những hoạt động kể trên, nhằm giảm bớt những khả năng bất lợi do vụ kiện đem lại, thời gian qua, Trung Quốc tích cực sử dụng các kênh ngoại giao song phương vừa đấm vừa xoa để tìm kiếm sự ủng hộ. Trong bốn ngày từ 20-23/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du tới ba nước Brunei, Campuchia và Lào. Theo các chuyên gia, các chuyến thăm này của Vương Nghị nằm trong chiến lược tổng thể của Bắc Kinh nhằm cố gắng củng cố sự hỗ trợ cho vị thế của mình,chia rẽ ASEAN, lôi kéo các quốc gia đứng về phía mình trước khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết. Ông Wang Yong, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định, với miếng mồi cam kết sẽ mở rộng quan hệ kinh tế song phương, sự đồng thuận của Brunei là điều quan trọng để giúp Trung Quốc giảm bớt sức ép ngoại giao trước phán quyết của Tòa án.

Kết thúc chuyến công du, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/4, Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận 4 điểm về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc và 3 quốc gia ASEAN cho rằng tranh chấp ở Biển Đông “không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc – ASEAN”. Các nước cũng nhất trí duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông thông qua hợp tác. Vương Nghị khi phát biểu tại Lào ngày 23/4 thậm chí còn tuyên bố các nước ASEAN này “nghĩ rằng tranh chấp lãnh thổ và trên biển nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán và thương lượng của những bên liên quan trực tiếp”. Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại cuộc họp báo ngày 25/4 cũng khẳng định thông tin trên.

Các quốc gia và học giả quốc tế đã có phản ứng đối với tuyên bố nêu trên của Trung Quốc. Một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS – Mỹ) cho rằng đây là bước đi công khai nhất của Trung Quốc tác động lên ASEAN về vụ việc này, sau khi đã có nhiều nỗ lực ngoại giao ở hậu trường để thuyết phục một số nước ASEAN không đứng về phía Philippines. Với các học giả Trung Quốc, với thoả thuận 4 điểm, Trung Quốc đã chứng tỏ cho thế giới thấy sự ủng hộ trong khu vực dành cho nước này khi quyết định không tham gia vụ kiện và bác bỏ mọi phán quyết của Toà án. Theo một nhà phân tích tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc,“Trung Quốc đang cố gắng chứng minh có sự bất đồng trong ASEAN về việc làm của Philippines và Manila đang hành động trái với thoả thuận đã đạt giữa ASEAN với Trung Quốc”. Thoả thuận 4 điểm đã giúp phản bác những chỉ trích cho rằng Trung Quốc đã không hành xử theo luật pháp quốc tế vì bác bỏ phán quyết của toà án, “mục đích là trình bày các lập luận một cách nhất quán và chứng tỏ mình là một nước sẵn lòng tranh luận trên tinh thần thân thiện với các nước khác về những vấn đề phức tạp”.Cũng theo học giả Trung Quốc, thoả thuận 4 điểm này có thể ảnh hưởng nhất định tới tác động của phán quyết và Trung Quốc rất hài lòng khi Brunei, một nước có đòi hỏi chủ quyền, là một bên tham gia thoả thuận.Tuy nhiên, theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Australia, việc Campuchia tiếp tục ủng hộ Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên bởi Campuchia lệ thuộc vào Trung Quốc về cả viện trợ, thương mại và đầu tư; Trung Quốc là nhà cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất cho Campuchia kể từ năm 2010. Hơn nữa, những nước được cho là đạt đồng thuận 4 điểm với Trung Quốc không phải là các bên có yêu sách lãnh thổ trực tiếp trong tranh chấp ở Biển Đông (Brunei chỉ yêu sách vùng biển). Thỏa thuận này chỉ là thỏa thuận sáo rỗng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã khẳng định: “Indonesia giữ nguyên lập trường cho rằng duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông là trách nhiệm chung giữa Trung Quốc, ASEAN và các nước liên quan tới vùng biển này”. Vì thế, dù Trung Quốc có đạt được thỏa thuận 4 điểm như đã tuyên bố thì cũng không có ý nghĩa gì lớn lắm trong việc giúp nước này thoái thác trách nhiệm cùng với các nước liên quan giải quyết vấn đề Biển Đông, bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Tuy nhiên, nhìn lại nội dung tuyên bố mà Vương Nghị đưa ra, sẽ dễ dàng nhận thấy đây là những từ ngữ của chính Trung Quốc muốn đặt vào miệng các nước khác. Thực tế, những nước được nhắc đến trong tuyên bố của Vương Nghị đã lên tiếng bác bỏ thông tin này. Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasithcũng đã nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ Lào trước viện dẫn của Trung Quốc tới Điều 298 Công ước Luật biển 1982,phía Lào cho rằng các nước được quyền lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp. Như vậy, phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không phản ánh đúng tình hình và nội dung trao đổi với các nước liên quan. Tương tự như vậy, tại cuộc họp SOM ASEAN-4, Trưởng SOM ASEAN Brunei cũng thanh minh là thực tế ý kiến của Brunei không giống như những gì Trung Quốc đưa tin. Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan lên tiếng, cho biết không có cuộc thảo luận cũng như thỏa thuận nào được ký kết, chỉ có chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc mà thôi. Lại một lần nữa, thế giới lại chứng kiến Trung Quốc xuyên tạc sự thật liên quan đến Biển Đông. Có lẽ do trước đó, Bắc Kinh đã thất bại trong việc ngăn không cho Thủ tướng New Zealand John Key nhắc đến vấn đề Biển Đông, nay Trung Quốc phải tự huyễn hoặc về khả năng “nói hộ” các nước trong vấn đề này. Những chiêu bài dù biết là không hiệu quả nói trên vẫn được Bắc Kinh dùng đi dùng lại, nguyên nhân là do Bắc Kinh đã quá đuối lý trước những sự phản đối, lên án và những đề nghị của cộng đồng quốc tế về việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa tin đạt được thỏa thuận 4 điểm chỉ là một thủ thuật ngoại giao nhằm chia rẽ nội bộ ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhất là trong bối cảnh vụ kiện trọng tài giữa Philippines – Trung Quốc đang bước vào giai đoạn quyết định.

