Nếu như cả châu Âu phải gồng mình với món nợ công của Hy Lạp thì chỉ riêng một công ty nhà nước của Trung Quốc đã nợ đến 614 tỷ USD – gần gấp đôi món nợ của cả nước Hy Lạp.
Tờ báo Tài chính (Trung Quốc) số ra ngày 5/5 cho biết trong quý 1/2016, Tổng Công ty Đường sắt Trung Quốc tiếp tục làm ăn khó khăn. Tổng Công ty đường sắt Trung Quốc đang điều hành mạng lưới đường sắt quốc gia lớn nhất thế giới, trong đó hơn 19.000 km đang khai thác và ít nhất là trên 11.000 km đang nằm trong các kế hoạch phát triển.
Sự phát triển quá nóng của hệ thống đường sắt là niềm tự hào của Trung Quốc nhưng theo đó cũng là món nợ gia tăng trên 8% mỗi năm của đơn vị này. Các chuyên gia lo ngại, với mô hình kinh doanh hiện nay, số nợ của Tổng Công ty này sẽ không ngừng tăng lên và đánh giá đây là mô hình không bền vững.
Món nợ khổng lồ của Tổng Công ty Đường sắt Trung Quốc đã phản ánh tình trạng đáng lo của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – vốn dựa vào các dự án lớn và xem xuất khẩu như là yếu tố chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đang dồn sức để đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc này.
Chả thế mà hôm qua 9/5, chính tờ báo Đảng của Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, đã tung tín hiệu cảnh báo rằng sau khi mở van cho việc cung cấp tín dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc giờ đây phải giới hạn mức nợ công của mình nhằm ngăn chặn các khoản nợ khó đòi và tránh khủng hoảng tài chính.
Theo Nhân dân Nhật báo, nợ công Trung Quốc, vốn đã tăng cao và được chính quyền khuyến khích để vực dậy các hoạt động kinh tế đang bị khó khăn, không thể tiếp tục tăng triền miên.
“Một mức nợ cao là nguồn gốc rủi ro tài chính quan trọng. Khi nợ lên cao, các nguy cơ đe dọa các thị trường hối đoái, chứng khoán, công trái và các ngân hàng cũng tăng lên theo”-tờ báo này viết.
Theo đánh giá của Bloomberg Intelligence, nợ của Trung Quốc tổng cộng lên đến gần 250% GDP, và các ngân hàng đang ghi nhận một đà tăng nhanh chóng của những khoản khoản tín dụng khó đòi.
Trong bối cảnh này, Nhân Dân Nhật Báo lưu ý: “Không nên tiếp tục làm nợ phình lên nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Không có gì nguy hiểm bằng tiếp tục con đường này mà không giải quyết dứt khoát: một cây mía không thể ngọt ở cả hai đầu”.
Cảnh báo phải chặn đứng đà gia tăng của các tín dụng mới, tờ báo Đảng của Trung Quốc viết: “Một cái cây không thể vươn lên đến tận trời cao. Nếu việc kiểm soát không thực hiện đúng đắn, việc nợ cao sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính cơ cấu, kinh tế sẽ co thắt, tiết kiệm của các hộ gia đình sẽ tiêu tan”.
Theo AFP, vì để tránh việc “hạ cánh” quá thô bạo, cũng như ngăn chặn các biến động xã hội, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra thêm nhiều biện pháp tài chính để thúc đẩy hoạt động, cộng thêm với một chính sách tiền tệ vô cùng dễ dãi. Nhưng quan điểm nêu trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 9/5 cho thấy là Bắc Kinh có thể từ đây có một chính sách thận trọng hơn.
Đây là lần thứ 3 trong không đầy một năm qua, tờ Nhân dân Nhật báo đưa ra lời cảnh báo về nợ công của Trung Quốc.
AFP dẫn lời chuyên gia Vincent Chan của Crédit Suisse cho biết: “Tôi rất lo lắng cho nền kinh tế Trung Quốc về trung hạn và dài hạn, không thấy được lối thoát”. Trước mắt, tài chính Trung Quốc còn khá vững chắc với 3.210 tỉ USD dự trữ. Nhưng số tiền này đã bị hao hụt mất 800 tỉ USD từ năm 2014 do cố cứu đồng nhân dân tệ.
Chuyên gia Chan dự báo tổng nợ của Trung Quốc sẽ đạt đến mức 300% GDP trước năm 2020. Và kinh nghiệm cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ ngừng lại, một khi tỉ lệ nợ nần đạt đến mức cao như thế.
Giới quan sát đang tỏ ra lo lắng trước tình hình nợ công của Trung Quốc, bởi lẽ sự hụt hơi của mô hình Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng và mức đầu tư của thế giới, đến các hoạt động thương mại của toàn cầu. Những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các nền kinh tế đang trỗi dậy và các nước xuất khẩu dầu mỏ, đã quá tin tưởng vào một khách hàng lớn như Trung Quốc.