Saturday, July 27, 2024
Trang chủBiển nóngBig C đuổi hàng Việt: Phải làm sao đây?

Big C đuổi hàng Việt: Phải làm sao đây?

Với tổng mức chiết khấu cao hơn 15%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%, doanh nghiệp chắc chắn lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị Big C. Ảnh: TBKTSG

Chiết khấu đến 25%

Liên quan đến việc hàng loạt doanh nghiệp nông sản thực phẩm Việt Nam có nguy cơ phải rút hàng khỏi quầy, kệ của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, trong công văn gửi lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C Việt Nam hồi cuối tháng 4/2016, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mức chiết khấu mà Big C đòi tăng trong năm 2016 là quá cao khiến doanh nghiệp cầm chắc lỗ.

Cụ thể, theo phản ánh của CLB các Doanh nghiệp Cung cấp hàng Nội địa VASEP, năm qua, một số hệ thống các siêu thị lớn có sự thay đổi chủ dẫn tới nhân sự và hoạt động chưa ổn định đã ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của cả siêu thị và doanh nghiệp sản xuất cung cấp hàng.

Để chuẩn bị cho các hợp đồng mới, thời điểm hiện tại tháng 3-4/2016, các siêu thị có gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu. Trong đó, hệ thống siêu thị Big C đưa ra mức đề xuất tăng thêm chiết khấu khá cao 4,25% – 5%, khiến hầu hết các doanh nghiệp đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối làm sao vẫn hợp tác với Big C nhưng vẫn có thể sống sót và được một chút lợi nhuận để tái đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp thành viên CLB đang hợp tác cùng Big C cho biết, tổng mức chiết khấu cho Big C cao hơn 15% (mức ngưỡng hiện tại để có thể tồn tại), trung bình 17-20%, thậm chí có doanh nghệp đến 25%.

“Đây là những mức rất cao mà chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư”, VASEP khẳng định.

Bởi thế, VASEP đề nghị hệ thống siêu thị Big C Việt Nam không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15%.

Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam khẳng định, chính sách chiết khấu của siêu thị luôn là vấn đề đối với doanh nghiệp cung ứng và sản xuất. Theo đó, hàng của các doanh nghiệp vào được siêu thị đã khó, duy trì được chúng ở trên kệ của siêu thị còn khó hơn. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở siêu thị do người Thái làm chủ mà với cả siêu thị Việt. Tuy nhiên, với các siêu thị Thái Lan, mức chiết khấu cao hơn.

“Chi phí sản xuất, chi phí vào siêu thị cao đẩy giá thành hàng hóa Việt lên cao, làm giảm sức cạnh tranh trước hàng ngoại nhập. Chưa kể, năng suất nhiều sản phẩm thấp càng đẩy giá thành lên cao.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo dù có năng suất rất cao, đủ sức cạnh tranh nhưng vào được siêu thị hay không lại là chuyện khác, phải có quen biết, đi lại, không phải muốn vào là được, dù là người Việt Nam với nhau.

Với siêu thị của người Thái, bây giờ sẽ ngày càng khó khăn, mệt mỏi cho hàng Việt, nhất là khi họ đưa hàng hóa, sản phẩm của nước họ vào Việt Nam tiêu thụ, cạnh tranh với hàng của ta, từ hàng nông sản, thực phẩm tới hàng công nghiệp”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng cho biết, doanh nghiệp Việt đang bị ép đủ thứ, từ phí bôi trơn đến phí chính thức. Để hàng vào được siêu thị, doanh nghiệp phải chịu chiết khấu cao, dưới phải đưa phong bì và tất cả được cộng vào giá thành sản phẩm. 

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên trước đó, ông từng dẫn trường hợp một doanh nghiệp nước mắm muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị của một tổng công ty thương mại Nhà nước, doanh nghiệp ký hợp đồng với giá 60 nghìn đồng/lít, hai tháng sau mới giao hàng nhưng đến thời điểm giao hàng giá thay đổi và doanh nghiệp có đề nghị với phía siêu thị điều chỉnh nhưng không được chấp nhận trong khi thực tế hoàn toàn có thể xoay chuyển được.

