Việc Mỹ điều tàu chiến áp sát đá Chữ Thập không chỉ cảnh cáo Trung Quốc mà còn trấn an tinh thần các nước đồng minh.
Cảnh cáo Trung Quốc, bảo vệ đồng minh
Sau khi đăng bài “Mỹ điều tàu áp sát đá Chữ Thập: Bước đi mạnh mẽ” phản ánh quan điểm của TS Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao về việc Mỹ đưa tàu khu trục USS William P. Lawrence vào trong vùng 12 hải lý quanh khu vực Đá Chữ Thập mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam, Đất Việt tiếp tục nhận thêm được ý kiến chia sẻ của TS Nguyễn Toàn Thắng – Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, ĐH Luật Hà Nội.
Theo TS Thắng, việc đưa tàu khu trục vào bãi đá Chữ Thập lần này, Mỹ đã đưa ra thông điệp rõ ràng với Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ.
Thứ nhất, Mỹ muốn khẳng định đây là một trong những chính sách biển mà nước này đang theo đuổi ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó là luôn luôn phải tôn trọng quyền tự do hàng hải. Mỹ sẽ thực hiện tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo quyền tự do hàng hải trên biển Đông. Đây là thông điệp để Mỹ khẳng định Trung Quốc không thể sử dụng sức mạnh quân sự để uy hiếp các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là đồng minh của Mỹ.
Thứ hai, Washington muốn trấn an, củng cố lòng tin cho các nước trong khu vực, đặc biệt là các đồng minh rằng Mỹ luôn luôn hiện diện ở biển Đông. Washington muốn khẳng định rằng họ không chỉ là quốc gia sở hữu các vũ khí hiện đại mà trong trường hợp cần thiết thì họ cũng có thể sử dụng những phương tiện đó để bảo vệ đồng minh.
Vị chuyên gia nhận định, Mỹ đang thể hiện quyết tâm ngày càng lớn trong việc giải quyết các vấn đề về biển Đông, đặc biệt là tại các khu vực đang xảy ra tranh chấp với phía Trung Quốc.
Tuy nhiên việc khó khăn nhất với Washington vào thời điểm này là phải thuyết phục được dư luận trong nước về việc sử dụng vũ lực trên biển Đông.
“Dư luận Mỹ đang bình luận và đánh giá xem khả năng nước này có thể triển khai các hoạt động quân sự ở biển Đông hay không và khả năng Mỹ có thể đối đầu với Trung Quốc hay không?
Một số phát biểu của Bộ Quốc phòng, ngay cả đô đốc hải quân Harry Harris cũng rất mạnh mẽ nêu quan điểm sử dụng vũ khí quân sự khi cần thiết. Tuy nhiên một số nhà bình luận trong nước lại đưa ra quan điểm trái chiều.
Vì thế, khả năng Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự tại biển Đông phụ thuộc nhiều vào dư luận của nước này như thế nào. Liệu Mỹ có thể thuyết phục dư luận trong nước sử dụng vũ lực ở biển Đông hay không thì đấy cũng là một vấn đề cần phải xem xét”, TS Thắng nhấn mạnh.
Sức ép lên Trung Quốc
Về phía Trung Quốc, vị chuyên gia cho rằng, các hành động của Mỹ gần đây và đặc biệt là phán quyết của phiên tòa ở Ha Lay, Hà Lan sẽ là một đòn giáng nặng nề vào tham vọng của Bắc Kinh trên biển Đông.
Theo TS Thắng, phiên tòa có thể sẽ phải lùi lại 1 thời gian vì những chứng cứ mới tuy nhiên với những phản ứng của các bên hiện nay thì nhiều khả năng phiên tòa xét xử sắp tới phán quyết sẽ có lợi cho phía Philippines.
“Nhiều khả năng Trung Quốc họ sẽ không chấp nhận kết quả phiên tòa. Tuy nhiên nếu diễn biến có lợi cho Philippines thì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào Trung Quốc.
Bởi lẽ Trung Quốc hiện đang là thành viên của công ước Luật biển năm 1982. Dù họ không tham gia vụ kiện nhưng theo quy định của công ước, Trung Quốc vẫn phải có nghĩa vụ để thực hiện. Nếu Trung Quốc ngoan cố không thực hiện sẽ làm giảm mạnh ảnh hưởng cũng như uy tín của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế. Và chắc chắn đây cũng sẽ là điểm nhấn để Philippines và những nước đồng minh ủng hộ như Mỹ có tiếng nói mạnh hơn”, TS Thắng phân tích.
Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, ĐH Luật Hà Nội thừa nhận, nỗ lực của các nước trong việc đối phó với Trung Quốc đang gặp phải nhiều khó khăn khi vai trò của Hội đồng Bảo An, Liệp Hợp Quốc trong vụ việc này không cao.
“Tòa án công lý của Liên Hợp Quốc thì phải được sự đồng ý của tất cả các bên. Và Trung Quốc thể hiện quan điểm rất rõ là không giải quyết bằng con đường tài phán rồi cho nên tòa án công lý quốc tế không thể có vai trò lớn trong vụ việc được.
Với Hội Đồng bảo An thì Trung Quốc là một trong năm thành viên thường trực cho nên cũng rất khó sử dụng cơ chế này. Đối với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thì có thể nhưng chăc chắn Trung Quốc cũng sẽ tạo ảnh hưởng rất lớn để Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có quyết định cứng rắn được”, TS Thắng đánh giá.
Với những bất cập còn tồn tại, Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, ĐH Luật Hà Nội cho rằng, Mỹ và các cường quốc phương Tây cần phải lựa chọn, cân nhắc việc có nên tiến hành các biện pháp cấm vận, trừng phạt về kinh tế, thương mại với Trung Quốc như đã từng áp dụng với Nga hay không.
“Ở đây các nước không thể thực hiện biện pháp quân sự được nhưng thông thường trong quan hệ quốc tế các biện pháp đáp trả sẽ liên quan đến việc ngoại giao và thương mại.
Và câu hỏi được đặt ra là Mỹ và các cường quốc châu Âu có dám đương đầu và đặt ra các biện pháp để trừng phạt về kinh tế như họ đã từng áp dụng với Nga hay không. Nếu áp đặt việc trừng phạt kinh tế với Trung Quốc thì chắc chắn họ cũng phải chịu những thiệt hại. Đây chính là vấn đề cần phải được các bên cân nhắc”, TS Thắng nêu quan điểm.