Liên quan đến vụ kiện, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington ngày 18/4, Quốc Vụ khanh Anh, phụ trách vấn đề Đông Á Hugo Swire cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài dự kiến sẽ có trong thời gian tới phải mang tính ràng buộc và đây là cơ hội choTrung Quốc và Philippines tiếp tục đối thoại về các tranh chấp lãnh thổ. Ông Swire cũng khẳng định, mặc dù quan hệ giữaAnh và TrungQuốc là ấm áp nhưng điều này không có nghĩa London sẽ ngừng phê phán chính sách theo đuổi cứng rắn, cương quyết về vấn đề lãnh thổ củaBắc Kinh đối với vấn đề Biển Đông. Đáp trả những phát biểu của ông Hugo Swire, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 20/4 lên tiếng phản đối, đồng thời cho rằng căng thẳng trên Biển Đông là do Mỹ và Philippines gây ra, chứ không phải do Trung Quốc, và Trung Quốc vẫn giữ lập trường của mình trong vụ kiện của Philippines.

Evan Gracia, trong bài viết “Biển Đông: Con đường tiến về phía trước trong vụ Philippines kiệnTrung Quốc” đăng trên The Strait Times của Singapore ngày 27/4, cho rằng vụ kiện của Philippines không nhằm phản đối một cách vô cớTrung Quốc; ngược lại, đó là một biện pháp hòa bình, không bạo lực, minh bạch và hợp pháp do Philippines lựa chọn để đáp lại những hành động hung hăng đơn phương củaTrung Quốc nhằm theo đuổi yêu sách phi pháp đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Các quan chức chính phủ các nước cũng tiếp tục chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngày 21/4, trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ nghi vấn về những hành động của Trung Quốc, đặc biệt là việc cải tạo đảo một cách ồ ạt và đẩy mạnh quân sự hóa đã khiến cho tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng. Theo Reuters ngày 25/4, phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Tokyo ngày 25/4, Ngoại trưởng Nhật BảnFumio Kishitakhẳng định sự tăng cường nhanh chóng và mập mờ củaTrung Quốc trong chi tiêu quân sự và các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông và với mục đích xây dựng một cường quốc biển mạnh làm cho không những Nhật Bản mà cả thế giới và các quốc gia khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc.

Nhằm đối phó với những bước đi của Trung Quốc, Philippines đang nỗ lực gia tăng năng lực phòng vệ. Theo đó, Mỹ sẽ chuyển giao cho Philippines một phi thuyền hiện đại nhằm theo dõi các hoạt động trên Biển Đông. Thiết bị này có giá trị 42 triệu USD, bao gồm radar, bộ cảm ứng và thiết bị thông tin được gắn trên một khinh khí cầu, đồng thời Mỹ sẽ lắp đạt bộ cảm ứng trên tàu của Philippines sau đó bố trí phi thuyền trên không trung để giám sát vùng trời trên biển.

Theo WSJ và The Diplomat ngày 26/4, một nguồn tin chính phủ Mỹ khẳng định, thay vì tiến hành tuần tra trên biển nhằm thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông như kế hoạch, Mỹ lựa chọn tập trung cho hoạt động tuần tra trên không quanh bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đang chuẩn bị lập tiền đồn ở đây. Mỹ đã thực hiện 3 chuyến tuần tra trên không gần bãi cạn Scarborough, trong đó có các đợt tuần tra ngày 19 và 21/4. Chuyến bay tuần tra đầu tiên, với thông điệp gửi tới Bắc Kinh rằng bãi cạn này là trọng tâm trong an ninh hàng hải khu vực, được thực hiện chỉ 4 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công bố một loạt các cuộc tuần tra chung với Philippines. Tương tự như Mỹ và Philippines, Nhật Bản cũng đẩy mạnh các biện pháp để đối phó với Trung Quốc. Báo Japan Times ngày 22/4 đưa tin Nhật bản đã trở thành nước thứ 4 cho tiến hành bay thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình X2, tạo động lực tăng cường ngành công nghiệp hàng không trong nước tại thời điểm Trung Quốc tiếp tục khuấy động khu vực. Có thể thấy, những hành động gây hấn đơn phương của Trung Quốc không chỉ khiến cho nguyên trạng bị thay đổi, châm ngòi cho căng thẳng ở Biển Đông mà còn đẩy tình hình an ninh khu vực đến nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang./.

RELATED ARTICLES

Tin mới