Phán quyết chắc chắn bất lợi cho Trung Quốc ở tòa án quốc tế, Bắc Kinh gia tăng dùng tiền để khuyến khích dân quân biển đội lốt ngư dân ra khơi.
“Hạm đội ngư dân” của Trung Quốc ra khơi. Ảnh minh họa: Getty Imagine
“Dân quân biển” là lực lượng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ về tài chính, hoạt động dưới hình thức là các đội tàu đánh cá xa bờ. Các ngư dân hoạt động như những “du kích biển” dưới vỏ bọc dân sự, có nhiệm vụ chiếm giữ và trợ giúp xây “đảo nhân tạo” trái phép.
ABC News của Úc vừa có cuộc phỏng vấn với một thuyền trưởng chấp nhận lên tiếng về chiêu bài dùng quân của Trung Quốc trong việc đưa dân quân biển ra biển Đông.
Ngư dân yêu cầu không tiết lộ danh tính cùng đoàn thuyền của mình mới trở về sau 2 tháng lênh đênh gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quân đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ không ra đó nếu như chính phủ không trả khoản tiền 20.000 USD mỗi lần. Chúng tôi cũng chỉ nhận được tiền nếu cam kết đến đó 4 lần/năm. Chúng tôi không kiếm tiền từ việc đánh bắt cá”, thuyền trưởng giấu tên nói.
Người này cũng thừa nhận đây là công việc kiếm sống đầy rủi ro: “Năm 1998, tôi đã bị Philippines bắt giữ cùng với 60 người khác trên 4 chiếc thuyền ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Chúng tôi bị giam giữ trong 6 tháng cho đến khi Đại sứ quán Trung Quốc trả tiền thì mới được tha”.
Theo vị thuyền trưởng, chính phủ Trung Quốc huấn luyện và hỗ trợ cho thủy thủ của khoảng 100 tàu. Để có thể đi xa và ở lại dài ngày hơn, Trung Quốc đã hiện đại đội tàu cá với 27 tàu vỏ thép được trang bị hệ thống định vị vệ tinh.
Những con tàu này chỉ có một nhiệm vụ duy nhất, đổ bộ, chiếm giữ, xây “đảo nhân tạo” ở bãi cạn Scarborough, cách bờ biển Philippines khoảng 200 km.
Hồi đầu tuần trước, Reuters dẫn lời các quan chức chính phủ, các nhà ngoại giao trong khu vực và lãnh đạo các công ty đánh cá cho biết ngư dân Trung Quốc được huấn luyện các bài tập trên biển và rèn luyện khả năng thu thập thông tin từ các tàu cá nước ngoài.
Theo đó, Lực lượng vũ trang Trung Quốc đã tổ chức huấn luyện quân sự cơ bản cho ngư dân. Công tác huấn luyện bao gồm các hoạt động tìm kiếm và cứu trợ, đối phó với các tình huống trên biển và “bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”, Reuters dẫn lời một cố vấn trong chính phủ Trung Quốc cho biết.
Ngư dân sẽ tham gia khóa huấn luyện từ tháng 5 tới tháng 8 và được chính phủ Trung Quốc trả tiền khi tham gia khóa huấn luyện này. Chính phủ Trung Quốc còn trợ cấp tiền để khuyến khích ngư dân đóng tàu bằng thép bề thế hơn, thay thế tàu gỗ trước đây.
Một khi hoàn thành, Trung Quốc sẽ sở hữu chuỗi “tam giác sắt” trong mưu đồ kiểm soát Biển Đông. Đó là đảo nhân tạo, đảo quân sự hóa xây dựng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng với tiền đồn trên bãi cạn Scarborough.
Những báo cáo mới đây của tờ báo Úc về mưu đồ của Trung Quốc trên Biển Đông được đưa ra khi phán quyết của Tòa án Quốc tế PCA về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ngày càng tới gần.
Mưu kế trước phán quyết khó khăn
Tờ Deutsche Welle của Đức ngày 6/5 bình luận, tình hình tranh chấp Biển Đông ngày càng gay gắt, Trung Quốc tìm cách để loại Mỹ và các đồng minh ra ngoài Biển Đông (để rảnh tay hành động), đồng thời, trong bối cảnh này, quá trình tìm kiếm “đồng minh” của Bắc Kinh cũng không hề thuận lợi.
Mặc dù gặp khó khăn, hôm 6/5 Vụ trưởng Vụ Biên giới-Hải đảo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Âu Dương Ngọc Tĩnh hùng hồn tuyên bố với báo giới rằng: “Một số nước trên thế giới bày tỏ chia sẻ và ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc trong xử lý vấn đề Biển Đông. Chúng tôi cho rằng, đây là cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ đối với lập trường của Chính phủ Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông của Philippines và xử lý vấn đề Biển Đông, bao gồm giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và hiệp thương, bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông, thực hiện toàn diện DOC”.
Ông Âu Dương Ngọc Tĩnh. |
Được biết, Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trên Biển Đông chứ không kiện tranh chấp lãnh thổ hay phân định biển. Vụ kiện bắt đầu từ năm 2013. Trong vài tuần tới, Tòa Trọng tài Thường trực có khả năng sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện này.
Đài Truyền hình Trung ương TQ đưa tin ngày 7/5, Hiệp hội Luật quốc tế Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thường niên tại TP Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm) và đã đưa vụ kiện vào chương trình nghị sự.
Hội nghị nhất loạt đưa ra chỉ trích cho rằng, Tòa Trọng tài thường trực không có quyền tài phán đối với tranh chấp biển Đông, bởi vậy Trung Quốc không tham gia vụ kiện.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 6/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực vì phán quyết này là bất hợp pháp.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa cũng chỉ trích Trung Quốc đã sẵn sàng đàm phán song phương nhưng Philippines không đàm phán mà lại đi kiện ra Tòa Trọng tài thường trực.
Theo Giáo sư chính trị học quốc tế Jonathan Holslag từ Đại học Tự do Brussels (Bỉ) cho rằng, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giởi, chỉ nhận được sự ủng hộ của số ít quốc gia lệ thuộc kinh tế vào họ. Điều này cho thấy, thực lực của Trung Quốc có hạn.
Jonathan Holslag cho rằng: “Trên thực tế, trong bối cảnh cung cấp viện trợ tài chính quy mô lớn, số lượng người ủng hộ Trung Quốc ít một cách đáng kinh ngạc… Tất cả điều này đều cho thấy sự yếu kém của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao kinh tế”.