Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngKẽ hở về chính sách thuế của Việt Nam qua hồ sơ...

Kẽ hở về chính sách thuế của Việt Nam qua hồ sơ Panama

Theo TS.Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính, ngân hàng, không nên quá lo lắng và phản ứng thái quá việc 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong danh sách Hồ sơ Panama vừa được công bố. Tuy nhiên, cần sửa ngay lỗ hổng thuế hiện nay.

Kết quả tìm kiếm các cá nhân, tổ chức liên quan tới Việt Nam trong Hồ sơ Panama

Rạng sáng nay Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu, trong đó hé lộ 189 cá nhân, tổ chức của Việt Nam. Chia sẻ với Infonet sáng 10/5, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, không nên quá lo lắng và phản ứng thái quá, dù người Việt đã có tên trong danh sách Hồ sơ Panama.

PV: Thưa ông, Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) Rạng sáng nay đã công bố Hồ sơ Panama trong đó có hé lộ 189 cá nhân, tổ chức cùng 19 công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có tên trong danh sách này. Ông bình luận gì về điều này?

TS. Cấn Văn Lực: Đây là các cá nhân, tổ chức có nguồn thu nhập chính đáng và số lượng tiền gửi cũng không phải quá nhiều. Chúng ta là nước nhỏ thì cũng nên nghe ngóng xem các nước cũng có bối cảnh giống Việt Nam xử lý ra sao, chứ không nên phản ứng một cách thái quá.

PV: Theo ông cơ quan quản lý thuế hiện nay có đủ năng lực để truy soát, điều tra “danh sách” người Việt trong Hồ sơ Panama?

TS. Cấn Văn Lực: Trong trường hợp này, mục tiêu chính của các cá nhân, tổ chức gửi tiền là lách thuế chứ không phải rửa tiền. Bởi nếu là rửa tiền, tài trợ khủng bố, cấm vận,.. sẽ bị Mỹ điều tra ngay và xử phạt nghiêm minh. 

Về việc có nên điều tra ra rõ “ngọn ngành” hay không thì cũng phải cân nhắc, có cần thiết hay không, vì trong nhiều trường hợp việc bỏ quá nhiều chi phí, công sức điều tra rồi cũng không rõ kết quả sẽ như thế nào…

PV: Nhưng phải chăng chính sách thuế đang có kẽ hở dẫn tới việc các cá nhân, tổ chức  có thể chuyển tiền ra nước ngoài, lách thuế?

TS. Cấn Văn Lực: Sau vụ việc Panama tất cả các nước đều phải xem xét lại chính sách thuế của đất nước, khu vực mình chứ không loại trừ nước nào, Việt Nam cũng phải như vậy.

Ví như Mỹ từ năm 2003 trở về đây đã đưa ra đạo luật FATCA – đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (The Foreign Account Tax Compliance Act), được Chính phủ Hoa Kỳ thông qua vào năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 30/06/2014.

Theo đó yêu cầu các tổ chức định chế tài chính ở nước ngoài khi có người dân Mỹ mở tài khoản giao dịch thì phải khai báo với Sở thuế của Mỹ, nếu không sẽ phải chịu chính sách phạt nặng hoặc cấm vận định chế tài chính này từ cơ quan thuế.

Theo tôi được biết, đã có một số ngân hàng lớn của Việt Nam đang tuân thủ theo Đạo luật FATCA của Mỹ. Nghĩa là, khi bất kỳ doanh nghiệp hay công dân Mỹ mở tài khoản giao dịch tại các ngân hàng này thì phải khai báo với Sở thuế của Mỹ.

PV: Tuy vậy, có hiện tượng một số định chế tài chính “núp bóng” cá nhân để chuyển, gửi tiền ra nước ngoài nhằm lách thuế, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Đó là một xu thế và cách làm của các nước khá giống nhau. Ở các nước, các cá nhân đều thông qua định chế tài chính, công ty luật của mình hay công ty trung gian để chuyển, gửi tiền.

Quan điểm của tôi nên nhìn nhận việc này bình tĩnh, nghe ngóng các nước có bối cảnh giống Viẹt Nam xem họ phản ứng ra sao, chứ cũng không nên phản ứng thái quá, tạo ra tâm lý hoang mang, đặc biệt khi chúng ta đang hướng tới đối tượng doanh nghiệp tư nhân, cũng như đối tượng giàu có. Tất nhiên về lâu dài cũng cần xem xét để quản lý thuế tốt hơn.

PV: Cụ thể công cụ chính sách thuế sẽ phải thay đổi như thế nào để “trám” khe hở về thuế, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho là cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các định chế tài chính với các cơ quan thuế. Ví dụ, các khoản thu nhập lớn, bất ngờ cần phải được khai báo và nêu rõ nguồn gốc. Việc bắt buộc nêu rõ nguồn gốc các khoản thu nhập sẽ hạn chế được hiện tượng lách thuế. Đây cũng là cách thức phổ biến mà các nước đã và đang làm, Việt Nam sẽ không nằm trong ngoại lệ. Đã tới lúc chúng ta phải xem xét những khoảng hở của chính sách thuế và nghiên cứu sửa kịp thời.

PV: Xin cảm ơn ông.

RELATED ARTICLES

Tin mới