Tương tự, một doanh nghiệp mực ở Quảng Bình muốn đưa hàng vào siêu thị, một tháng sau họ mới được nhập hàng với lý do kho đã đầy, không thể xếp mực cho doanh nghiệp dù đây là hàng gửi bán, bán xong mới thanh toán. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu ra, nguyên nhân chậm trễ chính là do doanh nghiệp chưa kịp đưa phong bì.

Trở lại với trường hợp của các doanh nghiệp đang hợp tác với Big C, theo ông Vũ Vinh Phú, hàng Việt sẽ ‘chết’ nếu không tìm được nơi phân phối khác. Bởi thế, hoặc các doanh nghiệp phải đàm phán lại với siêu thị Big C hoặc dựa vào kênh phân phối Việt, hoặc tự tổ chức chuỗi bán lẻ riêng. “Vấn đề là chiến lược kinh doanh của từng ngành thế nào, khôn thì sống”, ông nhấn mạnh.

Tự mình cứu mình

Cũng đề cập đến giải pháp lâu dài cho doanh nghiệp Việt, PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, các doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng con đường chất lượng, phân phối, đặc biệt dựa vào hệ thống liên hiệp hợp tác xã.

“Cần xây dựng các siêu thị của chính nông dân – siêu thị của liên hiệp hợp tác xã. Nhật Bản triển khai rất tốt mô hình này, giúp nông dân trong vùng tiêu thụ sản phẩm do họ làm ra, ví dụ như Liên hiệp hợp tác xã JA, một liên hiệp hợp tác xã rất lớn ở Nhật.

Ở Nhật, Nhà nước đóng vai trò kết nối. Nhà nước đào tạo, hỗ trợ cho cả hệ thống sản xuất mà trung tâm của hệ thống này là người nông dân.

Cả hệ thống viện và trường đại học trực thuộc Trung ương, viện trực thuộc tỉnh và trung tâm khuyến nông tỉnh liên kết với nhau rất chặt chẽ. Mỗi năm, họ ngồi lại với nhau để thông tin các kết quả đã làm được năm rồi và thống nhất các vấn đề cần phải làm trong năm tới. Trung tâm khuyến nông tỉnh hoặc hợp tác xã đảm nhận khâu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.

Tất cả các cơ quan này, từ Trung ương đóng tại tỉnh cho đến các cơ quan trực thuộc tỉnh đều liên kết chặt chẽ với nhau dưới sự hỗ trợ, chỉ đạo của Ủy ban tỉnh.

Nông dân nhận các tiến bộ kỹ thuật mới từ các trung tâm thí nghiệm cấp tỉnh, trung tâm khuyến nông tỉnh và từ liên hiệp hợp tác xã. Họ chỉ cần làm đúng tiêu chuẩn mà liên hiệp hợp tác xã đề ra rồi sản phẩm được đưa vào hệ thống cửa hàng của liên hiệp hợp tác xã. Giá bán cho các cửa hàng này cao hơn so với giá của thương lái trong khi giá bán lẻ rất thấp do không mất chi phí di chuyển”, PGS Châu cho biết.

Học tập cách làm của Nhật không hề khó. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, đã đến lúc phải xem xét lại vấn đề này một cách nghiêm túc, hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp, nếu không phải hướng dẫn đường đi cho họ.

“Làm sao các hợp tác xã của ta phải mạnh lên như ở bên Nhật. Phải đưa ra các tiêu chí rồi cùng sản xuất, thống nhất về chất lượng, mẫu mã… có như thế hàng Việt mới đủ sức cạnh tranh, còn như bây giờ mạnh ai nấy làm chắc chắn sẽ thua. Để làm được, đặc biệt cần đến vai trò kết nối của Nhà nước”, ông Châu nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới