Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiKhi quyền lực bị lạm dụng

Khi quyền lực bị lạm dụng

Cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào được trao quyền lực thì phải có sự kiểm soát quyền lực của tổ chức hoặc cá nhân cấp trên. Chẳng hạn, Nhà nước đã trao quyền cho Viện Kiểm sát để kiểm tra, giám sát tính hợp pháp đối với mỗi quyết định của cơ quan điều tra.

Thế nhưng, nhiều khi Viện Kiểm sát đã không làm đúng chức năng, nhiệm vụ đó, để xảy ra những hậu quả nặng nề.

Các vụ khởi tố, truy tố sai ở Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) và Nhơn Trạch (Đồng Nai) vừa qua đã bộc lộ rõ sự lạm dụng quyền lực dẫn đến sai trái của cả hai cơ quan là Công an và Viện Kiểm sát địa phương.

Kiểm soát quyền lực hiệu quả trước hết phải bằng pháp luật và sự độc lập về trách nhiệm, trong đó, sự giám sát của công luận có vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu không có báo chí vào cuộc quyết liệt, phanh phui sự thật và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo cấp trên thì các công dân của hai vụ này đã rơi vào vòng tù tội oan trái.

Cũng thông qua hai vụ việc này mà lãnh đạo các cấp đã thấy rõ một điều: Người được trao quyền, nếu không hành động kịp thời trước bức xúc của dân hoặc nếu vì lợi ích của mình mà lạm dụng quyền lực Nhà nước để xử lý sai sẽ tự đánh mất niềm tin của người dân với cơ quan công quyền.

Khi ông Nguyễn Văn Tấn – Chủ quán cà phê “Xin chào” ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh bị khởi tố, truy tố về tội “Kinh doanh trái phép” thì báo chí và các mạng xã hội dồn dập đưa tin, đồng thời cũng thông tin rất nhanh việc xử lý của lãnh đạo các cấp đối với những người làm sai.

Còn ở Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc – người tố cáo việc khai thác cát trái phép bị Công an, Viện Kiểm sát huyện Nhơn Trạch khởi tố, bắt tạm giam 4 ngày về tội “chống người thi hành công vụ”. Vụ án đã nhanh chóng kết thúc, cơ quan pháp luật đã phải trả tự do, xin lỗi bà Ngọc và thừa nhận sai trái. Bởi sau 4 ngày bà Ngọc bị bắt tạm giam, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai nghe báo cáo và yêu cầu phải hủy bỏ ngay biện pháp tạm giam đối với bà Ngọc vì cho rằng, bắt tạm giam bà là không cần thiết.

Sau khi bà Ngọc được tại ngoại, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện và lãnh đạo Công an huyện đã phải đứng ra nhận sai sót. Rồi cái quyết định xử phạt hành chính 2,5 triệu của công an huyện đối với bà Ngọc cũng phải xem xét lại.

Thực ra, từ lâu bà Ngọc đã nhiều lần tố cáo “cát tặc” đến chính quyền và công an nhưng không được giải quyết dứt điểm nên mới dẫn tới hậu quả đáng tiếc như vậy. Nếu ngay từ đầu, khi bà Ngọc tố cáo đúng, công an xử lý đúng đắn, kịp thời thì làm gì sự việc trở nên phức tạp như thế. Còn quán cà phê của ông Tấn thì chỉ mắc lỗi dân sự nhưng nhà chức trách cố tình chuyển thành án hình sự. 

Rõ ràng, hai vụ án này đã bị những người thực thi lạm dụng quyền lực một cách tùy tiện đối với công dân. Họ đã lợi dụng nghiệp vụ, cố tạo ra các chứng cứ, hướng các hành vi của công dân đến chỗ có dấu hiệu phạm tội để quy kết tội cho công dân.

Dư luận có cơ sở để nghi ngờ về động cơ của việc khởi tố bị can của hai vụ án hình sự này. Do động cơ không trong sáng nên ngay từ đầu tiến hành lập biên bản, khởi tố điều tra, họ đã lập hồ sơ sai thực tế, dùng câu chữ trong các biên bản sai với tính chất nguy hiểm của vụ việc để kết án.

Những người bảo vệ pháp luật nghĩ rằng, hành vi của họ là “giữ nghiêm kỷ cương” nhưng thực tế họ đã phá vỡ kỷ cương. Phía sau sự lạm dụng quyền lực ấy là xuất phát từ lợi ích nhóm. Vì lợi ích của nhóm đang thụ hưởng tự nhiên có đơn thư tố cáo, bị lộ diện. Thế là họ dùng quyền lực có vẻ hợp pháp để “bịt mồm” người dân và bảo vệ nguồn lợi của họ. Nếu mọi việc trót lọt, công dân sẽ không còn khả năng gây ảnh hưởng tới nhóm lợi ích; hoặc là phá sản; phải chuyển đi nơi khác làm ăn; hoặc là im lặng trước sự lộng quyền.

Giáo sư Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, khi quyền lực được trao vào tay mỗi cá nhân lớn thì cũng cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu để ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra. Cơ chế đó chính là Hiến pháp và pháp luật để đảm bảo không lạm quyền.

Nhưng lâu nay, do cơ chế kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ nên những tổ chức, cá nhân thừa hành quyền lực trong tay đã lạm dụng để gây ra nhiều tiêu cực. Hàng loạt vụ án oan sai được phát giác, nhiều người phải ngồi tù oan do chính người có quyền lực vi phạm pháp luật gây ra. Và những người đó chưa bị xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng tội nên gây sự bất bình trong dư luận xã hội. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo cấp trên trực tiếp của tổ chức, cá nhân phải thực sự sâu sát, phối hợp kiểm soát thường xuyên và kịp thời thì mới ngăn chặn được sự lạm quyền, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân.

RELATED ARTICLES

Tin mới