Thursday, March 28, 2024
Trang chủThâm cung bí sửBáo TQ: Cách mạng Văn hóa là sai lầm

Báo TQ: Cách mạng Văn hóa là sai lầm

Tờ Nhân Dân Nhật báo hôm nay đăng xã luận kêu gọi người dân phải học hỏi từ những sai lầm trong Cách mạng Văn hóa và tăng cường tập hợp dưới lãnh đạo của chủ tịch Tập Cận Bình.

Động thái của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, được tờ South China Morning Post (SCMP) đánh giá là bước đi phá vỡ sự im lặng của giới truyền thông Trung Quốc về thảm kịch Cách mạng Văn hóa bắt đầu cách đây 50 năm.

Bài xã luận cho rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không bao giờ để Cách mạng Văn hóa tái diễn.

“Sau hơn 30 năm cải cách và mở cửa, đất nước chúng ta mạnh mẽ hơn, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và hệ thống pháp luật dân chủ xã hội chủ nghĩa được tăng cường”, bài báo viết.

“Con đường chúng ta đang đi ngày càng rộng mở và những sai lầm của Cách mạng Văn hóa sẽ không được phép tái diễn”, Nhân dân Nhật báo nhấn mạnh.

Ngày 16/5/1966, đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành chỉ thị nhằm phát động chiến dịch chính trị tự phê bình và làm trong sạch “các tổ chức văn hóa đại diện cho giai cấp tư sản”.

Theo SCMP, cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm nhưng hầu hết các vụ bạo lực, đụng độ, hỗn loạn và thanh trừng diễn ra trong 2 năm rưỡi đầu tiên.

Hơn 1,72 triệu người đã thiệt mạng, tương đương số thương vong của cả Mỹ và Anh gộp lại trong Thế chiến II. Hàng triệu người khác đã bị đấu tố, cầm tù, đánh đập.

“Chúng ta phải ghi nhớ các bài học lịch sử từ cuộc cách mạng, kiên trì đi theo nghị quyết của đảng và chống lại sự can thiệp tả khuynh cũng như hữu khuynh xung quanh chủ đề này”, Nhân dân Nhật báo viết.

Theo tờ này, Trung Quốc “đang tiến gần mục tiêu phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại, hơn bất kỳ thời điểm lịch sử nào của dân tộc”.

“Lịch sử cho thấy, Cách mạng Văn hóa là sai lầm bắt đầu bởi người lãnh đạo và bị thúc đẩy bởi lực lượng phản cách mạng”.

“Đây là thảm họa nghiêm trọng cho đảng, cho đất nước và nhân dân. Nó không phải một cuộc cách mạng đúng nghĩa và không thể hiện bất kỳ ý nghĩa tiến bộ xã hội nào”, bài xã luận dẫn một tài liệu ghi chép năm 1981.

RELATED ARTICLES

Tin mới