Chúng tôi nhận ra rằng, nếu không có sức mạnh quân sự chúng tôi sẽ không giành được chiến thắng trận này ở Biển Đông.
Thời Ân Hoằng, giáo sư Đại học Nhân Dân Trung Quốc, ảnh: udn.com.
South China Morning Post ngày 12/5 bình luận, căng thẳng đang bùng phát trên Biển Đông chỉ một vài tuần trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 – UNCLOS) ở Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố có hơn một chục quốc gia châu Á, châu Âu và châu Phi ít nhất đã hỗ trợ một phần lập luận của Trung Quốc rằng, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần được giải quyết bởi đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp mà không nên có sự can thiệp từ bên thứ 3. Đứng đầu nhóm này là Nga, Ấn Độ, Ba Lan, Sudan, Pakistan, Belarus và Brunei.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc thì ra sức tuyên truyền, vụ kiện của Philippines là “mưu mô của Mỹ nhằm kích động chống Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông chỉ là cái cớ để Mỹ can thiệp vào các vấn đề khu vực, khuấy động căng thẳng để cô lập Trung Quốc”, xã luận tờ Nhân Dân nhật báo hôm Thứ Sáu 11/5 viết.
Mặc dù vẫn chưa chắc chắn Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao với phán quyết của PCA, nhưng một phán quyết có lợi cho Philippines sẽ giáng một đòn mạnh vào yêu sách của Trung Quốc, thiết lập tiền lệ cho các bên tranh chấp khác, South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích cho biết.
Tiến sĩ Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) cho hay, những nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến ngoại giao về vụ kiện đã không thành công, ngay cả khi Bắc Kinh sử dụng thủ đoạn cây gậy và củ cà rốt. Quyền lợi của Trung Quốc không thể quan trọng hơn lợi ích của các nước khác và bạn bè không thể có được bằng đe dọa.
Tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố đạt được cái gọi là “đồng thuận 4 điểm” với Brunei, Campuchia và Lào về vấn đề Biển Đông. Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan lập tức bác bỏ tuyên bố này.
Pang Zhongyig, một giáo sư từ Đại học Nhân Dân Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh chớ đánh giá quá cao những ủng hộ này. Ông nói: “Ảnh hưởng của họ khá hạn chế và đòi hỏi của họ khá rõ ràng về lợi ích kinh tế.“
Tiến sĩ Daniel Wei Boon Chua từ Đại học Công nghệ Nam Dương Singapore cảnh báo hậu quả nếu ASEAN bị Trung Quốc chia rẽ trong vấn đề Biển Đông sẽ chỉ làm các bên yêu sách liên minh lại với nhau.
Ngay cả truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cảnh báo Bắc Kinh chớ lạc quan thái quá, bởi hầu hết đồng minh của Trung Quốc không nhất thiết ủng hộ yêu sách chủ quyền và hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông một cách hoàn toàn.
Thời Ân Hoằng, giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Nhân Dân nói rằng, lập luận cho yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông dựa trên (cái gọi là) lịch sử, không phải là phổ biến với các nước láng giềng nên chưa chắc Bắc Kinh đã giành được ủng hộ lớn hơn.
Ông Thời Ân Hoằng nói: “Không thể phủ nhận rằng, về cơ bản chúng ta đơn thương độc mã trong cuộc chiến này ở Biển Đông. Quan hệ với các nước láng giềng của chúng tôi là quan trọng, nhưng chúng tôi nhận ra rằng, nếu không có sức mạnh quân sự chúng tôi sẽ không giành được chiến thắng trận này ở Biển Đông.
Đó là lý do tại sao có những dấu hiệu ngày càng tăng rằng, các nhà lãnh đạo hiện nay rõ ràng ưu tiên đề cao tăng cường sức mạnh cứng trong 30 năm qua và dường như không lùi bước trước sức ép quốc tế“.
Một số nhà phân tích khác thì cho rằng, những lời lẽ hiếu chiến sắp tới của Bắc Kinh chủ yếu diễn cho dân Trung Quốc xem. Bắc Kinh thường tìm cách kích động tinh thần dân tộc để chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi những quan tâm về các vấn đề chính trị, kinh tế trong nước.
Tiến sĩ Jay Batongbacal từ Đại học Philippines cho biết: “Trung Quốc đang thua trong trận chiến tại Tòa án và dư luận quốc tế, nhưng đây là một tình huống phần lớn do họ tự tạo ra“.
Giáo sư Jerome Cohen từ Đại học Luật New York có chung đánh giá như Tiến sĩ Glaser, việc Trung Quốc từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế chỉ làm cho nước này giống như một kẻ bắt nạt trong mắt phần còn lại của thế giới này. Những nỗ lực chống lại phán quyết của PCA chỉ tiếp tục làm hại sự theo đuổi của Trung Quốc xây dựng quyền lực mềm.
Thời Ân Hoằng cho hay, va chạm Trung – Mỹ trên Biển Đông nhiều khả năng sẽ trở thành trạng thái bình thường mới: “Căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang bởi vì, đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mục tiêu cuối cùng của họ là làm cho quân đội đủ mạnh để chống lại hoạt động tự do hàng hải của quân đội Hoa Kỳ, dần dần tiến tới xiết chặt tất cả các bên tranh chấp đối thủ trên Biển Đông“.